Sự kiện hot
11 năm trước

Tránh trục lợi từ mang thai hộ thế nào?

Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 (ngày 10/9) một lần nữa được dư luận quan tâm với những khái niệm, quy định lần đầu xuất hiện như “ly thân”, “mang thai hộ”, “kết hôn đồng giới”.

Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 (ngày 10/9) một lần nữa được dư luận quan tâm với những khái niệm, quy định lần đầu xuất hiện như “ly thân”, “mang thai hộ”, “kết hôn đồng giới”.


Luật sư Nông Thị Hồng Hà.

Trong đó, chế định về mang thai hộ được xem là có tính nhân đạo cao cả. Báo GĐ&XH xin giới thiệu ý kiến của Luật sư Nông Thị Hồng Hà (Giám đốc Công ty Luật Hồng Hà) về vấn đề này.

Trên cương vị luật sư đồng thời là phụ nữ, bà có đồng tình với việc mang thai hộ ở Việt Nam?

- Chúng ta đều thấy tỷ lệ vô sinh đang ngày càng tăng cao, theo tôi biết là ở mức 7,7% gồm cả nguyên phát và thứ phát (vô sinh sau khi đã từng có con). Trong một số trường hợp, nếu người vợ (hoặc chồng) mắc một số bệnh mãn tính thì khả năng có con cũng khó khăn. Có trường hợp người vợ hoàn toàn có khả năng thụ thai nhưng không thể mang thai vì một số lý do sức khỏe. Do đó, việc đưa quy định về mang thai hộ vào Luật Hôn nhân và Gia đình là một bước tiến tích cực giúp cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con. Quy định này là cần thiết và kịp thời khi nạn đẻ thuê, đẻ mướn, buôn bán trẻ sơ sinh cũng đang ngày càng phát triển trong xã hội. Rất cần ủng hộ quy định này.

Về mặt xã hội, quy định mang thai hộ có tính nhân đạo giúp các cặp vợ chồng có vấn đề về sức khỏe có khả năng có con theo ý nguyện. Đây cũng là việc phù hợp với truyền thống văn hóa của người dân là muốn có người nối dõi (dù là con trai hay con gái). Về mặt pháp luật, quy định mang thai hộ sẽ hạn chế tình trạng đẻ thuê, đẻ mướn và buôn bán trẻ em. Việc hình thành một khung pháp lý đảm bảo cho việc thực hiện đúng mục đích của mang thai hộ và loại trừ các lợi ích thương mại bất hợp pháp.

Ở khía cạnh luật pháp, theo bà chế định về mang thai hộ có những gì đáng lưu ý?

- Về khái niệm “mang thai hộ” đã được ghi rõ “là việc dùng biện pháp kỹ thuật lấy noãn của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ người này mang thai và sinh con mà không được trả thù lao”. Khái niệm này phản ánh đầy đủ bản chất của việc mang thai hộ mang tính chất nhân đạo.

Dự thảo luật cũng quy định rõ việc xác định cha, mẹ cho trẻ em trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ”.

Đặc biệt, dự thảo luật còn nhấn mạnh việc mang thai hộ không nhằm mục đích kinh tế, việc mang thai hộ phải có thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có thỏa thuận bằng văn bản của người chồng đồng ý cho vợ mình thực hiện việc mang thai hộ. Quy định này có thể loại trừ rủi ro tranh chấp trong việc xác định cha mẹ cho trẻ em sinh ra nhờ mang thai hộ.

Về quy định hạn chế đối tượng mang thai hộ đã hợp lý?

- Dự thảo Luật quy định cụ thể về điều kiện của người mang thai hộ: “Người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ; từ đủ 20 tuổi đến 45 tuổi; có đủ sức khỏe để thụ thai, mang thai và sinh đẻ, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác”. “Người thân thích” theo định nghĩa bao gồm những người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi 3 đời.

Việc hạn chế đối tượng mang thai hộ có thể không có tác dụng hạn chế các vi phạm về đẻ thuê, buôn bán trẻ sơ sinh mà còn khiến cho các hành vi này tiếp tục tăng do khó khăn về điều kiện thỏa mãn quy định của pháp luật.


Quy định về mang thai hộ sẽ hạn chế những hành vi phạm pháp để trục lợi. Ảnh: TL.

Đối với vấn đề tiền bạc nằm ngoài sự giám sát của luật?

- Dự thảo luật quy định : “Bên mang thai hộ không có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ hỗ trợ tài sản hoặc thu nhập cho việc mang thai, kể cả hỗ trợ cho việc chăm sóc thai”. Tuy nhiên, Luật lại không có quy định việc người nhờ mang thai hộ “tự nguyện” cung cấp các điều kiện vật chất cho người mang thai hộ. Việc người nhờ mang thai hộ cung cấp các điều kiện vật chất cho người mang thai hộ là điều đương nhiên khó tránh khỏi. Nhưng cung cấp bao nhiêu, cung cấp như thế nào để tránh việc lợi dụng hành động này che giấu cho hành vi đẻ thuê vốn không được pháp luật công nhận, thì lại không được quy định.

Vậy theo bà phải làm gì nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lợi dụng mang thai hộ để vụ lợi?

- Thứ nhất, thay vì hạn chế, nên mở rộng đối tượng có điều kiện mang thai hộ. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về điều kiện cũng như yêu cầu chứng minh người mang thai hộ thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật. Các đối tượng có thể mang thai hộ không chỉ là người thân thích mà có thể là bạn bè thân thiết, người của các tổ chức nhân đạo, của các tổ chức xã hội có cam kết không vì mục đích kinh tế…

Nên quy định mức trợ cấp và chế độ chăm sóc thai sản đối với người mang thai hộ. Điều này không chỉ hạn chế việc lợi dụng cung cấp điều kiện vật chất để chăm sóc thai phụ của người nhờ mang thai với người mang thai hộ nhằm “lách” yếu tố lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ mang thai hộ cũng như chăm sóc sức khỏe thai nhi và trẻ sơ sinh khi chưa được bàn giao cho người nhờ mang thai hộ. Người nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ thực hiện trợ cấp này, trong trường hợp người nhờ mang thai hộ không có đủ điều kiện và người mang thai hộ có ý kiến không nhận trợ cấp thì người nhờ mang thai hộ sẽ được miễn nghĩa vụ này.

Ngoài ra, cần phải có cơ chế giám sát và kiểm tra việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc mang thai hộ cần lập thành hồ sơ, thành lập cơ quan giám sát, thẩm tra đối với người nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ và cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản…

- Xin cảm ơn bà!

Cho phép mang thai hộ không phải là cho phép đẻ thuê

Tại phiên làm việc chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tại phiên làm việc, báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và một số đại biểu cho thấy sự cần thiết việc ban hành quy định cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Ủy ban về các vấn đề  xã hội của Quốc hội:

Người mang thai hộ phải là người đã từng sinh con: Thường trực Ủy ban thống nhất với việc bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ khái niệm  “không vì mục đích thương mại”; bổ sung các quy định về số lần được mang thai hộ, số người mang thai hộ trong cùng một thời điểm, vấn đề mang thai hộ có yếu tố nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ; quy định người nhận mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích phải chặt chẽ hơn, cùng hàng thế hệ và không nên mở rộng ra nhiều đối tượng khác; cần nghiên cứu việc quy định người mang thai hộ phải là người đã từng sinh con, hoàn toàn tự nguyện...

Bộ Tư pháp:

Cho phép mang thai hộ không phải là cho phép đẻ thuê: Cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để đảm bảo quyền làm mẹ chính đáng của mọi phụ nữ. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì là một sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ. Việc mang thai hộ và sinh nở cũng là việc làm có ý nghĩa nhằm duy trì nòi giống, gắn kết và giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình, bởi vì con cái là động lực để cha mẹ chúng làm việc tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn, góp phần vào sự ổn định, phồn vinh của xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn:

Đồng tình việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Nhất trí mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng việc quy định cụ thể như thế nào thì không đơn giản. Theo ông Sơn, Luật chưa quy định cụ thể trách nhiệm của người nhờ với người mang thai hộ từ chăm sóc sức khoẻ, hợp đồng cụ thể. 

Võ Hải

 Việt Nguyễn
theo GĐ&XH

Từ khóa: