Sự kiện hot
10 năm trước

“Tràn lan nấm “dởm”…”: Ăn nấm tử vong, người tiêu dùng hoang mang

Người tiêu dùng quay đầu với các loại nấm ăn thì hầu hết các tiểu thương đâm ra “dở khóc, dở cười” vì không nơi tiêu thụ được hàng. Sau khi có hai ca tử vong ở Thái Nguyên do ăn nấm không nguồn gốc xuất xứ. Người nông dân trồng nấm chân chính cũng bị “vạ lây” dẫn đến điêu đứng vì nguồn nấm trồng ra không biết bán đi đâu.

Người dân quay đầu với nấm

Sau tết âm lịch 2013, đài Truyền hình Việt Nam có loạt phóng sự về vấn đề tràn lan trên thị trường các thương hiệu nấm giả, nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ đội lốt nấm Việt. Sau đó lần lượt các trang mạng xã hội và các báo điện tử cũng đưa tin về vấn đề này. Đến lúc này người tiêu dùng mới giật mình cảnh giác, thông tin trên đã tạo ra một làn sóng lớn trong giới nội trợ.

Theo thông tin được đưa: “sau khi lấy thử mẫu nấm được bán trong các siêu thị lớn ở Hà Nội như BigC và Fivimart thì thấy 2 hệ thống này đều bán loại nấm mang thương hiệu Việt có tên là Lưu Mai Hương. Đáng chú ý, có cả những loại nấm cao cấp, được liệt vào hàng khó trồng ở Việt Nam như Kim châm, đùi gà, ngọc châm.”

Trước những thông tin trên không ít người tiêu dùng Việt đã quay lại và dường như bị tẩy chay hoàn toàn món ăn ưa thích. Các cửa hàng một thời được xem là “thủ phủ” nấm ăn bây giờ cũng “ ngoáp ngoải” vì người dân không còn đoái hoài. Phóng viên báo Đời sống và Tiêu Dùng có cuộc khảo sát thực tế để làm rõ sự việc trên.

Từ trước đến nay, các bà nội trợ hầu như không để ý tới nguồn gốc các loại nấm, nhưng sau khi rộ lên sự kiện nấm không rõ nguồn gốc được bày bán trong siêu thị Big C và Fivimart (Hà Nội) thì họ đã cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ các loại nấm mà họ mua về sử dụng.

Dạo qua một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quan sát của PV các cửa hàng nấm đều vắng bóng khách. Đứng trước một quầy bán nấm tại chợ Cầu Giấy khoảng 20 phút mới có một khách hàng vào mua. Khi được hỏi vị khách mới mua hàng đang rộ lên nấm không rõ nguồn gốc hay có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc chị Vân một nội trợ trú tại khu vực Trung Hòa (Cầu Giấy) cho biết: “Từ khi xem ti vi, đọc báo thấy được thông tin nấm giả, không có nguồn gốc xuất xứ hay có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc cũng sợ lâu lắm không dám ăn. Nhưng hôm nay nhà có việc phải nấu mấy nồi lẩu đãi khách không có nấm không được nên phải mua về ăn thôi.”

Còn chị Lê Thị Phương, một người nội trợ đi chợ ở chợ Đồng Xa cho biết: “Ngày xưa, gia đình tôi cũng hay ăn nấm lắm nhưng từ khi rộ lên thông tin nấm giả không phải có nguồn gốc từ Việt Nam hay Hàn Quốc nên không dám mua về ăn nữa. Nhiều lúc chồng con cũng hỏi sao lâu lắm không mua nấm về ăn nhưng được tôi giải thích thì cũng không thấy hỏi nữa...”

Tiểu thương và người trồng nấm “chết đứng”

Những thông tin về các vụ ngộ độc trên như những giọt dầu đổ thêm vào ngọn lửa đang bùng cháy. Việc người dân không còn đoái hoài đến nấm thì các thiểu thương cũng “dở khóc, dở cười” vì nấm tiêu thụ rất chậm. Nhiều gian hàng đang “ăn nên làm ra” bỗng dưng chững lại đâm ra thua lỗ. Khảo sát tại khu chợ đầu mối Đồng Xuân nơi trước khi có thông tin nấm giả là “thủ phủ” chuyên cung cấp nấm cho toàn bộ chợ nhỏ và chợ cóc trong lòng thành phố bây giờ cũng đang chết đứng vì nấm không bán được. Theo những tiểu thương bán nấm nơi đây, họ đã giảm từ một đến vài giá xấp xỉ với giá gốc từ khi nhập vào nhưng lượng mua vẫn đìu hiu.

Chị Phan Thị Nga, một tiểu thương bán nấm tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Nấm ngày xưa được xem là mặt hàng bán chạy và đắt nhất trong các loại rau, củ, quả, nhưng từ khi tivi đài báo thông tin nấm giả, nấm không có nguồn gốc xuất xứ, lượng bán dừng lại hắn. Trước tết tôi nhập gần một tấn các loại nấm tươi cũng như nấm khô nhưng đến bây giờ sau gần ba tháng rồi mà vẫn chưa bán được 1/3, so với tết mấy năm trước chắc bây giờ tôi phải nhập hàng lần hai đến lần ba rồi. Những người thường xuyên nhập hàng về bán buôn ở chỗ tôi bây giờ cũng nhập ít hẳn đi. Họ bảo là nấm không bán được.”

Trong khi nấm không rõ nguồn gốc bị người tiêu dùng tẩy chay thì không những các tiểu thương mà người nông dân trồng nấm chân chính đang điêu đứng vì nấm trồng ra không có nơi tiêu thụ.

Được biết từ trước năm 2008 sở nông nghiệp và phát triển nông thành phố Hà Nội kết hợp với phòng nông nghiệp huyện khuyến khích, hỗ trợ nhân dân trồng nấm. Sau hơn 5 năm đi vào thực tiễn thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến Sóc Sơn cây nấm rơm đã mang về hàng tỷ đồng cho người nông dân. Tạo công ăn việc làm và thu nhập chủ yếu của nhiều hộ gia đình.

Nấm được trồng ở đây chủ yếu là các loại nấm bình dân chịu được khí hậu nóng như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, nấm mỡ… Những sản phẩm này đều đã được các cơ quan chức năng thẩm định và cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm và bày bán rộng khắp trong cả nước. Có những hộ sau khi thu hoạch được đóng gói tại chỗ và bán ra thị trường, có những hộ được doanh nghiệp mua lại và lượng cung không đủ cầu.

Nhưng từ khi có thông tin về nấm không có nguồn gốc bày bán tràn lan trên thị trường thì nấm có nguồn gốc chịu vạ lây. Người dân nói không với nấm đã vô tình đẩy những người trồng nấm vào cảnh khốn cùng.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên một nông dân trồng nấm ở thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (Sóc Sơn): “Trước khi có thông tin nấm giả, nấm độc mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch gần 70 kg nấm các loại, là nấm sạch không qua sử dụng hóa chất nên chỉ bảo quản được 1 đến 2 ngày, nếu bảo quản lạnh thì được 5 đến 7 ngày. Trong gần một tháng qua, doanh nghiệp thu mua nấm rất hạn chế mà giá đã giảm gần một nửa nhưng mỗi ngày gia đình đều có hàng chục kg nấm hư hỏng”.

Không chỉ gia đình chị Liên mà tất cả các hộ trồng nấm trên địa bàn huyện đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi nấm khó bảo quản, trong khi đang là chính vụ nên lượng nấm sản xuất ra rất lớn. Bà con đã nghĩ tới việc phơi khô, sấy khô nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi và các lò sấy phải đầu tư với số tiền rất lớn.

Người tiêu dùng thông thái cần biết nói không với nấm không rõ nguồn gốc chứ không đánh đồng tất cả các loại nấm với nhau. Trên thị trường đang có những loại nấm có xuất xứ rõ ràng, là sản phẩm một nắng hai sương của người nông dân chân chính, những sản phẩm người tiêu dùng cần ủng hộ.

Những trường hợp tử vong do ăn phải nấm độc thời gian gần đây

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc nấm khiến 10 người nhập viện, trong đó có 2 nạn nhân đã tử vong. Theo thông tin từ trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này lại mới tiếp nhận cấp cứu thêm 5 bệnh nhân ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai- Thái Nguyên ) do ngộ độc nấm. Đây là vụ ngộ độc nấm thứ hai liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện Võ Nhai trong 4 ngày từ ngày mùng 8/3 đến ngày 12/3.

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Cháu Lý Minh Khôi đã tử vong. Sáng ngày 13/3 gia đình đã làm các thủ tục đưa cháu về quê an táng. Rạng sáng ngày 14, bà Vũ Thị Hồi cũng đã tử vong”

Trước đó, khoảng 8 giờ sáng ngày 12/3, con trai ông Thuận là Đặng Phúc Quý đi lấy nấm rừng về nấu và cả gia đình cùng ăn. Khoảng 7 tiếng sau khi ăn nấm, cả 5 người trong gia đình bị đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng.

Sỹ Thành

Từ khóa: