Sự kiện hot
8 năm trước

Tín dụng đen, mảnh đất “màu mỡ” phát sinh tội phạm

ĐS&TD - Hàng loạt các vụ án hình sự nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua như nổ mìn, thuê côn đồ đe dọa, sát hại… xuất phát từ các hoạt động “tín dụng đen” đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng của loại tội phạm này. Ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an, chính quyền địa phương ở cơ sở cần tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành để làm tốt công tác quản lý địa bàn đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.


Ảnh minh họa

 

Nhức nhối “tín dụng đen”

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng cho biết, từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức kéo theo đó là hơn 6.300 vụ việc có liên quan.

Trong số vụ việc đó thì có 41 vụ giết người, gần 320 vụ cố ý gây thương tích, hơn 550 vụ cướp tài sản, gần 1.100 vụ cưỡng đoạt tài sản, hơn 1.700 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gần 2.500 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và hơn 100 vụ hủy hoại tài sản… Ngoài ra, các hệ lụy phát sinh từ việc cho vay tín dụng và vay nặng lãi đã dẫn đến các hành vi vi phạm khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, nghiện ma túy, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản.

Tại Hà Nội, thời gian gần đây, tình hình cho vay tín dụng đen, cho vay nặng lãi được kiềm chế, tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây của phòng cảnh sát hình sự - công an Hà Nội cho hay: Trong thời gian gần đây, vẫn xảy ra một số vụ án xuất phát từ việc cho vay nặng lãi dẫn đến các hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Các đối tượng đi đòi nợ thuê, siết nợ thường rất manh động, sẵn sàng dùng hung khí để gây án.

Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng cảnh sát hình sự (PC45, Công an thành phố Hà Nội) đánh giá: Việc cho vay nặng lãi, cho vay họ theo tuần, tháng và quý không chỉ có những đối tượng ở tại địa bàn Hà Nội mà còn có những ổ nhóm tội phạm ở nơi khác đến. Sau thời gian cho vay, khi hết thời hạn nếu con nợ chưa có khả năng trả các đối tượng đi đòi nợ, siết nợ bằng cách tụ tập nhau mang hung khí để gây án. Đại tá Giáp đưa ra ví dụ như ổ nhóm ở Xuân Trường – Nam Định lên chỗ Nguyễn Thị Định của Cầu Giấy để cho vay nặng lãi sau đó mâu thuẫn dẫn đến chém nhau làm 3 đối tượng bị thương nặng, hoặc là vụ các đối tượng ở hiệu cầm đồ 850 Đường Láng cho vay nặng lãi sau đó lên chỗ Đào Tấn – Ba Đình để đòi nợ rồi chém 3 người bị thương.

Tín dụng đen đang có “đất” phát triển

Lãi suất hấp dẫn cộng với thủ tục vay tiền nhanh gọn, đơn giản thuận tiện khiến thời gian qua tín dụng đen có “đất” để phát triển. Các nguồn tiền này phần lớn được huy động trong dân và qua nhiều kênh rồi đến các trùm nợ…vì thế, mức lãi suất qua từng công đoạn cũng tăng lên ngất ngưởng.

Mới đây nhất, Hà Nội đã xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp đã in sổ tiết kiệm giống y như sổ tiết kiệm do tổ chức tín dụng nhà nước phát hành nhằm huy động vốn trong nhân dân.

Cụ thể, qua điều tra, cơ quan công an phát hiện 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội là Thanh Tuấn và Ngọc Toàn tự ý phát hành loại hình sổ tiết kiệm được in đầy đủ bảng kê xác nhận tiền gửi, số tiền rút lãi và gốc, cũng như con dấu của doanh nghiệp. Ở phần bìa cũng ghi rõ các quy định đối với người gửi tiền như khi lĩnh tiền...Tuy nhiên, mức lãi suất tiền gửi cao gấp nhiều lần, chính lý do này đã khiến hàng trăm người dân thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ và các khu vực lân cận đổ xô đến gửi tiền.

Bước đầu, cơ quan công an xác định đã có trên 400 người dân gửi tiền và vàng tại 2 doanh nghiệp này với số tiền lên tới hơn 90 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 2 doanh nghiệp này đã mất khả năng chi trả, trong khi đó tất cả các giấy gửi tiền do 2 doanh nghiệp này tự phát hành không có giá trị pháp lý. Rõ ràng, đây là hành vi biến tướng của loại hình tín dụng đen. Nó không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.

Thượng úy Tạ Biên Cương - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội cho biết: Sai phạm của hai doanh nghiệp này là phát hành sổ tiết kiệm huy động dòng tiền gửi như các tổ chức tín dụng, giấy phép kinh doanh nhưng hai doanh nghiệp này không có chức năng như vậy. Tự ý phát hành sổ tiết kiệm để huy động tiền gửi của nhân dân như tổ chức tín dụng là trái pháp luật.

Thực chất vay nợ tín dụng đen là những giao dịch ngầm giữa chủ nợ và các con nợ. Vì thế, có những khoản vay lên tới vài trăm tỷ đồng nhưng có khi chỉ được thể hiện bằng chữ viết tay, vì thế, nhiều chủ nợ sau khi viết đơn tố cáo cũng không chứng minh được nguồn gốc các khoản tiền đã ghi trong giấy cầm cố.

Hệ lụy khó lường

Tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 7/9/2015 tại Hà Nội, các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, hậu quả tín dụng đen luôn khó lường, đẩy người dân vay tín dụng đen vào cảnh đã khó, lại thêm khổ vì “bỗng dưng” mất đất, mất nhà. Còn đối tượng “tín dụng đen” thì chiếm đoạt được tài sản của người dân và cả tiền của ngân hàng.

 


Ảnh minh họa

 

Thực tế, nhiều hộ gia đình đã lâm vào cảnh khó khăn vì bị mất nhà, nhiều tỷ đồng vốn của ngân hàng có thể bị rủi ro và nghiêm trọng hơn “mô hình” trên đang được nhiều đối tượng ngoài xã hội nhân rộng về quy mô. Nếu không có sự ngăn chặn của các cơ quan thi hành pháp luật, thay đổi nhận thức của người dân thì “tín dụng đen” sẽ gây bất ổn lớn trong xã hội, trong từng gia đình, là môi trường cho tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ phát triển, hoành hành.

Theo các đại biểu, ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, “tín dụng đen" có hình thức khá đa dạng, với quy mô, hệ quả ngày càng khó lường. Tính chất các vụ án về “tín dụng đen”, tín dụng ngân hàng ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành đang có nhiều kẽ hở, từ thủ tục công chứng hợp đồng, sang tên chuyển nhượng đến các chế tài xử lý vẫn chưa nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự, nên người cho vay tín dụng đen đã lợi dụng để vi phạm mà không bị xử lý. Bộ luật Dân sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Trong khi đó, Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột.

Theo đại diện Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, những hệ lụy từ “tín dụng đen” đang gây hại rất lớn cho xã hội. Những đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường gây sức ép, có khi truy sát con nợ ngay tại nhà, làm người dân hoang mang, bất bình, giảm lòng tin vào các tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước. Cho nên, cần kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý những công ty, tổ chức, cá nhân sử dụng xã hội đen tham gia vào những việc liên quan đến vay mượn, giao dịch dân sự, cho vay “tín dụng đen”.

Cũng theo Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết và có ý thức cảnh giác cao trước những phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Về phía lực lượng công an sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó tập trung rà soát, nắm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; khẩn trương điều tra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật với những vụ việc đã xảy ra…

 

Công Minh

Từ khóa: