Sự kiện hot
10 năm trước

Tháng Bảy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%

Báo cáo Tình hình kinh tế-xã hội bảy tháng của năm 2014 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Bảy có mức tăng khả quan và đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước.


Trong 7 tháng, ngành chế biến, chế tạo đứng đầu với mức tăng 8,1%. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2013 (quý 1 tăng 5,3%; quý 2 tăng 6,9%).

“Nóng” chế biến, chế tạo


Theo báo cáo, trong 7 tháng qua, ngành chế biến, chế tạo đứng đầu với mức tăng 8,1% (quý 1 tăng 7,4%; quý 2 tăng 8,6%), đóng góp 5,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành. Kế theo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Riêng ngành khai khoáng tiếp tục có sự suy giảm, ở mức 1,7%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm mức tăng chung toàn ngành.

Đáng chú ý, trong các ngành sản xuất, một số ngành có chỉ số sản xuất bảy tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 34,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 21,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,5%; dệt tăng 19,2%...

Về các sản phẩm sản xuất, báo cáo cho biết một số sản phẩm đạt mức tăng bảy tháng cao so với cùng kỳ năm 2013 là điện thoại di động tăng 37,8%, ô tô tăng 27,3%, thép cán tăng 23,8%,  tivi tăng 23,3%, giày, dép da tăng 19,5%, sữa tươi tăng 17,4%...

Chỉ số công nghiệp đánh giá theo địa phương trong bảy tháng qua cho thấy, Đà Nẵng có mức  tăng cao nhất 10,8%, Quảng Nam tăng 10,2%, Hải Phòng tăng 10%... Hai đầu tàu kinh tế, gồm thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,2%, Hà Nội tăng 4,2%.

Cảnh báo tồn kho tăng


Bên cạnh đó, cáo cáo cũng cho biết, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Sáu giảm 0,2% so với tháng Năm, song vẫn tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2014, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm 2013).

Cụ thể, các ngành có chỉ số tiêu thụ sáu tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2013 là, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 40%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 17%...

Mặc dù tình hình sản xuất và tiêu thụ đã có những chuyển biến khả quan, song báo cáo cũng cho thấy chỉ số tồn kho bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại.

Tại thời điểm 1/7/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,2% so với cùng thời điểm năm 2013 (đây là mức tăng cao hơn mức tăng 8,8% của cùng thời điểm năm trước và cao hơn mức tăng 12,8% của cùng thời điểm tháng trước).

Theo báo cáo, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân sáu tháng đầu năm nay là 77,2%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 161,2%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 127,1%, sản xuất chế biến thực phẩm 98,2%...

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/7/2014 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 5,1% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,9%.

Doanh nghiệp đăng ký mới giảm

Trong tháng Bảy, Báo cáo thống kê cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước là 5.083 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 31.518 tỷ đồng (giảm 16,5% về số doanh nghiệp và giảm 45% về vốn đăng ký so với tháng trước.)

Theo đó, số lao động dự kiến được tạo việc làm tại các doanh nghiệp mới thành lập trong tháng là 88 nghìn người, giảm 1,1% so với tháng trước.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn trong tháng Bảy là 4.931 doanh nghiệp và giảm 22,6% so với tháng trước.

Như vậy tính chung bảy tháng, cả nước có 42.398 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 262,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7% về số doanh nghiệp và tăng 17,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.

Các chuyên gia phân tích tại báo cáo nhấn mạnh, quá trình sàng lọc, đào thải doanh nghiệp vẫn diễn ra khá mạnh trong cả nước. Trong đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, ngừng hoạt động có thời hạn trong bảy tháng lên tới 37.612 doanh nghiệp, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Hạnh Nguyễn
theo Vietnam+

Từ khóa: