Sự kiện hot
5 năm trước

Tỷ lệ học sinh tham gia 'Sữa học đường' ở Hà Nội đang tăng đáng kể

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học tham gia Sữa học đường ở Hà Nội ngày càng tăng. Sau một tháng triển khai tỷ lệ tham gia là 74% thì đến nay đã tăng lên 87%.

Đầu năm 2019, lễ phát động chương trình Sữa học đường Hà Nội đã được tổ chức tại trường tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, Hà Nội. Chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức.

Đề án Sữa học đường Hà Nội được triển khai theo hình thức đấu thầu công khai. Sau hơn một tháng xét thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lựa chọn Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị cung cấp sữa cho đề án với mức hỗ trợ 23% (cao hơn mức mời thầu 3%), tiết kiệm cho ngân sách thành phố hơn 300 tỷ đồng.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các Phòng Giáo dục quận huyện đã tiến hành tập huấn liên tục trong 10 ngày trên 30 quận, huyện trong địa bàn thành phố cho 10.000 đại biểu là các giáo viên, đại diện hội phụ huynh học sinh từ 1.847 trường công lập và 2.509 nhóm trẻ.

"Sữa học đường" không được lưu hành bên ngoài trường học

Trong chương trình Tọa đàm “Hành trình sữa học đường an toàn - hiệu quả” vào chiều ngày 15/3, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, tỷ lệ học sinh mầm non, tiểu học tham gia Sữa học đường ở Hà Nội ngày càng tăng. Sau một tháng triển khai tỷ lệ tham gia là 74% thì đến nay đã tăng lên 87%.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, qua theo dõi triển khai chương trình, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát hiện một số trường ngoài công lập không triển khai chương trình với lý do trong thực đơn hàng ngày của trẻ đã có sữa.

“Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường phải phổ biến cho phụ huynh học sinh để phụ huynh học sinh biết, còn đăng ký tham gia hay không là quyền của phụ huynh. Bất kỳ trường học nào mà phụ huynh không được phổ biến chương trình Sữa học đường phụ huynh có thể thông tin tới Sở GD&ĐT Hà Nội để xử lý, đồng thời phụ huynh có quyền khởi kiện nhà trường bởi đây là quyền lợi của con em mình” - ông Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, trước vấn đề một số ý kiến phụ huynh cho rằng nên để học sinh mang sữa về nhà để có thể trực tiếp giám sát được nguồn gốc và hạn sử dụng của sữa. Trả lời vấn đè này, Phó Giám đốc Sở khẳng định, sữa trong chương trình Sữa học đường phải uống tại trường.

“Sữa học đường không được lưu hành bên ngoài trường học. Nếu để học sinh mang về nhà chưa chắc học sinh đã uống và nhiều hệ lụy khác có thể xảy ra. Nếu phụ huynh muốn kiểm tra, phụ huynh có thể đến trường đăng ký để kiểm tra trực tiếp tại trường. Mỗi lô sữa phát ra đều có một hộp được lưu lại, niêm phong theo đúng quy định về an toàn thực phẩm” – ông Tiến cho hay.

Học sinh trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) uống sữa học đường ( Ảnh: Kinh tế và Đô thị)

Nguyên liệu trong sữa được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn

Cùng vấn đề trên, chia sẻ trên tờ Kinh tế và đô thị, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Sài Sơn A (huyện Quốc Oai) Đào Thị Thanh Thảo cho hay: Đến thời điểm này, tỷ lệ học sinh tham gia Sữa học đường ở trường đạt 95%. Tuy nhiên, do ở vùng nông thôn, phụ huynh học sinh chủ yếu làm nông nghiệp nên nhận thức của phụ huynh về vai trò của sữa với phát triển chiều cao và thể lực cho trẻ còn hạn chế.

“Đặc biệt, nhiều phụ huynh còn băn khoăn về chất lượng sữa trong chương trình, thành phần trong sữa có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn công bố với sữa học đường hay không, việc uống sữa sau bữa ăn trưa có hải sản có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không”, bà Đào Thị Thanh Thảo cho biết.

Theo trưởng bộ phận Truyền thông cộng đồng, Vinamilk - đơn vị cung cấp sữa học được tại Hà Nội Lê Văn Đức khẳng định, quy trình sản xuất sữa Vinamilk được đảm bảo tiệt trùng từ bao bì cho đến đóng gói. Nguồn nguyên liệu đầu vào cũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Trước khi triển khai, Vinamilk đã tập huấn cho các trường về triển khai chương trình. Vinamilk cũng đã cung cấp đường dây nóng tiếp nhận thông tin về sữa học đường ở các trường học. Trong trường hợp xảy ra sự cố, Vinamilk cam kết sau 60 phút có mặt để xử lý nếu trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính là 120 phút” - ông Lê Văn Đức nhấn mạnh.

Đề án triển khai Quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu "cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uổng sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai". Hà Nội cũng là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên triển khai quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô rộng lớn.

Chương trình Sữa học đường được đánh giá là mang tính nhân văn khi hướng tới trẻ em Việt - nguồn nhân lực tương lai của đất nước, mang đến cho các em sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn dinh dưỡng có lợi, giảm bớt gánh nặng về tài chính với gia đình và xã hội. Đồng thời, chương trình cũng mang tính xã hội cao khi có sự tham gia của các cấp, các ngành, các quận huyện, các đơn vị nhà trường và các vị phụ huynh học sinh.

Mai Quỳnh (t/h)

Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng 

Từ khóa: