Sự kiện hot
13 năm trước

Thụy Sĩ cấm xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 25/5 đã quyết định dừng mọi kế hoạch xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân và từng bước hủy bỏ 5 nhà máy hiện có sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, do động đất và sóng thần gây ra ngày 11/3.

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 25/5 đã quyết định dừng mọi kế hoạch xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân và từng bước hủy bỏ 5 nhà máy hiện có sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, do động đất và sóng  thần gây ra ngày 11/3.
 

Thụy Sĩ đặt mục tiêu năng lượng sạch và an toàn. (Ảnh: Lê Thanh/Vietnam+)

 
Nếu quyết định này được quốc hội thông qua vào tháng Sáu tới thì các nhà máy điện hạt nhân hiện có sẽ ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ 2019 đến năm 2034 sau khi các nhà máy này đạt tuổi thọ trung bình 50 năm. Điện hạt nhân chiếm 40% điện năng của Thụy Sĩ.

Bộ trưởng năng lượng Doris Leuthard cho biết sau sự cố nhà máy điện Fukushima, Thụy Sĩ phải suy nghĩ lại việc sử dụng năng lượng nguyên tử. Mục tiêu là cung cấp một nguồn năng lượng sạch, an toàn và bền vững.Hơn 20.000 người Thụy Sĩ đã đổ xuống đường ngày Chủ Nhật vừa qua để tham gia vào cuộc biểu tình phản đối hạt nhân lớn nhất trong 25 năm qua.

Trước sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, các nước châu Âu phản ứng rất khác nhau. Pháp, nước láng giềng của Thụy Sĩ, có tới 80% điện năng là năng lượng nguyên tử và là nước xuất khẩu công nghệ hạt nhân lớn, khẳng định tiếp tục theo đuổi công nghệ này.

Liên minh châu Âu ngày 25/5 đã nhất trí bắt đầu kiểm tra mức độ an toàn của 143 nhà máy hạt nhân tại các nước thành viên. Việc kiểm tra sẽ xem xét tác động của các vụ nổ máy bay và các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra. Tuy nhiên việc kiểm tra vẫn dựa trên sự tự nguyện.
 
Lê Thanh/Geneva (Vietnam+)
Từ khóa: