Sự kiện hot
7 năm trước

Trẻ chậm nói có thể dẫn đến nguy cơ nói ngọng?

Khi trẻ chậm nói, có thể khiến các quá trình phản ứng với ngôn ngữ giao tiếp, khẩu hình miệng thiếu linh hoạt, lười vận động môi miệng làm cho trẻ càng lười nói. Dần dần về sau trẻ có nguy cơ nói ngọng, nói không rõ từ, ảnh hưởng đến sự phát triển theo lứa tuổi và hạn chế khả năng hòa nhập.


Sự phát triển ngôn ngữ được hình thành ở trẻ từ rất sớm, 03 tháng trẻ có thể chăm chú nhìn mắt người khác, nhìn miệng người khác và chăm chú nghe câu chuyện; càng lớn trẻ càng thể hiện khả năng chú ý và quan sát hành vi, cử chỉ của người lớn. Quá trình đó giúp trẻ bắt chước và mấp máy môi, đến khả năng phát âm đơn giản như baba, mama,  sau đó là học nói và giao tiếp…

Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, số lượng trẻ chậm nói có biểu hiện gia tăng do thiếu môi trường tương tác, trẻ thường xuyên phải chơi một mình, hoặc cho trẻ chơi quá nhiều các thiết bị điện tử,… Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cũng có thể dẫn đến các nguy cơ về nói ngọng và cách sử dụng ngôn ngữ chưa linh hoạt, phù hợp với độ tuổi.

Chị Ngọc (Thanh Xuân, HN) chia sẻ, Cháu đầu nhà chị năm nay đã 4 tuổi, nhưng đến năm 3 tuổi cháu mới bắt đầu biết nói, đến nay cháu phát âm và giao tiếp được khá nhiều nhưng cháu bị ngọng hết chữ cái đầu như ‘con gà’ thành ‘on à’, ‘mẹ thành ẹ’, ‘bố thành ố’… Một thời gian uốn nắn, bé cũng có tiến bộ hơn nhưng lại chuyển sang một thể ngọng khác: “Cái kéo” thành “cái kéng”, “con mèo” thành “con mèng”, “con kiến” thành “kiếng”… Do đó gia đình rất băn khoăn có phải do trẻ chậm nói nên dẫn đến nói ngọng hay không? Hay có thể là những yếu tố khác khiến con bị nói ngọng nhiều và gia đình chưa có cách điều chỉnh khả năng ngôn ngữ cho con. Rất sợ sau này, đi học Tiểu học, con nói ngọng sẽ rất ngại với bạn bè.

Theo Th.S Trần Thị Mân, người có nhiều năm kinh nghiệm chữa ngọng cho học sinh, của một Trung tâm giáo dục trên địa bàn Hà Nội, cho biết: Không ít trẻ bị nói ngọng là do các yếu tố về phát triển tâm lý và thực thể như trẻ bị dính thắng lưỡi, khớp cắn ngược, răng mọc lệch lạc có nhiều khe hở; một số bệnh khi trẻ mắc phải gây khó thở, ngạt mũi khiến khi nói trẻ phải thè lưỡi ra để phát âm dẫn đến nói ngọng. Có nhiều trẻ bị chậm nói, đến 3 – 4 tuổi mới nói, nên cũng dẫn đến nói ngọng nhiều từ và con khó điều chỉnh về khả năng ngôn ngữ.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên viên tâm lý Hoàng Văn Quyết (Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày Mới, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) - cho biết: Trẻ nói ngọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân tâm lý phát triển, và một số trẻ chậm nói cũng bị nói ngọng. Trẻ nói ngọng là do trong giai đoạn phát triển từ 15 tháng đến 36 tháng, trẻ phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên và mạnh mẽ, trẻ bắt đầu làm chủ được ngôn ngữ tiếng Việt. Nhưng có nhiều trẻ trong giai đoạn này, không phát triển được ngôn ngữ, chưa có từ đơn, khoang miệng của các trẻ bị cứng hơn, hoặc bị dính thắng lưỡi, lưỡi lười vận động, lười nhai khi ăn, khả năng điểu chỉnh âm, hơi của các con bị hạn chế. Do đó với các trẻ chậm nói dễ có nguy cơ bị nói ngọng trong giai đoạn đầu phát triển ngôn ngữ lời nói.

Sự phát triển của trẻ trong giai đoạn từ 24 -36 tháng chưa có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ hạn chế là những dấu hiệu của trẻ chậm nói. Do đó, phụ huynh cần chú ý đến các yếu tố phát triển theo từng giai đoạn của con và có những điều chỉnh, thay đổi môi trường, cách chơi, tạo cho con có nhiều cơ hội giao tiếp và tương tác hơn. Ngoài ra việc rèn luyện các cơ quan phát âm cho con cũng góp phần hạn chế được các yếu tố nói ngọng của trẻ.

Ba mẹ hay người thân trong gia đình cũng ảnh hưởng phần nào đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ, khi thấy trẻ nói ngọng ba mẹ không chỉnh ngay từ đầu, ít chơi với trẻ... Một số trẻ còn bắt chước người trong nhà nói ngọng. Vì thế, nếu gia đình có người lớn nói ngọng, trẻ dễ nói theo.

Ngoài ra, rối loạn phát âm có thể là hậu quả của rối loạn hành vi. Có trẻ chơi game, xem tivi quá nhiều, dẫn tới tình trạng học ngôn ngữ không qua nghe - nói mà qua nhìn - nói, khiến cung thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm. Những trẻ này ngoài nói ngọng còn hay cáu giận.

Đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, ở giải đoạn đầu trẻ có thể bị nói ngọng do các cơ quan phát âm chưa linh hoạt. Tuy nhiên phụ huynh không nên chủ quan, xem việc nói là quá trình tự nhiên mà không cần quan tâm đến sự hình thành ngôn ngữ của trẻ, theo dõi những bất thường để sớm cho con đi khám và can thiệp kịp thời. Đối với trẻ chậm nói, có nhiều trẻ lên đến 5 – 6 tuổi vẫn còn nói ngọng, nói không rõ âm… ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và phát triển nhận thức của con. Do đó việc được chỉnh sửa khẩu hình, chỉnh âm và có những trị liệu nhất định về âm ngữ, về khả năng phát âm cũng tạo cho trẻ có cơ hội sửa ngọng hiểu quả hơn, giúp trẻ phát triển hài hòa hơn.

MINH MINH

Từ khóa: