Sự kiện hot
7 năm trước

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin báo chí phản ánh về thuế, phí bất hợp lý

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 7885/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí nêu về thuế, phí.

Theo nội dung văn bản, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề báo chí phản ánh ngày 14/7/2017.

Cụ thể, VOV phản ánh, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị cải cách thuế ở Việt Nam theo hướng đẩy mạnh huy động thu nội địa.

Trong số nhiều giải pháp về đẩy mạnh thu nội địa, WB khuyến nghị mở rộng cơ sở thu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo phân tích của WB, thông lệ quốc tế thường chỉ có một mức thuế suất GTGT duy nhất, và diện miễn giảm rất hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam hiện quy định 26 nhóm mặt hàng không chịu thuế GTGT, 15 nhóm mặt hàng chịu thuế 5%, còn các mặt hàng còn lại chịu thuế 10%.

Theo WB đánh giá, điều này không chỉ làm hẹp cơ sở thuế mà còn làm ngắt chuỗi khấu trừ đầu vào đầu ra thuế GTGT, gây phức tạp cho công tác quản lý.

Để xử lý các vấn đề này, WB cho rằng, cần cân nhắc từng bước thu hẹp danh mục không thuộc diện chịu thuế GTGT, chuyển các mặt hàng chịu thuế 5% sang 10%, tiến tới áp dụng thuế suất thuế GTGT duy nhất.

Cùng với đó, WB còn khuyến nghị Việt Nam mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và rà soát các hình thức ưu đãi thuế (vì Việt Nam hiện chưa có khái niệm theo luật định về “chi tiêu thuế” và tác động đầy đủ của các hình thức ưu đãi thuế vẫn chưa được tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước.).

Ngoài sử dụng công cụ ưu đãi thuế, WB cho rằng, tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh cũng là biện pháp quan trọng giúp thu hút đầu tư dựa trên lợi thế cạnh tranh thực sự của Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 7885/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí nêu về thuế, phí. Ảnh: VOV.

Trong khi đó, báo Đầu tư Chứng khoán phản ánh việc các doanh nghiệp gánh mức phí cao, làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và các cơ hội kinh doanh. Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) và 5 hiệp hội (Hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics, Hiệp hội Bông sợi, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam) tiếp tục kiến nghị về việc tổ chức đối thoại công - tư, xem xét điều chỉnh mức thu phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Theo công văn của VPSF và các hiệp hội, theo Thông báo số 88/TB- HĐND ngày 13/6/2017 về triệu tập kỳ họp thứ 5 của HĐND TP. Hải Phòng khoá XV (nhiệm kỳ 2016 - 20121), diễn ra từ ngày 11-13/7/2017, các nội dung chính của kỳ họp này không có hạng mục nào gắn với việc xem xét điều chỉnh mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng hoặc xem xét báo cáo/đề xuất của UBND Thành phố liên quan tới phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Trước đó, ngày 16/5/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5036/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề phí hạ tầng cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, yêu cầu UBND TP. Hải Phòng xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo HĐND Thành phố trong kỳ họp sớm nhất để điều chỉnh mức thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Theo VPSF, đây là chỉ đạo có ý nghĩa rất lớn, cổ vũ tinh thần cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu.

Tuy nhiên, UBND TP. Hải Phòng chưa tổ chức gặp gỡ, trao đổi, gửi tài liệu hay đối thoại công khai nào với đại diện các hiệp hội ngành hàng, dịch vụ xuất nhập khẩu chính (đang có kiến nghị về việc thu phí) kể từ khi quyết định thu phí được áp dụng, trong khi Hải Phòng đã thu trong 6 tháng đầu năm 2017 tổng số tiền ước tính hàng nghìn tỷ.

Tô Đức
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: