Sự kiện hot
10 năm trước

Thúc đẩy chương trình xây nông thôn mới ở ĐBSCL

Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức ngày 25/2, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.


Đường giao thông nông thôn tại xã Tân Thành-Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long, làm rõ những hiệu quả đạt được, những khó khăn, tồn tại và thách thức đang đặt ra, trao đổi kinh nghiệm tìm ra hướng đi hiệu quả thúc đẩy chương trình ngày càng phát triển. Từ những thành quả, kinh nghiệm cũng như khó khăn, vướng mắc của địa phương, các bộ, ngành Trung ương sẽ có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn khu vực có gần 1.270 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong ba năm qua, các địa phương đã tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi tạo điều kiện phát triển hạ tầng, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn.

Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực góp phần xây dựng nông thôn mới như tỉnh Cà Mau đã huy động các nguồn lực để hoàn thành đề án gần 1.590 cầu giao thông nông thôn; Bến Tre huy động nguồn lực từ dân và nhà tài trợ để xây dựng hàng ngàn cầu bêtông nông thôn; Hậu Giang huy động được hơn 1.200 tỷ đồng xây dựng đường ôtô về trung tâm các xã…

Tính đến cuối năm 2013, bình quân các xã nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 9,23 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011, 18 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Long An, Trà Vinh, Hậu Giang là những tỉnh có nhiều xã đạt 19 tiêu chí; có 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí tập trung nhiều ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Cà Mau.

Qua ba năm thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả ở đồng bào dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%...

Trong thời gian tới, xây dựng nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung giải quyết những khó khăn là “điểm nghẽn” ở khu vực, nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tạo chuyển biến đột phá thúc đẩy phát triển chung. Phấn đấu đến năm 2015 có 85% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bêtông hóa đạt chuẩn kỹ thuật Bộ Giao thông-Vận tải, 40% các công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh…

Hội nghị cũng đã nhận được nhiều báo cáo, tham luận của các xã, tỉnh, thành về kết quả xây dựng nông thôn mới cũng như các khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp thực hiện hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Xuân Dự
theo TTXVN

Từ khóa: