Sự kiện hot
10 năm trước

Tiêu điểm thế giới: Thảm họa hàng không

Dantin - Ngành hàng không thế giới đang trải qua một giai đoạn đen tối chưa từng có trong lịch sử, khi chỉ trong một tuần xảy ra liên tiếp ba tai nạn máy bay khiến 472 người chết.


Quân đội Algeria cho biết chiếc máy bay của hãng hàng không Algeria Air Algerie đã rơi ở một địa điểm tại Mali.

Malaysia Airlines phá sản hay cải tổ?

4 tháng sau khi chuyến bay MH370 mang theo 239 hành khách mất tích, thảm kịch MH17 (ngày 17/7) như một đòn trời giáng vào hãng hàng không từng được xếp hạng an toàn hàng đầu thế giới. Malaysia Airlines khiến giới phân tích e ngại về khả năng hồi phục sau hai tai nạn liên tiếp.

Được biết, Malaysia Airlines sẽ trình kế hoạch cải tổ lên Quỹ đầu tư chính phủ Khazanah Nasional - đơn vị sở hữu đến 69,4% cổ phần tại hãng hàng không. Malaysia Airlines đã rơi vào tình trạng khó khăn tài chính ngay trước khi sự cố MH370 và MH17 xảy ra. Khazanah từng dự đoán Malaysia Airlines chỉ còn đủ khả năng tài chính để hoạt động thêm khoảng một năm. Theo Wall Street Journal, quỹ này thiên về phương án tư nhân hóa Malaysia Airlines hơn là để hãng xin phá sản.

Trong khi đó, Malaysia Airlines phát thông báo rằng: "Lúc này chúng tôi tập trung vào các kế hoạch khẩn cấp, phối hợp với chính quyền, huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho gia đình các nạn nhân trên chuyến bay MH17. Đây không phải thời điểm trả lời những câu hỏi (về kế hoạch phục hồi)".

Chính phủ Malaysia từng kỳ vọng và đầu tư mạnh tay để hãng hàng không quốc gia của mình có thể cạnh tranh giành danh hiệu tốt nhất khu vực. Nhưng những gì Malaysia Airlines thể hiện thời gian qua đang đi theo chiều ngược lại. Chi phí vận hành quá cao, khiến hãng không thể cạnh tranh về giá vé với các hãng bay giá rẻ như AirAsia - cũng đang đặt trụ sở ở Kuala Lumpur.

Malaysia Airlines đã lỗ 4,13 tỷ ringgit (1,3 tỷ USD) trong 3 năm qua. Vụ MH370 biến mất đã hủy hoại danh tiếng và khiến khách hàng Trung Quốc tẩy chay Malaysia Airlines vì Trung Quốc là nước có nhiều nạn nhân nhất trong vụ MH370.

Quý I năm nay, hãng lỗ nặng nhất trong 9 quý với hơn 443 triệu ringgit. Giới phân tích dự đoán tình trạng này sẽ còn kéo dài đến ít nhất là năm 2016.

Nếu Malaysia Airlines lựa chọn phá sản, đây sẽ là vụ phá sản hàng không lớn nhất thế giới về giá trị, kể từ sau AMR (Mỹ) năm 2011, theo Bloomberg.

Daniel Tsang - nhà sáng lập hãng tư vấn Aspire Aviation lại đánh giá đây là lựa chọn “khá tốt” với Malaysia Airlines. Việc này có thể giúp họ tránh nhiều chi phí pháp lý và tăng tính cạnh tranh.

Còn nếu lựa chọn quốc hữu hóa, Khazanah Nasional sẽ phải chi khoảng 315 triệu USD (theo giá đóng cửa mới nhất) để mua nốt 31% cổ phần còn lại của Malaysia Airlines - đây có thể coi là một cuộc "giải cứu" tài chính của Chính phủ dành cho Malaysia Airlines.

"Hố đen" của ngành hàng không thế giới

Trong khi công chúng chưa hết "sốc" bởi các sự cố hàng không thì tối ngày 23/7, chiếc máy bay ATR 72 GE222 của hãng hàng không TransAsia chở 58 người, trong đó có 4 thành viên tổ lái do gặp phải cơn bão Matmon, sau hai lần hạ cánh không thành công đã đâm vào ngôi làng gần đó khiến 48 người thiệt mạng. Chiếc máy bay này khởi hành từ thành phố cảng Cao Hùng ở miền Nam Đài Loan tới một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Bành Hồ, còn được biết tới tên Pescadores nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Sang đến ngày 24/7, Chuyến bay AH5017 của hãng Air Algerie, chở 110 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn bất ngờ mất liên lạc lúc đang bay.

Hãng thông tấn APS dẫn lời các quan chức hàng không Algeria cho biết, chiếc máy bay của hãng hàng không Air Algerie mất liên lạc lúc đột ngột đổi hướng, khi đang thực hiện lộ trình bay từ Ouagadougou, Burkina Faso tới thủ đô Algiers của Algeria. Nơi mất liên lạc là khu vực phía bắc Mali, cách biên giới Algeria 500 km.

Rạng sáng 25/7, các quan chức Algeria cho biết đã tìm thấy xác chiếc máy bay ở Mali. Bộ Quốc phòng Pháp cho biết lực lượng Pháp đóng quân tại Mali đã cử 100 binh sĩ và 30 xe quân sự đến bảo vệ an ninh tại hiện trường vụ tai nạn và thu hồi thi thể nạn nhân. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra, đặc biệt về tình hình thời tiết.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng cho hay không loại trừ khả năng máy bay bị tấn công khủng bố: "Chúng tôi cho rằng máy bay rơi vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên chúng tôi không bỏ qua giả thuyết nào trong cuộc điều tra. Các nhóm khủng bố đang hoạt động trong khu vực này, và chúng có thái độ thù địch với phương Tây", ông Bernard Cazeneuve, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, nói.

Ngành hàng không thế giới đang trải qua một giai đoạn đen tối chưa từng có trong lịch sử, khi chỉ trong một tuần xảy ra ba thảm họa máy bay khiến 472 người chết. Đây cũng là sự lo lắng chung của các hãng hàng không thế giới: khi tính mạng của các hành khách, cùng sự an toàn về tài chính của hãng bị đe dọa, không ai có thể bảo đảm rằng họ sẽ không là "nạn nhân" tiếp theo của sự phá sản.

Những tai nạn liên tiếp dấy lên nỗi lo lắng của người dân toàn thế giới về sự an toàn của những chuyến bay. Nhiều người đã kêu gọi huỷ chuyến, chuyển sang các phương tiện khác trước những cú sốc liên tiếp của ngành Hàng không.

Tuy nhiên, theo các số liệu về ATGT mới đây của Mỹ thì: Tỷ lệ số người bị chết vì tai nạn tính trên 100.000.000 khách/dặm như sau: Hàng không thường lệ: 0,003; Xe buýt đô thị và đường dài: 0,05; Đường sắt: 0,06: Ô tô: 0,61.

Năm 2011, tổng số hành khách chết vì tai nạn hàng không trên toàn thế giới là 373 người trên 2.840.000.000 lượt hành khách, với tỷ lệ 1/7.600.000.

Như vậy, cứ 7,6 triệu người đi máy bay thì một người bị chết vì tai nạn. Năm 2014, tỷ lệ này cao hơn, nhưng vẫn còn rất thấp do với các phương tiện giao thông khác. Rõ ràng, máy bay vẫn là sự lựa chọn mang tính an toàn và thuận tiện nhất so với các loại phương tiện giao thông khác.

Tuấn Minh

Từ khóa: