Sự kiện hot
13 năm trước

Trọng dụng người tài: Nhiều nơi mang tính hình thức

Việc phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ nhân tài đã được quan tâm, tuy nhiên chúng ta vẫn thiếu một chiến lược quốc gia mang tính hệ thống.

Việc phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ nhân tài đã được quan tâm, tuy nhiên chúng ta vẫn thiếu một chiến lược quốc gia mang tính hệ thống.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Công tác nhân tài ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 6/9 tại Hà Nội do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức.

Lãng phí nhân tài không thể cân, đong, đo, đếm

Tại hội thảo, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt cho rằng, công tác nhân tài ở nước ta hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập, vẫn còn thiếu những mục tiêu cụ thể, những chương trình, kế hoạch tổng thể, những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phát hiện bồi dưỡng, đào tạo thu hút và trọng dụng nhân tài. Theo ông Hồ Đức Việt, dù chúng ta đã có chủ trương về xây dựng đội ngũ nhân tài cho Đảng, Nhà nước nhưng vẫn còn thiếu sự chỉ đạo trong thực hiện, hoặc thực hiện còn mang tính hình thức... Đó là những lý do khiến nhiều người tài đã “dứt áo ra đi” khỏi khu vực nhà nước.

Đồng quan điểm với nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho biết, trong lịch sử chúng ta đã rất coi trọng bậc hiền tài. Các bậc quân vương thường coi “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, đó là sức bật giúp quốc gia hưng thịnh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa đánh giá, xem trọng đúng mức người tài. Theo ông Thu, nếu không phát hiện, sử dụng nguồn nhân tài sẽ là lãng phí không thể cân, đong, đo, đếm được được bởi “lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất”.

Về vấn đề phát hiện và trọng dụng người tài, theo GS Dương Phú Hiệp, tài năng không dễ dàng bộc lộ, vấn đề là biết cách phát hiện nhân tài. Do đó, phải có nghệ thuật sử dụng nhân tài bằng việc tạo môi trường, chế độ ưu đãi đặc biệt với người tài. Dùng người tài đúng vị trí, đúng việc để họ phát huy sở trường của mình, góp phần cho đất nước cường thịnh.

GS Ngô Bảo Châu (đứng giữa, hàng trên cùng) là một trong
những biểu tượng của trí tuệ Việt Nam. Ảnh: L.M

Đầu tư cho nhân tài là đầu tư siêu lợi nhuận

Các nhà khoa học tham dự hội thảo cho rằng, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mức độ cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt, phải trọng dụng nhân tài hơn lúc nào hết. Vì vậy, cần nhận nhận thức đầy đủ vai trò của nhân tài gắn với sự tồn vong của quốc gia. Phải ưu tiên mọi mặt cho việc phát hiện và sử dụng nhân tài. Đây là chiến lược nguồn cho mọi chiến lược. Vì đầu tư cho nhân tài là đầu tư siêu lợi nhuận để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Bà Nguyễn Thu Phương, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có một quy chuẩn quốc gia về nhân tài, trong khi nhiều nước trên thế giới có chiến lược quốc gia về nhân tài để thu hút người tài từ trung ương đến địa phương cho đất nước. Chính vì vậy, cần xây dựng ngay chiến lược nhân tài cấp quốc gia trong giai đoạn này, dù đã là muộn. Cũng theo bà Phương, nhân tài không chỉ cần được trọng dụng mà còn cần được bảo vệ, tránh làm họ nhụt chí do áp lực từ môi trường làm việc thiếu lành mạnh mà dời bỏ. Đặc biệt, cần khéo léo giữ chân người tài cho khu vực công, tránh sự “săn mồi” tinh vi của những “thợ săn”, của những đối thủ lân cận.

Tất cả các nhà khoa học đều có chung nhận định, cần có chiến lược quốc gia về nhân tài. Chiến lược này sẽ được gắn chặt với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển con người một cách chặt chẽ. Chiến lược nhân tài phải đề ra những mục tiêu rõ ràng, lộ trình hợp lý. Chỉ có làm được điều này mới khuyến khích người tài bộc lộ tài năng của mình, tạo niềm tin cho đội ngũ trí thức cống hiến. Đó chính là sức mạnh của đất nước, dân tộc.

Lê Minh
Theo Giadinh

Từ khóa: