Sự kiện hot
8 năm trước

Thủ tướng: chất lượng tăng trưởng quan trọng hơn tỷ lệ

Thủ tướng đưa ra quyết tâm cao nhất để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng… nhưng quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng tăng trưởng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như trên về tinh thần của Thủ tướng và Chính phủ trong điều hành kinh tế khi chủ trì cuộc họp báo chiều 4-10 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trong 2 ngày 3 và 4-10.

Ông Dũng cho biết đây là phiên họp với khối lượng rất lớn, đề cập 22 nội dung khác nhau. Ngày đầu, Chính phủ họp về xây dựng thể chế, ngày thứ hai, Chính phủ dành thời gian bàn các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, trong đó có những nhóm giải pháp tích cực nhất, đột phá nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch 2016.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo về phiên họp thường kỳ tháng 9-2016 của Chính phủ. Ảnh Chinhphu.vn

Cố gắng cao nhất cho tăng trưởng

"Đến thời điểm này, chúng ta đã đi được 3/4 chặng đường của năm 2016. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ rất quan trọng để nhìn lại, đánh giá lại tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 9 tháng và nhiệm vụ giải pháp còn lại của 3 tháng cuối năm. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ có định hướng chủ đề của phiên họp này, đó là phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững với sự nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch 2016. Đó là tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã ra nghị quyết," ông Dũng nói.

Đây cũng là phiên họp Chính phủ đóng góp dự thảo báo cáo đánh giá kinh tế-xã hội năm 2016 để sắp tới Chính phủ trình với BCH Trung ương và trình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Nhận định tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ cho rằng kinh tế vĩ mô 9 tháng ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, tiếp tục đà tăng trưởng tốt, quý sau cao hơn quý trước và nhất là quý III đã tăng trưởng 6,4%. Quý I, kinh tế tăng trưởng 5,48% GD, quý II tăng trưởng 5,78%. Nông nghiệp quý I tăng trưởng âm 1,23%, quý II tăng trưởng âm còn 0,18% và quý III đã có tăng trưởng dương về nông nghiệp là 0,65%.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh thế giới không thuận, thương mại toàn cầu đang giảm, trong nước phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu là hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, thì tăng trưởng 5,93% GDP trong 9 tháng là sự nỗ lực rất tích cực. Với quyết tâm rất cao như vậy, độ giãn tăng trưởng của quý III so với quý II (0,68%) cao hơn độ giãn tăng trưởng của quý II so với quý I (0,3%).

"Trong 9 tháng qua, điều rất quan trọng là chúng ta tạo niềm tin của người dân, của doanh nghiệp với sự quyết tâm rất cao, hành động quyết liệt, thực sự nói và làm của một Chính phủ kiến tạo, đặc biệt là ban hành các thể chế như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và Nghị quyết 60.

Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và số đăng ký vốn, trong 9 tháng là 81.451 doanh nghiệp với vốn đăng ký 629.000 tỉ đồng. Như vậy chúng ta tăng 12,9% số doanh nghiệp, tăng 49,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đây là con số rất đáng khích lệ. Không khí làm việc, lao động, sản xuất của mọi miền Tổ quốc, của các bộ, ngành, địa phương, các cấp, của thành thị đến nông thôn, miền núi đều hết sức sôi động. Đây là cái được bền vững," ông Dũng nhận định.

Phiên họp Chính phủ kỳ này, Thủ tướng đưa ra quyết tâm cao nhất để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tốt nhất.

"Tinh thần cao nhất là đạt mục tiêu Quốc hội giao 6,7% nhưng tình hình dự báo trong nước và quốc tế như thế thì khả năng đạt được 6,7% là rất khó. Nếu chúng ta tăng trưởng 6,3% thì quý IV tăng trưởng phải 7,1%. Nếu chúng ta tăng trưởng 6,5% cả năm 2016 thì chúng ta tăng trưởng quý IV là 7,7%. Và nếu chúng ta đạt tăng trưởng theo kế hoạch là 6,7% cả năm 2016 thì quý IV phải đạt được mức tăng trưởng 8,3%. Từ những việc như vậy, Chính phủ quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu nhưng quan trọng hơn hơn là chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng tăng trưởng."

Sau phiên họp Chính phủ ngày 3-10, hết giờ làm việc, Thủ tướng Chính phủ cũng triệu tập các cơ quan chức năng, các bộ liên quan đến các tập đoàn như EVN, PVN, TKV để nghe báo cáo Đề đề án quy hoạch điện, khả năng cung cấp điện và dự báo khả năng điện của 2018-2020. Trong bối cảnh doanh nghiệp tăng trưởng, nhu cầu sử dụng điện lớn thì một điều kiện tiên quyết là không thể thiếu điện phục vụ cho sản xuất và an sinh xã hội.

Quan điểm của Thủ tướng là tỉ lệ tăng trưởng không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng.

Giải pháp là thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đặc biệt giảm chi phí trong sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Đó là các yếu tố tạo ra tăng trưởng GDP quan trọng. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 thúc đẩy giải ngân. Thời điểm này, vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân được 58,6%, vốn TPCP đã giải ngân được 38,8%.

Nhưng tinh thần, nếu đến thời điểm 30-9 mà các địa phương, bộ, ngành không giải ngân được 50% thì sẽ phải điều chuyển vốn sang các đơn vị, địa phương khác. Tinh thần quyết liệt của Thủ tướng là như vậy, ông Dũng trả lời báo chí tại cuộc họp.

Xây dựng thể chế

Theo ông Dũng, nội dung thứ hai trong phiên họp Chính phủ là công tác xây dựng thể chế. Trong 9 tháng qua công tác này đã được Chính phủ quan tâm và coi là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Chính phủ. Xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động vì người dân, nên vấn đề hoàn thiện thể chế và không để khoảng trống pháp lý là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Lần đầu tiên Chính phủ khẳng định rằng không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. Theo kế hoạch chỉ còn 7 văn bản phải ban hành trước thời điểm 15-10.

Thủ tướng yêu cầu phiên họp này phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là vấn đề phản ứng trước chính sách, phản ứng trước yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến điều kiện kinh doanh theo kinh tế thị trường tại Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, những tác động cần tháo gỡ khó khăn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, các kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính ngân sách giai đoạn 2016-2020, dự thảo nghị định của Chính phủ về tự chủ các trường đại học, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,... Đó là những nội dung Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận.

"Tại phiên họp, tôi với tư cách là Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ (thành lập ngày 19-8) đã báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Tháng 9 đã kiểm tra 4 cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội và tập đoàn EVN... Tổ Công tác đã nêu những kết quả kiểm tra tại 4 cơ quan nêu trên, đặc biệt phân tích rõ những vướng mắc, tồn tại chủ quan của các cơ quan khi để nhiệm vụ quá hạn. Kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của Tổ Công tác đã dần đi vào nền nếp, tạo chuyển biến tiến bộ sau kiểm tra, đặc biệt việc giảm số nhiệm vụ quá hạn.

"Một vấn đề nữa xin thông báo và chia vui với báo chí, đó là Nghị quyết 35 của Chính phủ nêu rõ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để đến năm 2020 chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam ngày 6-8, Thủ tướng có chỉ đạo lập một website của Chính phủ, giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp tới Chính phủ. Nói cách khác đây là website của Chính phủ với doanh nghiệp, tiến tới sẽ có website của Chính phủ với người dân," ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, có thể nói, qua hệ thống này các kiến nghị của doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt các cơ chế chính sách, các giao dịch, các chi phí trực tiếp… sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời và VPCP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp với danh nghĩa Chính phủ trả lời cho doanh nghiệp.

Website này hoạt động từ 1-10-2016. Tuy nhiên, do tập trung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ, bắt đầu từ ngày mai 5-10, tổ giúp việc cho Bộ trưởng sẽ trực tiếp tiếp nhận các thông tin của doanh nghiệp, ông Dũng cho biết, và đề nghị báo chí cùng theo dõi, giám sát việc tiếp nhận và trả lời của Chính phủ đối với doanh nghiệp, và khuyến nghị các doanh nghiệp trực tiếp hỏi thông tin công khai minh bạch trên cơ sở tuân theo pháp luật, quy định đã ban hành.

Theo The SaigonTimes

Từ khóa: