Sự kiện hot
11 năm trước

Thanh Hóa: Công trình trăm tỉ, hai năm đã hỏng

Nhằm tránh việc sạt lở khi mùa lũ ở sông Mã nước dâng cao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè đá bờ sông, với kinh phí trên 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo phản ánh của người dân, công trình trăm tỉ này mới hoàn thành đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhằm tránh việc sạt lở khi mùa lũ ở sông Mã nước dâng cao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè đá bờ sông, với kinh phí trên 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo phản ánh của người dân, công trình trăm tỉ này mới hoàn thành đã xuống cấp nghiêm trọng.


Sự xuống cấp này được đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Ảnh: HC

Chỉ một trận lũ nữa…

Mấy năm trước, tình trạng sạt lở ở bờ hữu sông Mã khá trầm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cầu Hàm Rồng. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè bờ sông - công trình được coi là dự án trọng điểm của tỉnh, bởi ngoài việc chống sạt lở, bảo vệ cây cầu lịch sử thì nó còn tạo cảnh quan và môi trường sống tốt hơn cho người dân hai bên bờ sông. Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng chưa được hai năm, công trình đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy chất lượng rất kém.

Có mặt tại công trình chúng tôi ghi nhận, đoạn kè ngay dưới chân cầu Hàm Rồng, mặc dù mới hoàn thiện từ năm 2011 đến nay, nhưng bê tông đã đứt gẫy, có đoạn dài gần chục mét, nhiều đoạn mái kè bung lên nham nhở, lún sụt.

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân sống trong khu vực cho biết, lúc này mực nước sông Mã đang thấp, nếu mực nước lên cao thì với chất lượng kè như trên, chỉ một trận nước dâng sẽ cuốn trôi tất cả. Được biết, đoạn kè này là gói thầu nhỏ trị giá 18 tỉ đồng trong dự án trên 100 tỉ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Công trình do Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Nhà thầu là Công ty TNHH Dũng Lân, có địa chỉ tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Nói về sự cố này, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong quá trình triển khai dự án đã có các đoàn kiểm tra chất lượng của Sở Xây dựng và Sở NN& PTNT Thanh Hóa tiến hành kiểm tra thi công, đều đánh giá công trình đảm bảo chất lượng và tuân thủ theo đề án thiết kế được phê duyệt. Đến tháng 9/2012, công trình vẫn đảm bảo ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vào đầu tháng 9/2012 trên sông Mã, mực nước lên gần báo động II, đoạn kè trên (có chiều dài 53,55m) bắt đầu xuất hiện các vết nứt phần thềm bê tông phía trên và làm dịch chuyển vị mái kè phía sông.

Qua theo dõi của Chi cục Đê điều và PCLB, từ ngày 12/09/2012 đến 22/09/2012 hiện tượng rạn nứt bê tông phía trên phát triển ngày càng mạnh, có những vết nứt rộng từ 1cm đến 2cm, phần kè mái sông bắt đầu bị đứt gãy. Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công Công ty TNHH Dũng Lân tiến hành bảo hành và sửa chữa những hư hỏng trên vào đầu tháng 10/2012, theo phương án bóc bỏ phần bê tông bị rạn nứt, đầm trị và đổ bê tông lại, phần mái kè phía sông bóc lên lát lại theo thiết kế được duyệt.

Lý giải khó hiểu

Sau khi sửa chữa, hiện tượng sụt lún mái kè và mặt bê tông lại tiếp tục diễn ra và lại tiến hành sửa chữa thêm lần 2 trong tháng 11/2012. Tuy nhiên, sau hai lần xử lý, hiện tượng sụt lún vẫn tiếp diễn phức tạp, tiếp tục làm hư hỏng mái kè và làm sụt lún phần nền phía trên.

Trước tình hình đó, Chi cục Đê điều và PCLB đã yêu cầu Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Thủy lợi Thanh Hóa khảo sát chi tiết toàn bộ phần sụt lún và lòng sông, chân kè, phạm vi sụt lún, đánh giá nguyên nhân gây sụt lún để đưa ra phương án xử lý triệt để đảm bảo an toàn và bền vững lâu dài cho công trình.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, sau khi khảo sát thì nguyên nhân của sự cố lại được đổ cho là do đoạn chân cầu Hàm Rồng cũ lòng sông bị hẹp, trụ cầu chắn dòng chảy, vì vậy khi có lũ về đã làm lòng sông phía hạ lưu ngay sau mố trụ cầu bị sạt lún quá sâu, dẫn đến chân kè, mái kè bị mất chân, kéo theo các công trình phía trên bị sụt lún, biến dạng.

Cách lý giải như trên của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa quả là không thể hiểu nổi. Một mặt cơ quan này cho biết công trình đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mặt khác thì lại thừa nhận công trình xuống cấp, nứt nẻ là do nước dâng, dòng chảy. Vậy khi thiết kế, phê duyệt thiết kế, chủ đầu tư cùng các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sao không tính đến các yếu tố này?

Dư luận tại Thanh Hóa cho rằng, các cơ quan điều tra cần phải vào cuộc làm rõ xem có sự rút ruột công trình hay không? UBND tỉnh cũng cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan.

H.Châu - N.Quốc
theo GĐ&XH

Từ khóa: