Sự kiện hot
6 năm trước

Trẻ đang mất dần khả năng quan sát và óc tò mò về thế giới xung quanh

Hãy giảm tối đa chép chữ và giải toán theo công thức mà hãy tăng tối đa thời gian cho các con suy nghĩ và viết ra nói ra suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

Là chủ một cơ sở giáo dục tại Hà Nội, anh Nguyễn Đức Quang nhận ra rằng trẻ nhỏ từ lớp 3-4 trở lên dần bị mất khả năng quan sát và óc tò mò về thế giới xung quanh. Sau đây là chia sẻ của anh về tình trạng này.

Có một điều mà càng ngày mình càng thấy rõ và rất buồn là các bạn học sinh từ tầm lớp 3-4 trở lên, đó là bị mất khả năng quan sát và óc tò mò về thế giới xung quanh.

Có lẽ vì các con bị ép ngồi chép chữ và làm toán theo mẫu tư duy nhiều và cũng do đặc điểm tâm lí lứa tuổi, càng lớn thì con người càng ít tò mò do quá bận với bắt chước. Tới tuổi thiếu niên và thanh niên thì hầu hết sẽ chỉ lo làm cho giống và làm cho xong nhiệm vụ kiểu chống đối.

Trẻ đang mất dần khả năng quan sát và óc tò mò về thế giới xung quanh. (Ảnh: Nguyễn Đức Quang)

Có rất nhiều lần tổ chức cho các nhóm đi chơi ngoài thiên nhiên hoặc tới các nhà máy xí nghiệp, các phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở nghệ thuật, quan sát thấy các em ra giữa thiên nhiên mà bịt tai nghe nhạc bằng tai nghe, hoặc không bịt tai thi bật nhạc nhí nhố để “tra tấn” mọi người xung quanh và cứ tưởng thế là chia sẻ âm nhạc. Tiếng nhạc của nước chảy của chim hót của lá bay làm sao qua được tiếng nhạc từ thiết bị điện tử phát ra. Nếu không bận nghe nhạc thì các bạn ấy hầu như lúc nào cũng có nhu cầu “seo phì” (chụp ảnh tự sướng).

Hôm trước dẫn một nhóm lớn bé đủ cả đi Bắc Cạn. Sau khi đi tham quan trên bản mọi người xuống lội suối. Chỉ cần vài chục phút lội suối thôi mà có thể thực hành được rất nhiều các khái niệm trừu tượng trong môn Khoa học xã hội như hiện tượng xói mòn, các hiện tượng thời tiết, dòng nước, sự hình thành đá, vòng tuần hoàn của đá, lịch sử hình thành các cộng đồng người...

Bé Tễu 7 tuổi nhà mình phát hiện ra một viên đá có những búi trứng tôm trên đó. Vì sao Tễu khẳng định là trứng tôm? Bởi vì quan sát từng quả trứng thấy nó có hình con tôm nhỏ xíu bên trong. Điều đặc biệt là thấy 2 con mắt đen nháy của mỗi cái phôi tôm bên trong còn chưa cố định một chỗ mà chúng nó di chuyển trong quả trứng mỗi khi ta di chuyển tay cầm viên đá đó. Thật tuyệt vời!

Tễu và Trà mỗi lần đi thiên nhiên hay đi xưởng hoặc tham gia cộng đồng con người thì đều hầu như không mang theo thiết bị điện tử nào, trừ khi phải quay hay chụp ảnh để ghi lại tư liệu cho dự án dạy tiếng Việt sẽ làm sắp tới. Vì thế mà cả nhà mình đều được tự do quan sát và khám phá mọi thứ và mọi người xung quanh.

Ngồi học ít nhất có thể mà hãy vận động, chơi với các bạn, chơi với thiên nhiên. (Ảnh: Nguyễn Đức Quang)

Không hiểu sao từ nhỏ mình đã có xu hướng đặc biệt là thích quan sát mọi thứ và mọi người xung quanh. Mỗi lần thấy gì đặc biệt thì mình đều dành thời gian suy nghĩ về nó/người ấy và có nhu cầu ghi chép lại. Tất nhiên hồi đó hoang dã nên chưa được dạy các kỹ năng quan sát và kỹ năng tư duy như lũ trẻ bây giờ. Và cũng càng không được tiếp cận với những bài viết trên mạng xã hội và sách vở để hiểu rằng chính những quan sát đó đã cấu tạo thành sự "lanh lợi" như ông Tony từng viết.

Các cha mẹ hãy giúp các con thay đổi lối sống lối học tập. Ăn ít thịt và ăn nhiều rau củ quả hơn. Ngồi học ít nhất có thể mà hãy vận động, chơi với các bạn, chơi với thiên nhiên.

Hãy giảm tối đa chép chữ và giải toán theo công thức mà hãy tăng tối đa thời gian cho các con suy nghĩ và viết ra nói ra suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Khi đi đi chơi nên cất điện thoại di động và bớt chụp ảnh “seo phì” đi. Óc quan sát và sự lanh lợi sẽ đi lên từ đó. Đơn giản lắm và cũng rẻ tiền lắm chứ không có gì phức tạp. Quan trọng là phải chấp nhận mình và con mình khác biệt so với đám đông xung quanh là ổn.

Nguyễn Đức Quang
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: