Sự kiện hot
12 năm trước

Thận trọng với miếng dán chống ói

Một bé gái bảy tuổi theo mẹ từ Đồng Tháp lên TP.HCM thăm bà con. Sợ con say xe, người mẹ đã dán hai miếng dán chống ói ở sau tai của con. Trong suốt hành trình, bé ngủ li bì. Khi đến TP.HCM, bé kêu nhức đầu, có biểu hiện rối loạn hành vi, không nhận ra người thân, nói nhảm, la hét, đập phá, nôn mửa, hoa mắt... nên gia đình vội chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cấp cứu.

Một bé gái bảy tuổi theo mẹ từ Đồng Tháp lên TP.HCM thăm bà con. Sợ con say xe, người mẹ đã dán hai miếng dán chống ói ở sau tai của con. Trong suốt hành trình, bé ngủ li bì. Khi đến TP.HCM, bé kêu nhức đầu, có biểu hiện rối loạn hành vi, không nhận ra người thân, nói nhảm, la hét, đập phá, nôn mửa, hoa mắt... nên gia đình vội chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cấp cứu.

Không dùng miếng dán chống ói cho trẻ em dưới tám tuổi và phụ nữ có thai. Ảnh: Hồng Thái

Kết quả chẩn đoán của bác sĩ nhận định bệnh nhi đã bị tác dụng phụ của dược chất scopolamin trong miếng dán chống ói. Đây không phải là trường hợp hy hữu, trước đó cũng đã có một số người gặp những tác dụng tương tự do sử dụng miếng dán chống ói không đúng cách.

Miếng dán cũng là thuốc

Dạng thuốc là miếng băng dán (cao dán) dùng để dán lên da hiện nay không chỉ cho tác dụng tại chỗ (như cao dán Salonpas, chỉ cho tác dụng giảm đau khu trú ở vùng dán) mà còn có loại mới cho tác dụng toàn thân (dán nhưng cho tác dụng không khác uống thuốc). Dạng thuốc cho tác dụng toàn thân này còn được gọi là băng dán xuyên da.

Để chống nôn ói khi đi tàu xe, thay vì uống thuốc, ta có thể dán dạng thuốc băng dán xuyên da chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da khô sau tai (dán ít nhất bốn giờ trước khi lên tàu xe để có đủ thời gian cho thuốc thấm qua da vào máu), thuốc sẽ thấm dần xuyên da qua máu với lượng đủ scopolamin có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hoá giải buồn nôn và nôn do say tàu xe. Dạng băng dán xuyên da này khá tiện lợi, vì duy trì được sự cung cấp liên tục thuốc trong thời gian dài, nếu cần có thể ngưng sự điều trị bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da.

Không phải ai cũng dùng được

Vì mang tính chất như dược phẩm nên dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Cụ thể, băng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamin, bên cạnh tác dụng chống co thắt, chống nôn cũng đồng thời có thể gây tác dụng phụ gọi là “liệt đối giao cảm” (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)…

Do vậy, khi dùng băng dán xuyên da chống nôn, ta cần lưu ý: không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới tám tuổi. Trẻ em trên 8 – 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán. Khi đang dán băng dán xuyên da và cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay, bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da. Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám ở bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc cho bác sĩ xử trí. Sau khi dán hoặc gỡ miếng băng dán nên rửa tay cho kỹ, để thuốc không dính vào thức ăn, thức uống.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Theo SGTT


Từ khóa: