Sự kiện hot
10 năm trước

TP.HCM: Nhiều công trình giao thông đưa vào sử dụng

Năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần cải thiện rõ nét hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố, giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Lễ thông xe cầu Sài Gòn 2. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Hoàn thành nhiều dự án BT

Trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhiều công trình giao thông trọng điểm theo hình thức đầu tư BT được xây dựng và hoàn thành trong năm 2013 như cầu Sài Gòn 2, đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng), đường vành đai phía Đông (đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến rạch Rạch Chiếc), bốn cây cầu vượt thép...

Dự án cầu Sài Gòn 2 do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thi công ngày 14/4/2012, hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 15/10/2013 (vượt kế hoạch ba tháng). Cầu Sài Gòn 2 dài hơn 987m, tuổi thọ 100 năm, mặt cầu rộng 23,5m cho năm làn xe lưu thông, tổng chi phí xây dựng khoảng 1.500 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng, cầu Sài Gòn 2 đã giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu đang xuống cấp; đảm bảo đồng bộ năng lực lưu thông với đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội đã được đầu tư mở rộng trước đó; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông - cửa ngõ quan trọng bậc nhất của thành phố ở phía Đông Bắc.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng) là dự án lớn của thành phố do Công ty GS E&C của Hàn Quốc thực hiện. Tuyến đường dài 13,6km, rộng từ 30-60m; là trục đường hướng tâm quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố, nối sân bay Tân Sơn Nhất-Quốc lộ 13-Quốc lộ 1-Quốc lộ 1K, đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Nhà đầu tư đảm nhận chi phí xây dựng tuyến đường khoảng 2.900 tỷ đồng, ngân sách thành phố chịu trách nhiệm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong phạm vi dự án, có gần 4.000 hộ dân, đơn vị bị ảnh hưởng.

Công trình được khởi công ngày 9/6/2008, hoàn thành thông xe đợt 1, đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Quốc lộ 13 dài 4,7km vào ngày 28/9/2013. Khi đưa vào sử dụng, công trình đã hình thành tuyến giao thông mới, tạo điều kiện đi lại cho nhân dân khu vực được thuận lợi hơn, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông các tuyến đường khu vực lân cận và cửa ngõ Đông Bắc của thành phố; đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế cũng như chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường. Ngoài ra, tuyến đường có công trình cầu Bình Lợi băng qua sông Sài Gòn, dài 1,1km gồm sáu làn xe mỗi chiều với vòm Nielsen, tạo điểm nhấn cho cảnh quan kiến trúc khu vực.

Dự án xây dựng đường vành đai phía Đông đoạn từ chân cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc dài 8,7km do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ thực hiện. Giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe ôtô, được khởi công ngày 3/1/2008 hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 1/4/2010. Trong đó, tuyến đường 5,5km, đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến Rạch Chiếc đã kết nối trực tiếp với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây để liên kết đường cao tốc với mạng lưới đường đô thị, các cụm cảng của thành phố, kết nối thông suốt tuyến giao thông từ các tỉnh miền Tây, rút ngắn quãng đường và thời gian đi từ thành phố đến Long Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại, góp phần kéo giảm tình trạng quá tải thường xuyên trên Quốc lộ 1A đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến ngã ba Vũng Tàu.

Cũng trong năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và đưa vào sử dụng bốn cây cầu vượt bằng thép (chưa kể cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức thi công cuối năm 2012, đưa vào sử dụng trong năm 2013) bao gồm cầu vượt tại vòng xoay Lăng Cha Cả-Cộng Hòa, dài 244,24m, rộng 6,5m, đáp ứng một làn xe, tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng; cầu vượt tại nút giao đường Cộng Hòa-Hoàng Hoa Thám, dài 268,2m, rộng 9,5m, đáp ứng hai làn xe, tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng.

Thành phố cũng đã đưa vào sử dụng cầu vượt tại nút giao Đường 3 tháng 2-Nguyễn Tri Phương-Thành Thái, dài 384m, rộng 9,50m, đáp ứng hai làn xe, tổng mức đầu tư gần 320 tỷ đồng; cầu vượt nút giao thông Cây Gõ, được xây dựng hình chữ Y, trực thông trên đường Hồng Bàng dài 350m, rộng 12-15,5m, nhánh rẽ trên Đường 3 tháng 2 dài 230m, rộng 6,5m, tổng mức đầu tư gần 460 tỷ đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, sáu cầu vượt nói trên đã cải thiện k hả năng thoát xe qua các nút giao trọng điểm về ùn tắc và tai nạn giao thông.

Xây dựng nhiều dự án mới

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết để đảm bảo quy hoạch, mỗi năm thành phố cần 3-4 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên vì ngân sách hạn hẹp, mức đầu tư cho giao thông chưa tới 10% trong số đó. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu này, ngoài việc chọn dự án, chọn công trình cần phải quy hoạch các nguồn lực.

Thành phố đã có nhiều bài học trong lĩnh vực huy động vốn và cũng là địa phương khởi xướng hình thức đầu tư BOT trong hạ tầng, hình thức BT trong cầu đường… Chỉ khi linh hoạt trong các hình thức huy động vốn thì mới giải quyết được các vấn đề như xây dựng tuyến vành đai, hướng tâm, xuyên tâm, bến bãi, hầm đậu xe… Ngoài ra, nhiều dự án giao thông của thành phố đã áp dụng công nghệ hiện đại nên đã rút ngắn được thời gian thi công và nâng cao chất lượng công trình mặc dù giá thành cao hơn so với biện pháp thi công trước đây.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư cho các công trình có thể hoàn thành trong năm nay như dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B, cầu Kinh Thanh Đa, đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, xây dựng cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Hậu Giang và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án như nâng cấp, mở rộng Xa lộ Hà Nội, nút giao hoàn thiện cổng chính Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ốn tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành-Tham Lương).

Bên cạnh đó, thành phố sẽ hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng các công trình như đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến xa lộ Hà Nội, nâng cấp mặt đường vành đai Đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến tỉnh lộ 25B, cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp, cầu vượt tại giao lộ Quốc lộ 1A - hương lộ 2, cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Tân Kiên đến Bình Thuận.

Một số dự án sẽ được hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư như nâng cấp mở rộng đường Trần Não, đường Lương Đình Của, cầu Thủ Thiêm 2, đường Phan Văn Trị (đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Phạm Văn Đồng), đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vành đai 2 đến đường vào khu công nghiệp Phú Hữu), xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5 (giai đoạn 1).

Hiện thành phố đang kêu gọi đầu tư đối với các đoạn đường thuộc tuyến đường Vành đai 2, trong đó ưu tiên đoạn từ cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông đến ngã tư Bình Thái.

Thành phố cũng đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; xây dựng Quốc lộ 50 và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch-Tân Vạn, trong đó có đoạn nối đến ngã ba Trạm 2 cũ.

Trần Xuân Tình
theo TTXVN

Từ khóa: