Sự kiện hot
13 năm trước

“Tới đây, thanh khoản sẽ còn cạn kiệt hơn nữa”

Từ trung tuần tháng Bảy đến nay, thị trường chứng khoán quay sang xu thế giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index chính thức phá ngưỡng kỹ thuật 410 điểm

Từ trung tuần tháng Bảy đến nay, thị trường chứng khoán quay sang xu thế giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index chính thức phá ngưỡng kỹ thuật 410 điểm và HNX-Index phá mốc 70 điểm thêm một lần nữa. Cùng với đó, thanh khoản trên thị trường có những phiên giảm kỷ lục.

Theo thống kê trên hai sàn niêm yết, các phiên gần đây khối lượng chứng khoán giao dịch khớp lệnh trung bình đạt quanh mức 12 - 13 triệu cổ phiếu.

Thị trường đang cạn kiệt cả niềm tin.

Dòng tiền bị chặn từ mọi ngả

Theo ông Trần Đăng Huy, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Woori, có nhiều nguyên nhân khiến có thanh khoản của thị trường sụt giảm. Thông tư 74 bắt đầu có hiệu lực từ 1/8, mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, song các công ty chứng khoán cũng đã phải cơ cấu lại hoạt động ký quỹ cho phù hợp với tỷ lệ quy định.

“Thêm một điểm nữa, từ nay đến cuối năm, tỷ lệ tín dụng phi sản xuất tiếp tục giảm xuống 16% mới là giai đoạn khó khăn thực sự, bởi trước đó, yêu cầu giảm xuống 22% cũng đã khiến hầu hết các khoản có thể cơ cấu là ngân hàng đã cắt rồi,” ông Huy nói.

Quan sát diễn biến thị trường trong các phiên gần đây, thời điểm đầu giờ tại hầu hết các mã cổ phiếu lệnh chào mua đều được đặt ở mức sàn, điều này cho thấy dòng tiền chưa có thể hiện quyết tâm, chủ yếu vẫn nghiêng về nghe ngóng động thái.

Theo các chuyên gia, muốn có dòng tiền lớn đổ vào thị trường thì phải bắt nguồn từ nhiều kênh. Nhưng hầu hết các kênh cung ứng tiền cho đầu tư chứng khoán hiện đều đang bị chặn lại.

Thậm chí kể cả kênh tư vấn, các công ty chứng khoán cũng duy trì điệp khúc "khuyến cáo nhà đầu tư không tham gia lúc này bởi thị trường vẫn chứa đựng quá nhiều rủi ro."

Xói mòn niềm tin

Thêm vào đó, mặc dù diễn biễn giao dịch vẫn duy trì trạng thái cung áp đảo cầu, nhưng không có hiện tượng các nhà đầu tư bán đổ bán tháo.

Lý giải điều này, ông Huy cho rằng, mức giá cổ phiếu hiện nay đã xuống quá thấp, đối với các nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu lỗ thì đã lỗ rồi, còn phía bên mua lại không thấy cơ hội kiếm chênh lệch và thậm chí là cả cơ hội thoát hàng nên giải pháp đứng ngoài thị trường vẫn là lựa chọn thông minh.

“Những phiên thị trường có dấu hiệu chuyển động tích cực là lập tức nhà đầu tư tăng cường bán ra và không giao dịch trở lại mà lấy tiền mặt gửi tiết kiệm. Trong thời gian tới, theo tôi thị trường sẽ còn tiếp tục cạn kiệt,” ông Huy dự báo.

Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ mà cả các tổ chức cũng đang tỏ ra rất kiên nhẫn chờ đợi những chuyển biến vĩ mô tích cực hơn trước khi quyết định quay trở lại thị trường.

Ông Marc Djandji, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận định, tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn rất tiêu cực khi họ quyết định thoát khỏi hoặc đứng ngoài thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có khi lại mua ròng nhiều phiên liên tiếp.

“Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới. Tuy nhiên vấn đề quan trọng trước mắt vẫn là các biện pháp kiềm chế lạm phát. Trong kỹ thuật đầu tư, nhà đầu tư dài hạn có thể tích lũy cổ phiếu trong các phiên giảm điểm, nhưng cần tránh tình trạng tranh mua giá cao trong các phiên tăng điểm,” theo ông Marc Djandji.

Tình cảnh mất thanh khoản trên thị trường chứng khoán được nhiều chuyên gia đưa ra so sánh với giao đoạn thị trường ở năm 2004. Khi đó, trên thị trường chỉ có hơn hai mươi mã cổ phiếu, song tại những phiên giao dịch sôi động, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng mỗi phiên đã đạt tới cả 20 triệu đơn vị. Trong khi hiện nay, hàng hóa trên thị trường dồi dào hơi rất nhiều, song khối lượng giao dịch lại về dưới mức đó.

“Điều này cho thấy thị trường đang cạn kiệt cả niềm tin,” ông Huy nhấn mạnh.

Linh Chi
Theo Vietnam+

Từ khóa: