Sự kiện hot
13 năm trước

Tranh cãi xung quanh chiếc ghế Tổng giám đốc IMF

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vẫn đang chờ đợi số phận của Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn, nhưng chiếc ghế đang bỏ trống của định chế tài chính lớn nhất thế giới này thì đang là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Brazil, Trung Quốc, Nam Phi và đương nhiên là cả châu Âu

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vẫn đang chờ đợi số phận của Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn, nhưng chiếc ghế đang bỏ trống của định chế tài chính lớn nhất thế giới này thì đang là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Brazil, Trung Quốc, Nam Phi và đương nhiên là cả châu Âu, vốn luôn nắm giữ những vị trí trọng yếu của nền kinh tế thế giới từ lâu nay.

 

Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam (giữa) được cho là có thể thay thế ông Dominique Strauss-Kahn (phải) (Nguồn: AP).


Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner, người đề xuất IMF nên chính thức bổ nhiệm một Giám đốc tạm quyền thay cho ông Strauss-Kahn, đã nói rằng hiển nhiên là ông không chạy đua vào chiếc ghế bỏ trống đó. Bởi theo truyền thống thì thường là châu Âu nắm IMF, còn Mỹ thì sẽ nắm Ngân hàng thế giới WB.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói từ các nền kinh tế mới nổi, đề xuất ý kiến rằng người nằm giữ chiếc ghế Tổng giám đốc không nhất thiết phải là một người phương Tây.

“Chúng tôi thực sự mong muốn thấy có một sự thay đổi trong quan niệm, rằng nhân vật kế nhiệm (ghế Tổng giám đốc IMF) cần phải được lựa chọn từ những người xứng đáng, và châu Âu cần phải nhận ra rằng họ vừa là cổ đông lớn nhất, nhưng cũng lại vừa là con nợ lớn nhất, nên họ không thể đương nhiên có quyền ứng cử vào vị trí này,” chuyên gia Daniel Gros ở Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu nêu quan điểm.

Thao mạng tin Asia Channel News, Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam hiện được coi là một trong những người dẫn đầu trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng giám đốc IMF, tiếp đó là vị Thống đốc Ngân hàng Mexico và cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi cùng một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Hiện nhiều quan chức châu Âu vẫn cho rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của IMF bây giờ là giải quyết món nợ ở khu vực đồng tiền chung Euro, vì thế người nắm giữ cương vị đứng đầu IMF nên là một nhân vật xuất thân từ lục địa già.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barck Obama vẫn chưa có phản hồi chính thức nào về vụ bê bối liên quan đến ông Tổng giám đốc IMF, để tránh làm bùng lên những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề nhạy cảm này.

“Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào IMF và hy vọng định chế này sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như vai trò của mình đối với nền kinh tế thế giới trong thời điểm khó khăn hiện nay,” người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cho biết.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát thì không ai trông đợi rằng Mỹ sẽ ủng hộ việc ông Strauss-Kahn tiếp tục nắm giữ cương vị người đứng đầu IMF.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Strauss-Kahn dính đến những bê bối, song chưa lần nào lại nghiêm trọng như hiện nay.

Nếu cuộc khủng hoảng không được tháo gỡ nhanh chóng, thì IMF sẽ phải có thông cáo chính thức về số phận của người đứng đầu tổ chức, rằng liệu ông Strauss-Kahn sẽ phải từ chức hay sẽ bị thay thế bằng một người khác.

Hôm 15/5, IMF mới chỉ bổ nhiệm quan chức số hai trong tổ chức này là ông John Lipsky đảm nhận chức Quyền Tổng Giám đốc IMF trong thời gian ông Strauss-Kahn vắng mặt mà thôi.

(Vietnam+)

Từ khóa: