Sự kiện hot
13 năm trước

Vân Ánh tấu đàn tranh Việt hút hồn người ở Mỹ

Trò chuyện cùng nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh tại một quán café Hà Nội trong chiều nắng hạ,

Trò chuyện cùng nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh tại một quán café Hà Nội trong chiều nắng hạ, phóng viên ấn tượng về một gương mặt khả ái, một tấm lòng sâu nặng với văn hóa Việt.

Năm 1995, Vân Ánh đã giành giải nhất trong cuộc thi đàn tranh quốc gia của Việt Nam cùng với giải nhất cho màn độc tấu nhạc dân tộc hiện đại. Cô cũng đã được lựa chọn để tham các chuyến trình diễn nhạc dân tộc Việt Nam ở khoảng 20 nước trên thế giới.

Nghệ sĩ Vân Ánh bên cây đàn tranh của mình

Võ Vân Ánh là một sứ giả tiêu biểu đưa cây đàn tranh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Khi đàn tranh ở Mỹ có một chỗ đứng cũng là khi lòng tự hào về văn hóa Việt như được chắp thêm cánh, mở thêm hy vọng.

- Biết rằng Vân Ánh đã rất thành công trong quá trình mang văn hóa việt Nam ra thế giới, em hãy đưa ra một số kết hợp hiệu quả trong việc diễn tấu đàn tranh cũng như biểu diễn một số loại đàn dân tộc khác?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Vâng, đó là chơi đàn tranh solo cùng các nhạc cụ khác. Ở Mỹ, em đã được mời tham gia biểu diễn cùng nhóm tứ tấu Kronos Quartet. Đàn tranh khi phối hợp sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ và được khán giả đánh giá cao. Khi đó người nghệ sĩ có cơ hội trình tấu ngẫu hứng tại chỗ.

Kronos Quartet, nhóm nhạc này là bậc thầy trong dòng nhạc cổ điển mới do chính họ tạo ra. Họ được nhận rất nhiều các giải thưởng âm nhạc có giá trị khác chứ không chỉ Grammy Awards. Thế nên nhạc sĩ nào nói là họ làm việc với Kronos Quartet, những người nghệ sĩ khác và khán giả có học ở Mỹ sẽ rất thán phục.

Em sẽ có buổi trình diễn premier concerts với Kronos Quartet vào ngày 11 và 12 tháng 5 năm 2012 tại Yerba Buena Center for the Art (YBCA) San Francisco.

Chương trình sẽ dài 30 phút và em viết nhạc, hòa âm toàn bộ cho chương trình này. Chương trình sẽ dùng âm nhạc để giới thiệu tới khán giả Mỹ một Việt Nam mà mọi người chưa từng biết đến: Tràn đầy chất văn hóa độc đáo, thanh bình và có nghệ thuật sâu sắc.

Từ đó có thể thấy, nếu là món ăn tinh thần mà cũ thì sẽ bị người tiếp nhận quay lưng. Song điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc ở nước ngoài là phải giữ được hồn nhạc Việt.

- “Hành trình” đàn tranh và duyên nợ với cây đàn này đã “thăng trầm” với Vân Ánh như thế nào?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Em sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, ở giữa khu tập thể của khu văn công Mai Dịch, Hà Nội. Bố em là một nghệ sĩ guitar của dàn nhạc dân tộc…Vì được tiếp xúc với âm nhạc và các nghệ sĩ từ nhỏ nên việc say mê âm nhạc đến với em khá tự nhiên.

Có buổi biểu diễn từ thiện em đã thu về 150.000 USD cho người nghèo cùng với hơn 1.000 xe lăn cho người tàn tật Việt Nam.

Hiện tại, ngoài các hoạt động từ thiện và các buổi biểu diễn đàn tranh trên đất Mỹ, em cũng đang truyền dạy lại bộ môn âm nhạc dân tộc này tới những người yêu thích văn hóa, âm nhạc Việt Nam ở nơi đây.

Em muốn dạy đàn tranh vì mình muốn chia sẻ những kiến thức về văn hóa Việt Nam và kho tàng văn hóa dân gian mà mình biết với cộng đồng Việt Nam, cũng như bạn bè quốc tế. Học sinh học đàn của em rất đa dạng, trẻ nhất là 6 tuổi và lớn tuổi nhất là 82 tuổi.

Trong số học trò hơn một nửa là người Việt nhưng cũng có học sinh người Ấn Độ hoặc là người Mỹ hoặc Tây Ban Nha. Ai có tấm lòng yêu âm nhạc cũng như muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thì mình đều sẵn lòng giảng dạy và “truyền bá” về văn hóa và âm nhạc Việt Nam.

Em đã cho ra một đĩa CD với tựa đề tiếng Anh là “She’s not She” với sự kết hợp của nhạc dân tộc Việt Nam với cách trình tấu mang tính quốc tế nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa âm nhạc Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Trong đó, bài thứ 5 “ She’s not She” được lấy làm tựa đề cho CD đã thể hiện một sự đổi thay rất nhiều. Cho dù em vẫn là em nhưng suy nghĩ về âm nhạc, suy nghĩ về cách đưa đàn tranh đến với công chúng đã khác hoàn toàn.

Em rất hài lòng đã có thể chia sẻ với khán giả các sản phẩm âm nhạc nghiêm túc, đem lại khuôn mặt hay một con đường mới cho đàn tranh. Với những sản phẩm tiếp theo, những lần trình diễn tới em luôn muốn đậm tính dân gian và màu sắc Việt Nam hơn nữa, nhưng vẫn có tính quốc tế cao.

- Vân Ánh sẽ nói gì với những người chưa biết về đàn tranh, chưa yêu tiếng đàn tranh, làm sao thu hút họ đây?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Nếu vậy thì em sẽ đàn họ cho nghe, đàn bằng nguyên cảm xúc của mình. Có lẽ sau đó em sẽ không cần nói gì nữa. Em yêu và tin ở cây đàn của mình.

- Chúng ta ngồi đây, không có cây đàn mà tôi cần được thuyết phục về đàn tranh thì Ánh sẽ nói gì? Tôi muốn nghe bằng ngôn ngữ, nếu hấp dẫn tôi mới nghe đàn thì sao?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Vậy ư? Thế thì đàn tranh là nhạc cụ có khoảng diễn tấu rất rộng. Đàn tranh có thể diễn tả một giọt nước rơi xuống và cả âm bắn lên của giọt nước đó. Lại có thể tái hiện cả một trận cuồng phong. Đàn tranh có thể tấu nhạc của cả ba miền Bắc, Trung, Nam như chơi nhạc chèo, nhạc Huế và nhạc Cải lương, cả Lý và Quan họ…

Nếu lên dây theo một cách nhất định thì đàn tranh có thể chơi được bảy âm. Và nghệ sĩ có thể chơi hai tay. Tay phải chyạ nhanh hay chậm cũng được. Tay trái nhấn. Xin so sánh như cha và mẹ vậy. Một tay sinh âm và một nuôi dưỡng âm. Mẹ là tay trái gần tim…

Người đến thưởng thức không chờ xem kỹ thuật mà muốn đón nhận thứ âm nhạc chân thành. Đàn tranh làm được thế. Từ bản “Câu chuyện của tôi” do em viết đã có khán giả thắc mắc đàn tranh là dịu dàng, chan hòa” vậy mà sao nghe có cả gào thét, dữ dội, giằng xé đến thế. Em đã trả lời đó là cảm xúc được gửi chân thành. Không thể ngọt ngào khi câu chuyện cuộc đời còn day dứt, và cả bão tố.

- Tôi biết đã chạm vào tình yêu lớn của em, hãy so sánh đôi chút để người đọc hiểu thêm đàn tranh ?

Nghệ sĩ Vân Ánh: (Cười) Ví dụ như đàn bầu nghe chơi chậm hay hơn nhanh, đàn nhị thì tuy hai dây cũng không chơi nhanh được và sáo thì hạn chế sự tham gia của tay trái.

Là người nghệ sĩ trưởng thành, lập nhóm nhạc “Đồng nội” từ trong nước, em có thể nhận xét về cái khó của người nghệ sĩ Việt Nam để có thể hết mình cho nghệ thuật?

Về nghệ thuật, thì người mình yêu nhạc lắm nhưng phải là nhạc có lời. Khán giả Việt Nam quen nghe nhạc hát, ít thích nhạc đàn nên việc các nghệ sĩ biểu diễn nhạc đàn không có nhiều cơ hội.

Về đời sống thì nỗi lo cơm áo gạo tiền! Người nghệ sĩ không có nhiều chọn lựa, cũng không phải ai cũng có thời gian cho tập luyện. Em biết mình là người may mắn vì có ông xã em là người thành đạt lo về kinh tế trong những năm đầu sang Mỹ.

- Thế bây giờ còn phải “ăn theo” ông xã nữa hay không?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Dạ, không. Em đã chủ động tự lo và chi được các việc của mình. (cười)

- Bằng đàn tranh?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Vâng, bằng đàn tranh. Ở Mỹ khi đã có vị trí nào đó thì việc có khoản thu đáng kể là đương nhiên.

- Nếu không nói về tiền bạc mà về “biến đam mê thành công việc,” thì em “phân mảng” việc cho mình ra sao?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Em viết nhạc cho đàn tranh để có tiếng nói riêng, có miền sáng tạo của mình. Thứ hai là trình diễn để quảng bá cho thế mạnh và sức hút của cây đàn và thứ ba là giảng dạy để có sự tiếp nối.

- Người ta thường hay công thức hóa thành công của mình? Em cho biết công thức này của em?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Đó là có tài năng bẩm sinh+ luyện tập + may mắn.

- Mơ ước của em về nghề nghiệp?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Ước mơ âm nhạc không có biên giới, không có khoảng cách. Như hoa Thạch thảo bay lan, mọc rộng vậy đó cũng là ý tưởng bài nhạc của em.

- Cảm ơn Vân Ánh, chúc em có nhiều thành công hơn nữa trong việc quảng bá văn hóa Việt nói chung và tiếng đàn tranh nói riêng.

Nguyễn Anh
Theo Vietnam+

Từ khóa: