Sự kiện hot
12 năm trước

Triển lãm tranh "Trong/Ngoài": Những mạch ngầm đầy khắc khoải

Ở ngưỡng tuổi 30, Thảo Ngọc chở trên nghệ thuật của mình không ít khắc khoải. Đó là cái khiến người xem không thể dửng dưng, điều đáng sợ nhất đối với một nghệ sĩ khi trình tác phẩm của mình trước công chúng

Ở ngưỡng tuổi 30, Thảo Ngọc chở trên nghệ thuật của mình không ít khắc khoải. Đó là cái khiến người xem không thể dửng dưng, điều đáng sợ nhất đối với một nghệ sĩ khi trình tác phẩm của mình trước công chúng. Và đó cũng là điều tôi đánh giá cao ở Thảo Ngọc với triển lãm Trong/Ngoài đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu - HN).

Tôi hỏi Đặng Thảo Ngọc về khởi nguồn cảm hứng và diễn trình suy ngẫm dẫn đến triển lãm cá nhân của cô và được trả lời đơn giản như sau:

Đầu tiên chỉ là ý định vẽ một con mèo - con mèo Tân Mão nhân dịp Tết, như một số họa sĩ mỗi độ Xuân về thường có thói quen chào đón năm mới bằng tranh con giáp. Rồi những liên tưởng tỏa nhánh đến những suy tư về những người - vật thân thuộc, gia đình, thân phận, cộng đồng… Và cuối cùng, cả một loạt 21 bức sơn dầu khổ lớn ra đời dưới cái tên nhiều chiều bề hàm ý: Trong/Ngoài.

Tác phẩm tại triển lãm Trong/Ngoài

Tôi được chứng kiến năng khiếu nghệ thuật của Thảo Ngọc từ rất sớm - cách đây gần 20 năm. Năng khiếu đó, nhìn từ góc độ gen di truyền, có lẽ cũng dễ hiểu: Thảo Ngọc là con gái của vợ chồng họa sĩ Đặng Xuân Hòa - Đỗ Thúy Hằng. Ở tuổi lên 10, cô bé Diu (cái tên trìu mến gọi trong nhà), với bộ tranh nhật ký 7 bức bút sắt - mực Nho, đã đoạt một Grand Prix trong Liên hoan nghệ thuật thiếu nhi châu Á - Thái Bình Dương năm 1992. Ngay từ những bước đầu chập chững ấy, tôi đã đọc thấy mạch tự sự ở nghệ thuật của Thảo Ngọc.

Giờ đây, cô bé năm xưa sang Nhật Bản lĩnh giải còn phải có mẹ đi kèm, đã trở thành hoạ sĩ thực thụ. Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của cô. Mặc dù đã biết rành và theo dõi từng bước đi của cô, tôi vẫn thực sự bất ngờ với lần ra mắt mới này của Thảo Ngọc. Khác với triển lãm cá nhân đầu tiên tại Gallery Đông Phong năm 2007 (chỉ bày toàn chân dung), Trong/Ngoài mang đậm tính chủ đề. Một chủ đề triết học, chí ít theo cách đọc của tôi.

Tôi không dám chắc nội hàm triết học ở những tác phẩm này là hữu thức hay vô thức (tôi thiên về trường hợp sau hơn), nhưng mạch tự sự chảy suốt toàn bộ, theo tôi cảm nhận, phập phồng những xung động nhị nguyên. Và không thiếu những câu hỏi về nhân sinh. Những cặp đối lập và bổ sung cho nhau. Trong/ngoài. Thể xác/tinh thần. Sáng/tối. Âm/dương. Thiện/ác. Cái “trong” có phóng chiếu lên cái “ngoài”? Cái “ngoài” có phản chiếu cái “trong”? Đâu là “trong”, đâu là “ngoài”, làm sao xác định từ những vị trí khác nhau... Tất cả được thể hiện độc đáo bằng bố cục kỷ hà với những vạch ngang, dọc, chéo đầy mặt tranh như một thứ ostinato nhấn mạnh những mạch ngầm đầy khắc khoải.

“Tôi khắc khoải, vậy là tôi tồn tại”, để nói theo cách của Descartes.

Ở ngưỡng tuổi 30, Thảo Ngọc chở trên nghệ thuật của mình không ít khắc khoải. Đó là cái khiến người xem không thể dửng dưng, điều đáng sợ nhất đối với một nghệ sĩ khi trình tác phẩm của mình trước công chúng. Và đó cũng là điều tôi đánh giá cao ở Thảo Ngọc với triển lãm này.

Dương Tường
Theo TTVH

Từ khóa: