Sự kiện hot
11 năm trước

Thơ Trần Đăng Khoa biến thành “tác phẩm dân gian”: Người đọc bị coi hơn...rơm rác

Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa lên tiếng về việc trường ca “Đi đánh thần hạn” của ông bỗng dưng trở thành tác phẩm dân gian. Cuốn sách được nhà thơ phát hiện ra lỗi này lại… lấy tài liệu từ một cuốn sách khác.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa lên tiếng về việc trường ca “Đi đánh thần hạn” của ông bỗng dưng trở thành tác phẩm dân gian. Cuốn sách được nhà thơ phát hiện ra lỗi này lại… lấy tài liệu từ một cuốn sách khác. Chủ biên của cuốn sách đầu tiên đã lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn chưa có thông tin nào cho biết cả 2 cuốn sách sẽ được đính chính hay hiệu đính.


Tác phẩm “Đi đánh thần hạn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng được xếp ở phần Thần thoại trong cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu”.

"Đánh thần hạn” ở vùng sông nước?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa mới đây đã bất ngờ khi tác phẩm “Đi đánh thần hạn” của ông bỗng nhiên trở thành một tác phẩm “khuyết danh” trong cuốn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Thị Huế - Viện Văn học Việt Nam làm chủ biên. Sau khi nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng, chủ biên cuốn sách cho biết đã lấy tài liệu nói trên từ một cuốn sách khác đã xuất bản 8 năm trước. Đó là cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu” do PGS. Chu Xuân Diên (chủ biên), NXB. Văn nghệ TP HCM, năm 2005. Trong cuốn “Văn học dân gian Bạc Liêu”, trường ca “Đi đánh thần hạn” được xếp ở phần Thần thoại.

Nhiều ý kiến cho rằng Bạc Liêu vốn là vùng sông nước nên không thể có tác phẩm dân gian “Đi đánh thần hạn”. Sự việc vỡ lở, hóa ra cuốn sách “Văn học dân gian Bạc Liêu” được một nhóm sinh viên sưu tầm. “Đi đánh thần hạn” là câu chuyện được một người phụ nữ… kể lại(?!).

Ông Trần Minh Huấn, Phó Giám đốc Sở VHTT & DL Bạc Liêu cho biết, đúng là ông cũng chưa nghe thấy tác phẩm dân gian nào mang tên “Đi đánh thần hạn” ở Bạc Liêu.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với ông Phạm Quốc Chính, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin Truyền thông về sự việc. Ông Chính cho biết, đây là vấn đề liên quan đến bản quyền. Đối với các sách cần phải thu hồi thì theo đúng luật định như phát tán các nội dung đồi trụy, vi phạm các quy định của Nhà nước….

Thiếu tôn trọng người đọc

Theo lẽ thông thường, các vi phạm về vấn đề bản quyền sẽ được xử lý khi có đơn thư khiếu nại. Như vậy, sự việc hoàn toàn trông chờ vào ý thức của những người trực tiếp tham gia vào việc biên soạn 2 cuốn sách vi phạm bản quyền nói trên.

PGS Nguyễn  Thị Huế đã đưa ra ý kiến của mình trên website của Viện Văn học “...Chúng tôi xin thừa nhận, do chuyên về nghiên cứu văn học/ văn hóa dân gian nên chúng tôi không có điều kiện đọc hết những sáng tác văn học hiện đại, trong đó có sử thi - truyện thơ “Đi đánh thần hạn” của anh Trần Đăng Khoa… Đây là một thiếu sót đáng tiếc của nhóm biên soạn, trước hết là của chủ nhiệm công trình. Nếu được đọc tác phẩm của anh thì chắc chắn chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn khi sử dụng bản kể “Đi đánh thần hạn” trong công trình Văn học dân gian Bạc Liêu”.

Còn PGS Chu Xuân Diên, chủ biên cuốn sách “Văn học dân gian Bạc Liêu” cũng đã có sự thừa nhận chính thức về tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa:  “Về “Đi đánh thần hạn”, tôi đồng ý với nhà thơ rằng bài trường ca hoàn toàn là sáng tạo của anh. Tôi nghĩ rằng, tác phẩm được viết nên từ tài năng của tác giả cộng với sự tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc”.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là cả 2 vị chủ biên sách này đều không đưa ra một lời hứa hẹn nào sẽ hiệu đính, sửa sai…các bản sách đã in. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, ông muốn khép lại câu chuyện vì sự việc đã rõ ràng. Ông cho biết, mình chỉ mong muốn khi các sơ suất trong một cuốn sách nào đó đã được phát hiện thì cần có sự đính chính, điều chỉnh để tôn trọng bạn đọc.

Nhiều độc giả cũng cho rằng, sự việc không thể chỉ dừng lại ở việc các nhà làm sách xin lỗi tác giả của tác phẩm bị vi phạm mà cần có một động thái chính thức về những cuốn sách được phát hành để tôn trọng chính mình, tôn trọng độc giả và tôn trọng sự thật.

Cả 2 chủ biên của 2 cuốn sách nói trên đều đã lên tiếng thừa nhận đã dùng tác phẩm của nhà thơ Trần Đăng Khoa và biến thành “truyện dân gian”. Hành động thẳng thắn thừa nhận những sai sót của mình của PGS Chú Xuân Diên được dư luận đánh giá là “đàng hoàng” trong khi PGS- TS Nguyễn Thị Huế khá lòng vòng trong việc giải thích sự thiếu sót của mình trong việc biên soạn sách.

Hoàng Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: