Sự kiện hot
10 năm trước

Thoái vốn để tự cứu mình

Việc thoái vốn của DNNN ra khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thời hạn còn gần 18 tháng nữa nhưng xem ra khó có thể bảo đảm đúng tiến độ bởi muôn vàn lý do khó khăn mà các tập đoàn, các TCty đưa ra.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và tái cơ cấu DNNN là cần thiết để tăng sức khỏe cho DN. Bộ Xây dựng cũng đang tích cực triển khai các đề án tái cơ cấu các TCty thông qua việc thoái vốn, hợp nhất theo lộ trình.

“Kẻ khóc, người cười”

Chưa bao giờ nằm tốp đầu của ngành Xây dựng nhưng cho đến thời điểm này, TCty COMA khẳng định rất tự tin vào “sức khỏe” tài chính của mình. Năm 2014, với việc thành công trong thoái vốn Nhà máy Xi măng Đồng Bành thu về 260 tỷ đồng, COMA thoát hiểm ngoạn mục trong thời điểm khó khăn nhất. Nhà máy Xi măng Đồng Bành sang tay chủ mới nhanh chóng được ổn định sản xuất và hoạt động hiệu quả cho thấy việc đầu tư của COMA với lĩnh vực sản xuất xi măng là sự đầu tư nghiêm túc. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm quản lý và đặc biệt thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lĩnh vực tốn kém này nên COMA không làm chủ được “đứa con đẻ” của mình.

Việc thoái vốn khỏi nhà máy xi măng đã giúp COMA thanh toán được nợ nần. Trước đó, COMA đã từng đầu tư cho các Cty thành viên lên tới trên 400 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ trên 107 tỷ đồng. Hiện tại, số vốn thuộc sở hữu Nhà nước tập trung chủ yếu cho các DN cơ khí mà đặc biệt cho các đơn vị làm ăn hiệu quả, có mức tăng trưởng và phát triển ổn định: COMA 26, COMA 2..., mức tăng từ 10 - 20 tỷ đồng. Hiện tại COMA chỉ còn một vài DN cần thoái vốn khỏi lĩnh vực xây lắp xong số vốn không đáng kể.

Trao đổi với phóng viên báo Xây dựng, ông Dương Văn Hồng - Tổng giám đốc TCty COMA khẳng định: “COMA không chịu áp lực nợ và hiện tại luôn là đối tượng được ưu tiên của các ngân hàng. Với thực trạng hiện nay, những phần việc đang triển khai hiệu quả, COMA khẳng định bảo đảm sức khỏe để duy trì sự ổn định và phát triển ngay cả khi kinh tế chưa thể phục hồi trong những năm tới”.

Cũng trong lĩnh vực chế tạo và lắp máy cơ khí xây dựng, từng là một DN đình đám của ngành Xây dựng xong việc thực hiện thoái vốn và tái cơ cấu của TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) không được thuận lợi và suôn sẻ. Chủ tịch HĐTV LILAMA Nguyễn Đình Hải cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, đơn vị sẽ thoái vốn khỏi toàn bộ các Cty liên kết, chỉ giữ lại 8 đơn vị nòng cốt (mà đơn vị sẽ nâng vốn điều lệ). Số tiền thoái vốn sẽ tập trung dồn cho các ngành nghề chính. Tuy nhiên, dù thời điểm rút vốn cận kề, nhưng hàng trăm tỷ đồng tiền vốn đầu tư ra bên ngoài vẫn đang nằm trong các DN đối tác, thậm chí chưa tìm được đối tác để bán. Con số thoái vốn 100% tại Cty CP bất động sản Việt Nam thu về 20 tỷ đồng; thoái vốn tại Cty CP Xi măng Thăng Long, thu về được 4 tỷ đồng… của LILAMA xem ra còn khá khiêm tốn so với mục tiêu thoái vốn hàng trăm tỷ đồng đề ra.

Ngoài ra còn một số DN thực hiện thoái vốn bảo đảm mục tiêu như: TCty Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Việt Nam (IDICO) đã bán 22,37% vốn góp tại Cty CP Thủy điện Srok Phu Miêng, TCty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) giảm tỷ lệ vốn góp tại Cty TNHH liên doanh xây dựng VIC từ 51% xuống 36%...

“Vấn đề là thị trường hiện nay không thuận lợi để rút. Tại nhiều đơn vị góp vốn, chúng tôi công khai tuyên bố LILAMA muốn rút, nhưng chưa tìm thấy người mua. Hiện, ở LILAMA18 chúng tôi còn kẹt 18 tỷ đồng vốn góp. Giờ muốn thoái cũng chưa được, nói gì đến bán. Số tiền hơn 100 tỷ đồng khác đầu tư vào một số DN cũng như lĩnh vực bia rượu, nước giải khát vẫn chưa có cách rút về”, ông Hải cho biết.

Gỡ khó từ đâu?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách DNNN, đặc biệt chú trọng công tác CPH gắn với niêm yết, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Từ nay đến hết năm 2015, Việt Nam lên kế hoạch CPH 432 DNNN, trong đó có nhiều tập đoàn, DNNN lớn đang tìm nhà đầu tư chiến lược để CPH ngay trong năm nay.

Dù vậy nhiều DN cho rằng, Chính phủ đã bật “đèn xanh” thoái vốn dưới mệnh giá, nhưng thực tế không dễ thực hiện. Về nguyên tắc tài chính, phải có dự phòng mới thực hiện được theo phương án này. Nếu đầu tư 10 và có trích dự phòng được 2 thì mới có thể bán lỗ, thu 8 đồng về. Về thủ tục, khi được phê duyệt đề án mới được phép tìm nhà đầu tư. Thế nhưng, tìm nhà đầu tư rất khó. Nếu DN niêm yết trên sàn chứng khoán thì có thể dễ tìm. Còn tìm để thỏa thuận bán dường như là điều không thể.

Cũng theo kiến nghị của các DN, hiện nay DNNN hầu như không được chủ động làm việc gì. Đầu tư, thoái vốn, nhân sự... tất cả đều phải xin và rất mất thời gian cho các thủ tục hành chính. Việc đầu tư của DNNN phải xin phép là cần thiết, nhưng ngay cả việc thoái vốn cũng phải xin khiến quá trình thoái vốn diễn ra chậm chạp. Khi DN quyết định thoái vốn theo chủ trương thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính, hoặc lĩnh vực họ làm ăn không hiệu quả thì nên để DN được chủ động làm, miễn sao làm đúng quy định không làm mất vốn nhà nước. Khi thoái vốn, DN gặp một đối tác chấp nhận mua nhưng vì phải qua các thủ tục xin phép nên có thể mất cơ hội vì họ không thể chờ. Muốn một đề xuất được thông qua thì cần phải có ý kiến đầy đủ của các ban ngành liên quan. Nơi nào hiểu cho hoạt động của DN còn làm nhanh, có nơi không hiểu sẽ phải chờ đợi rất mất thời gian.

Liên quan đến thực hiện thoái vốn và tái cơ cấu DN, ông Đặng Văn Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN cho biết Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý liên quan như văn bản hướng dẫn việc thoái vốn đối với việc góp vốn bằng thương hiệu; hướng dẫn chuyển giao vốn, chuyển giao dự án gắn với chuyển giao vốn giữa các DN khi thực hiện tái cơ cấu...

Huệ Anh
theo Xây Dựng

Từ khóa: