Sự kiện hot
13 năm trước

"Thảm họa đỉa": Cấm hay khuyến cáo?

Một "thảm họa đỉa" cho môi trường và dân sinh tương tự như thảm họa ốc bươu vàng, rùa tai đỏ…đang có nguy cơ tái diễn.

Một "thảm họa đỉa" cho môi trường và dân sinh tương tự như thảm họa ốc bươu vàng, rùa tai đỏ…đang có nguy cơ tái diễn.

Phóng viên Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Kế Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT - xung quanh vấn đề này.
 
 
Phải nhìn vấn đề một cách nghiêm túc
 
Trong khi bà con nông dân đang vô tư lao theo "cơn sốt" đỉa thì giới khoa học, trí thức lại lo ngại về một "thảm họa đỉa" khi loài hút máu độc hại này nhan nhản khắp nơi như ốc bươu vàng, chuột hải ly. Ở cương vị là cơ quan quản lý về môi trường, ông đánh giá thế nào?
 
Tây y chưa từng chế thuốc chống đông máu từ đỉa
 
"Tôi từng là bác sĩ khoa mổ độc xạ nghề nghiệp, giải thích tại sao con đỉa khi hút máu người lại rất dễ dàng, nhẹ nhàng mà người ta không biết là vì nó tiết ra một chất chống đông. Còn bản thân cái chất đó ở trong con đỉa là gì thì chưa rõ. Trong Tây y cũng chưa có sự khai thác chế phẩm nào từ đỉa để làm thuốc chống đông máu. Bản thân thuốc chống đông máu chỉ có giá trị với máu của người dễ bị đông.
 
Trong một số trường hợp là người ta thấy máu ở trạng thái cô đặc dễ đông, khi đó sẽ dẫn tới tắc các mạch máu nhỏ, viêm tắc tĩnh mạch vì thế mà người ta dùng các thuốc chống đông. Thuốc chống đông hiện nay không phải là chế từ đỉa, mà đó là thuốc aspirin, heparin. Còn dùng đỉa để chống đông máu thì Tây y Việt Nam chưa từng có".
 
PGS.TS Lê Kế Sơn
- Trong trường hợp này, chúng ta buộc phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc, kiểm tra một cách khoa học. Thứ nhất là xác định đặc điểm giải phẫu, sinh lý, sinh trưởng của con đỉa; thứ hai là đánh giá lại, nghiên cứu sâu hơn về các chất có trong con đỉa mà có tác dụng chống đông máu; thứ ba là con đỉa tồn tại trong môi trường đồng ruộng Việt Nam thì có lợi- hại gì? Bản thân tôi cũng xuất phát từ nông dân, gắn bó với ruộng đồng bao đời nay nhưng cũng chưa thấy loài  này có tác dụng gì cho môi trường.
 
Thế nhưng Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, GS Đặng Huy Huỳnh lại nói đỉa có tác dụng nhất định với môi trường. Trong bối cảnh món hời trước mắt quá cao cộng với nhận định này sẽ càng khiến người dân bỏ qua nguy cơ xảy ra thảm họa mà tiến tới nuôi đỉa?
 
- Tôi khẳng định là cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói về tác dụng của đỉa với môi trường. Cũng chưa có nghiên cứu về tương quan sinh thái, sự cộng sinh của đỉa với loài khác. Còn thực tế cuộc sống thì cũng chưa thấy đỉa có tác dụng gì ngoài việc là loài hút máu có hại. 
 
Trước thực trạng này, theo ông nên xử lý thế nào?
 
- Theo tôi, trước sự việc như thế này thì các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà động vật học phải nghiên cứu ngay một cách nghiêm túc, đưa ra kết quả càng sớm càng tốt. Khi thấy rằng ngoài tác dụng như chống đông máu thì chúng có tác hại lớn như thế nào với môi trường, dân sinh. Đặc biệt là trước khả năng sinh sôi phát triển của đỉa, buộc chúng ta phải hết sức thận trọng với nguy cơ xảy ra hiện tượng nuôi đỉa đồng loạt. Nuôi đỉa để xuất khẩu, đỉa tăng trưởng quá mức thì sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, hậu quả gây ra là không thể lường trước được.
 

Theo Đông y Trung Quốc: Đỉa có tác dụng chữa một số loại bệnh. Ảnh: TL

 
Cần ra lệnh cấm nuôi
 
Có ý kiến cho rằng trong khi chờ đợi có kết quả nghiên cứu rõ ràng về lợi, hại của việc này thì nên ban hành lệnh cấm nuôi đỉa. Ông có đồng tình?
 

PGS.TS Lê Kế Sơn

- Muốn cấm dân nuôi đỉa thì phải có cơ sở pháp lý hoặc cơ sở khoa học. Ra lệnh cấm bây giờ thì chưa biết dựa vào điều gì. Theo tôi khi mà chưa nghiên cứu được rõ ràng thì nên có lời khuyên, sự khuyến cáo để bà con hết sức thận trọng, không thể thực hiện một việc (nuôi đỉa) mà không biết được hệ lụy đối với môi trường sẽ thế nào.
 
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nên chỉ đạo xuống các Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ở các huyện; rồi chính quyền địa phương các tỉnh, đặc biệt là chính quyền xã phải có khuyến cáo sát sao tới dân. Tâm lý bà con mình thì dù cấm họ vẫn nuôi, thậm chí càng cấm càng nuôi nhất là khi đỉa đang được thu mua với giá cao. Nên chỉ có cách khuyến cáo chỉ cho họ một số bài học từng xảy ra về việc ồ ạt chạy theo thương lái rồi đột ngột họ dừng thu mua gây nên hậu quả khủng khiếp như như vụ ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chuột hải ly hay vụ thu mua chuối xanh khiến bà con chặt dứa để trồng chuối, thương lái không mua nữa lại phải chặt chuối để trồng lại dứa khiến nhiều hộ rơi vào cảnh đói nghèo...
 
- Xin cảm ơn ông!
 

Rất dễ sinh sôi

Theo Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, GS Đặng Huy Huỳnh: "Đỉa dễ sinh sôi trong mọi điều kiện, nhất là những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Nếu đốt đỉa không cháy hết, vài tế bào sót lại gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành con đỉa bình thường".
 
 
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - PGS.TS Lê Kế Sơn - cho hay, ông hơi nghi ngờ với nhận định "vài tế bào sót lại gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành con đỉa bình thường" của GS Huỳnh. Bởi tế bào ở trong môi trường không bình thường như môi trường ưu trương (nồng độ muối quá cao) hay nhược trương (nồng độ muối quá thấp) hay trong môi trường có độ ph quá cao và đặc biệt trong môi trường có nhiệt độ cao thì các men, các thành phần sống sẽ chết, đặc biệt protein sẽ bị đông vón hết, mà protein đã đông vón biến tính thì không thể phát triển thành cơ thể sống mới được.
 
PGS.TS Nguyễn Xuân Quýnh - Chủ nhiệm khoa Sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng cho hay, khi đốt đỉa nếu còn sót lại phần đầu nơi có hệ thần kinh trung ương và còn đốt kèm theo, dính liền với hệ thần kinh trung ương thì đỉa mới có thể tái sinh thành con đỉa mới; chứ không phải khi đốt còn sót tế bào là có thể tái sinh.
 
Lã Xưa(Giadinh)
 
Từ khóa: