Sự kiện hot
11 năm trước

Tiền trường đầu năm học: Phụ huynh cứ kêu, trường cứ thu

Bất chấp hàng loạt văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục về chống lạm thu, một số trường vẫn tiếp tục “biến hóa” tiền trường bằng cách “núp bóng” tự nguyện, quỹ phụ huynh, tách - gộp nhiều khoản...

Bất chấp hàng loạt văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục về chống lạm thu, một số trường vẫn tiếp tục “biến hóa” tiền trường bằng cách “núp bóng” tự nguyện, quỹ phụ huynh, tách - gộp nhiều khoản...


Lãnh đạo Trường THCS Nhật Tân khẳng định không có chủ trương bắt ép đóng gộp tiền nhiều tháng. Ảnh: Q.Huy.

Muôn kiểu tiền trường

Nhiều phụ huynh học sinh ở Hà Nội cho biết, họ hoàn toàn “3 không” với các khoản thu đầu năm học: không nhớ từng khoản, không nhớ số tiền phải đóng và không biết một số khoản chi cho mục đích gì. Không phải phụ huynh cố tình “không hiểu” mà họ cũng gặp phải “2 không” từ phía nhà trường: không niêm yết công khai, không phát tờ giấy thông báo. Tất cả đều do giáo viên đọc miệng, hoặc chép lên bảng trong buổi họp phụ huynh đầu năm.

Một phụ huynh học sinh ở Trường THPT T.V (huyện Từ Liêm) phản ánh, đầu năm học này đã phải đóng trên 3 triệu đồng cho con, trong đó có hơn 600.000 đồng tiền học tăng cường, số còn lại là quỹ lớp, đồng phục… Tương tự, anh Toàn Thắng có con học tại Trường THCS T.L (huyện Mỹ Đức) cũng bức xúc với các khoản tiền của con. Anh Thắng than thở: “Mới hơn 1 tháng đi học, tôi đã phải đóng hơn 3 triệu đồng cho con, đủ các khoản như tiền photocopy, tiền điện, tiền nước, tiền quỹ lớp…”.

Chị Thanh Huyền có con học lớp 8 Trường THCS L.H (quận Đống Đa) phản ánh, chị phải đóng hơn 2 triệu đồng vào đầu năm học. Ngoài tiền học ngoại ngữ, gia đình còn đóng những khoản phí nhằm nâng cấp trang bị phòng học như: điều hòa, ti vi, máy chiếu, bàn ghế mới, cửa lớp mới...

Anh H.Hùng có con học Trường tiểu học N.T.N (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Đầu năm đóng nhiều khoản như: Quỹ lớp, bảo hiểm, sổ liên lạc điện tử, học tiếng Anh… Bất hợp lý nhất là tiền sổ liên lạc điện tử, thu mỗi học sinh 50.000 đồng/tháng. Lớp gần 60 học sinh, cả năm hơn 30 triệu đồng mà chỉ dùng để nhắn tin”.

Phụ huynh “hãi” thu gộp

Sở GD&ĐT TP Hà Nội vừa yêu cầu 15 cụm trường THPT trên địa bàn thành phố họp và ký cam kết thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ năm học 2013-2014 như: quy định về thu chi đầu năm học; quy định về đồng phục học sinh; quy định quản lý dạy thêm, học thêm... Hiệu trưởng các trường đều đã ký cam kết không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới, kiên quyết không để xảy ra lạm thu trong nhà trường.

Đầu năm học, mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các trường không được thu gộp, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn chưa hài lòng với cách thu tiền gộp đầu năm, bởi đó là một khoản lớn. Những khoản đóng gộp thường là theo quý, theo học kỳ như: tiền học phí, các loại quỹ phụ huynh, quỹ lớp, sổ liên lạc điện tử…

Phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ) phản ánh, đầu năm học vừa qua họ đã phải đóng khoản tiền trường khá lớn, tới hơn 3 triệu đồng, trong đó có các khoản gộp lớn như: tiền học thêm, tiền học phí, quỹ phụ huynh… Phụ huynh muốn thắc mắc, nhưng ngại phát biểu hoặc sợ mất lòng giáo viên chủ nhiệm nên đành phải đóng tiền với khoản lớn. Có ý kiến phụ huynh hoài nghi cho rằng, nhà trường thu gộp để lấy tiền gửi tiết kiệm lấy lãi.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nhật Tân khẳng định: “Năm nay, mọi khoản thu của nhà trường đều công khai, minh bạch theo các quy trình, có tờ trình lên UBND phường, Phòng GD&ĐT quận xét duyệt. Ngoài khoản thu bắt buộc, còn có các khoản thu hộ, thu thỏa thuận như: Quỹ Ban đại diện phụ huynh 200.000 đồng/học sinh/học kỳ, sổ liên lạc điện tử 20.000 đồng/học sinh/tháng, Quỹ Chữ thập đỏ 10.000 đồng/học sinh/năm, ủng hộ Hội người mù 8.000 đồng/học sinh, nước uống 12.000 đồng/học sinh/tháng. Khối lớp 6-7, học bán trú đóng tiền ăn trưa 30.000 đồng/học sinh/ngày, chăm sóc bán trú 100.000 đồng/học sinh/tháng (chỉ khoảng 40 học sinh tham gia), tiền học 2 buổi/ngày là 150.000 đồng/học sinh/tháng. Khối lớp 8-9, tiền học thêm buổi chiều 15.000 đồng/học sinh/tiết. Năm nay, trường không có bất kỳ khoản tiền xã hội hóa nào. Các khoản thu đều được nộp tại kho bạc, không có chuyện gửi ngân hàng để lấy lãi”.

Còn bà Nghiêm Thúy Huyền - Hiệu trưởng nhà trường quả quyết: “Nhà trường luôn khuyến khích phụ huynh đóng tiền theo tháng. Bởi trên thực tế, trường có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp còn được giáo viên ứng tiền đóng hộ... Trong thời gian qua, cũng có một số phụ huynh ngại đóng nhiều lần hoặc sợ con cầm tiền đi đóng rơi mất nên đã đóng tiền theo quý, học kỳ… nhưng số này không nhiều. Nếu phụ huynh nào đã đóng góp nhiều tháng, trường sẵn sàng gửi lại tiền. Nếu trường hợp nào bị giáo viên ép buộc đóng gộp nhiều tháng, chúng tôi sẽ xác minh, xử lý kỷ luật đối với giáo viên đó”.

Quang Huy
theo GĐ&XH

Từ khóa: