Sự kiện hot
10 năm trước

Uganda được đề nghị hòa giải xung đột tại Nam Sudan

Trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tại Nam Sudan đang lan rộng, đe dọa an ninh và ổn định trong toàn khu vực, Liên hợp quốc đã chính thức lên tiếng đề nghị các nước láng giềng đóng vai trò trung gian hòa giải.


Người tị nạn Sudan tại khu lều tạm của Liên hợp quốc ở ngoại ô thủ đô Juba ngày 17/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/12, người phát ngôn Chính phủ Uganda Ofwono Opondo cho biết Liên hợp quốc đã đề nghị Tổng thống Uganda Yoweri Museveni hỗ trợ hòa giải cuộc xung đột bùng phát cách đây 5 ngày tại nước láng giềng Nam Sudan.

Ông Opondo đồng thời cho biết một bộ trưởng Uganda sẽ tham gia nỗ lực hòa giải cho Nam Sudan do Liên minh châu Phi (AU) đề xướng. Ngoài ra, các bộ trưởng cấp cao từ bốn quốc gia trong khu vực - gồm Kenya, Djibouti, Ethiopia và Uganda - đã tới Nam Sudan để bắt đầu các nỗ lực chấm dứt giao tranh, vốn làm gia tăng lo ngại về một cuộc nội chiến tái diễn ở đất nước non trẻ này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh cho biết chính phủ nước này đã điều một máy bay tới Nam Sudan để sơ tán công dân Anh tại đây, rời đi từ sân bay Juba trong ngày 19/12.

Theo người phát ngôn bộ trên, hiện đã có hơn 150 người Anh liên hệ với Đại sứ quán nước mình để được rời khỏi Nam Sudan.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định nước này sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các công dân và tổ chức của Trung Quốc tại Nam Sudan.

Bà cho biết bộ trên và Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Sudan theo dõi chặt chẽ tình hình cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó một ngày, Mỹ đã sơ tán 120 công dân của mình khỏi Nam Sudan trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn tại thủ đô Juba.

Hai máy bay C-130 của Mỹ và một máy bay thương mại khác đã đưa các nhân viên ngoại giao không có nhiệm vụ cấp thiết, các công dân Mỹ và công dân nước thứ ba rời khỏi Juba.

Washington để ngỏ khả năng điều động các chuyến bay bổ sung tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện an ninh.

Xung đột tại Nam Sudan bùng phát kể từ khi Tổng thống Salva Kiir quyết định giải tán Nội các và cách chức Phó Tổng thống Riek Machar do ông này công khai chỉ trích chính phủ.

theo TTXVN

Từ khóa: