Sự kiện hot
7 năm trước

Thủ tướng: 'Không để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch'

Sáng 4/7, Chính phủ tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 6/2017, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật.

Sau khi nghe báo cáo liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng thể chế, luật pháp là vấn đề quan trọng. Mặc dù vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu thể chế cứ ràng buộc, không tạo điều kiện theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì xã hội không phát triển được.

Xung quanh các quy định về đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh “tạo sự thông thoáng trong thương mại” là yêu cầu rất lớn hiện nay. Trừ lĩnh vực mà Quốc hội, Chính phủ có ý kiến chính thức về điều kiện kinh doanh còn lại thì không được đặt ra những điều kiện kinh doanh để ràng buộc sự phát triển của thương mại và đầu tư.

Thủ tục chuyên ngành nào đó, nếu có thì phải tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, không gò bó, trói buộc trong phát triển, các Bộ ngành cần dựa vào Nghị quyết 19, bám vào 200 loại công việc để nâng môi trường kinh doanh Việt Nam lên, Thủ tướng nêu rõ. Cái gì liên quan đến đất đai, sản xuất, kinh doanh mà còn ràng buộc thì cần phải sửa để tạo điều kiện, gỡ vướng cho sản xuất.

Phiên họp sáng 4/7. Ảnh: VGP.

Về dự thảo Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, duy ý chí để quy hoạch rối, không thể để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu không thể bỏ việc quy hoạch như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng cứng như điện, giao thông…, nhưng cần chọn cái gì cần quy hoạch để giảm số lượng quy hoạch hiện nay, chứ để 20.000 quy hoạch thì tốn kém, hiệu quả thấp.

Về Luật Đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan rà lại một số nội dung, báo cáo Chính phủ trước 30/7 về những vướng mắc để trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chỉnh sửa.

Những vướng mắc gây chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua cần chỉnh sửa tạo điều kiện phân cấp, quản lý, giao quyền và trách nhiệm rõ hơn cho bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, công tác lập kế hoạch phải chi tiết, cụ thể hơn, chủ động hơn.

Tô Đức
Theo KT&TD, Vietnambiz

Từ khóa: