Sự kiện hot
7 năm trước

TPHCM: Dành 67.000 tỷ đồng cho các dự án dân sinh

Chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo cơ chế tài chính đặc thù giúp TPHCM có nguồn lực để phát triển kinh tế đang dần được hiện thực hoá.

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sau cải tạo đã đem lại cảnh quan, môi trường sinh thái tốt hơn cho TPHCM. Ảnh: tuyengiao.vn.

Hàng loạt dự án trọng điểm, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ người dân TPHCM đang “khát vốn”, vì thế, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho Thành phố sử dụng 67.000 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), cũng như cho phép Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN thuộc UBND Thành phố… là tin vui với lãnh đạo và nhân dân TPHCM.

Phát huy thế mạnh mô hình đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại địa phương

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, xuất phát từ thực tiễn khách quan của TPHCM, các thế hệ lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, chuyên gia trong và ngoài nước, cùng các bộ, ngành đã cân nhắc hình thành nên HFIC - mô hình đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế của TPHCM. HFIC hoạt động theo mô hình DN và UBND TPHCM là cơ quan trực tiếp giao nhiệm vụ cho HFIC.

Theo ông Tuyến, thế mạnh của mô hình này là chuyên nghiệp hóa vai trò đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN thông qua áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị DN tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, vừa tuân thủ các luật hiện hành và phân cấp của Chính phủ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn lực và tạo cơ chế bứt phá cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Để nâng cao hiệu quản quản lý nguồn vốn, TPHCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng HFIC khẩn trương xây dựng đề án “Nâng cao và hoàn thiện mô hình HFIC”, đồng thời tiếp tục cập nhật, triển khai “Đề án huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng TPHCM”, áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DN và người đại diện vốn, quy định hướng dẫn thực hiện trách nhiệm cho người đại diện vốn của HFIC, cùng nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị khác.

Chỉ dành cho những dự án phục vụ dân sinh

Nói về tiêu chí các dự án được dùng nguồn tiền 67.000 tỷ đồng trên, Tổng Giám đốc HFIC Phạm Phú Quốc cho biết: “TPHCM đã có phương án bổ sung nguồn vốn này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tiêu chí là những dự án đặc thù lớn, các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh mà vượt tầm ngân sách của TPHCM đầu tư”.

TPHCM đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư đồng bộ theo nhu cầu phát triển, tuy nhiên, nếu huy động vốn sẽ đụng trần nợ công. Cụ thể, Thành phố không được huy động quá 70% so với tổng ngân sách được giữ lại. Năm 2017, Thành phố được giữ lại 67.000 tỷ đồng, tức là huy động không quá 42.000 tỷ đồng. Cho dù TPHCM huy động đụng trần thì đây vẫn là con số nhỏ bé so với nhu cầu.

Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TPHCM giai đoạn 2016-2020 thì cần đến 850.000 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Thành phố dự kiến bố trí được khoảng 20%. Vì vậy, việc Thủ tướng đồng ý cho TPHCM sử dụng 67.000 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa và thoái vốn các DNNN có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nguồn vốn nhằm tập trung đầu tư những dự án trọng điểm phục vụ người dân TPHCM.

Mặc dù là tin vui, nhưng có ý kiến còn băn khoăn: Lẽ ra tiền thu từ cổ phần hóa của TPHCM cũng phải được quản lý tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, sau đó mới được phân bổ lại dùng cho các dự án TPHCM và cả nước. Việc lãnh đạo TPHCM tiên phong đề xuất chủ động sử dụng vốn theo mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại TPHCM... liệu có đúng luật không?

Trước băn khoăn này, ông Phạm Phú Quốc cho rằng, việc này là hoàn toàn phù hợp với Điều 37 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Cụ thể: “Các khoản thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do UBND cấp tỉnh đại diện chủ sở hữu” sẽ được giữ lại cho địa phương. Vì vậy kiến nghị của TPHCM là dựa trên nhu cầu thực tế, thuận lợi cho việc triển khai và phù hợp với khuôn khổ quy định pháp luật hiện nay.

Mặt khác, mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại TPHCM là HFIC đã được Thành phố thí điểm từ năm 2010 và được đánh giá rất tốt. UBND TPHCM cũng đã có báo cáo Thủ tướng mô hình này với đánh giá rằng HFIC đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị khi bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước giao, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động.

Việc phân cấp cho các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM quản lý các DNNN trực thuộc là phù hợp và cần thiết. Điều này vừa bảo đảm năng lực tương thích với quy mô, vừa đa dạng mô hình để học tập kinh nghiệm, đồng thời phát huy mô hình thực tiễn đã triển khai có hiệu quả là quỹ đầu tư phát triển địa phương với mục tiêu làm đòn bẩy kinh tế thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/6, lãnh đạo UBND TPHCM đã nêu đề xuất mong muốn Thủ tướng phê duyệt Đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa DNNN và đã được Thủ tướng đồng ý.

Theo đó, TPHCM đã cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các DN khác từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của Thành phố giai đoạn 2016-2020 khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách.

Mạnh Hùng
Theo Chính phủ

Từ khóa: