Sự kiện hot
11 năm trước

Vẫn "nhức nhối" quản lý vỉa hè, lòng đường Hà Nội

Đã hơn một năm kể từ khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 796 về việc cấm tổ chức trông giữ các phương tiện xe đạp, xe máy, ôtô trên vỉa hè, lòng đường tại 267 tuyến phố,

Đã hơn một năm kể từ khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 796 về việc cấm tổ chức trông giữ các phương tiện xe đạp, xe máy, ôtô trên vỉa hè, lòng đường tại 267 tuyến phố, có một thời gian, lệnh cấm này đã phát huy hiệu quả khi vỉa hè, lòng đường thông thoáng trả lại cho người đi bộ.


Hàng rong lấn chiếm lòng đường Trần Khát Chân. Ảnh minh họa. Ảnh: Bùi Tường/TTXVN

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của Thủ đô lại tái diễn, thậm chí có nơi còn bị lấn chiếm trầm trọng hơn.

Anh Ason Tan Yong Meng, người Singapore sang Hà Nội du lịch, đã đi đến nhiều tuyến phố, nhận xét: “Tôi thấy Hà Nội rất đẹp, con người thân thiện. Tuy nhiên mỗi khi phải đi bộ thì thật đáng ngại, vỉa hè trên nhiều tuyến phố không thể đi qua vì người dân đã bày bán hàng hóa chật kín chỗ. Khi người ta đang ăn, uống trên vỉa hè, mình chen chân qua không phải là chuyện dễ. Vỉa hè công cộng đã trở thành sở hữu của người chủ quán”...

Trên thực tế, vỉa hè Hà Nội đang bị chiếm dụng trở lại. Tại các tuyến phố Ngô Quyền, Hàng Tre, Hàng Thùng, Trần Nhật Duật, nhiều đoạn đã không còn lối dành cho người đi bộ. Thay vào đó là các quán bia, trà đá, quán ốc, quầy bán vé số, bún phở và những hàng xe máy dựng tràn làn trên vỉa hè.

Tại tuyến phố Trần Nhật Duật, đoạn từ cầu Long Biên xuống, khó có thể nhận ra đâu là vỉa hè và đâu là lòng đường. Vỉa hè ở đây đã biến thành xưởng, cơ sở dán nilon xe máy, sửa chữa, bọc ghế da ôtô.

Còn ngay cả đầu phố Ô Quan Chưởng, hàng quán bày bán lộn xộn trên vỉa hè, nhìn xa cứ ngỡ đó là chợ.

Ban đêm, vỉa hè tại các tuyến phố Nguyễn An Ninh, Trương Định, Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài... mới thật sự sôi động theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Từ trà chanh, trà đà, cà phê, cháo đêm, hàng ăn, đến những hàng quần áo, giầy dép đã qua sử dụng được phô bày trên vỉa hè.

Chị Hoan, một người có thâm niên bán quần áo "hàng thùng" tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên cho biết, “thánh địa” vỉa hè được sử dụng từ khoảng 19 giờ đến tầm 22 giờ. Đôi khi các anh bên phường cũng có đến nhắc nhở, nhưng là “chỗ quen biết” nên cũng châm chước cho qua.

Kinh doanh ở vỉa hè, đúng là “một vốn, bốn lời” vì thế nhiều người dân biết vi phạm nhưng vẫn tìm đủ mọi cách đối phó với cơ quan chức năng. Từ việc kinh doanh buôn bán tại các vỉa hè, nhiều người dân đã ngang nhiên lấn chiếm trái phép, tuyến phố văn minh của Thủ đô cũng bị “băm năm xẻ bảy”.

Chị Nghĩa ở Thanh Xuân bày tỏ sự bất bình trước việc vỉa hè bị lấn chiếm và chia sẻ: "Cứ ở đâu có vỉa hè là ở đó có tình trạng lấn chiếm, có cơ quan chức năng thì người ta chạy, còn hễ lúc ngơi ra là lại bày bán la liệt, đúng theo kiểu "đá ném ao bèo".

Chị Nghĩa cho biết thêm, cách xử lý hiện nay của các cơ quan Hà Nội cũng chưa ổn. Thời điểm đầu giờ sáng, tầm trưa hoặc cuối chiều, lực lượng dân phòng, cảnh sát khu vực đánh ôtô đi bắt giữ những người lấn chiếm. Khi đó, người vi phạm chạy tán loạn, bàn ngế, thúng mẹt vung vãi, giằng co, náo loạn cả một khu phố.

Thế nhưng chỉ sau đó ít phút khi lực lượng đi khỏi, lại đâu hoàn đấy. Chị Nghĩa cho rằng, cách làm đó rất phản cảm, không triệt để, gây ra tình trạng "nhờn luật" tạo "vùng lõm" trong xử phạt. Đơn cử, có chỗ người ta bày bán bia công khai cả thời gian dài chả thấy dẹp bỏ, nhưng với những người buôn thúng bán mẹt trên vỉa hè cũng dễ bị thu giữ hàng hóa.

Mới đây nhất, kết quả kiểm tra về tình trạng vi phạm ở các chợ của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường biến thành nơi họp chợ đang diễn ra phổ biến, gây bức xúc, bất bình cho người dân.

Theo phản ánh của nhân dân sống trong các tòa nhà, khu dân cư cạnh chợ Thành Công thì việc để người dân họp chợ bịt cả lối đi, chiếm dụng sân chơi của trẻ em, không gian công cộng, lỗi phần lớn là do chính quyền “làm ngơ”.

Theo số liệu của Thanh tra giao thông thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã xử lý hơn 460 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh buôn bán, phạt trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là con số quá nhỏ so với thực tế đang diễn ra.

Vẫn biết, việc xử lý vi phạm vỉa hè không dễ, bởi “vướng” cả lý, tình, và còn chồng chéo trong quản lý. Một hè đường, tuyến phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được cấp phép. Chính sự nhùng nhằng đó đã dẫn đến sự tồn tại trong nhiều năm tình trạng các hộ dân, cơ quan ngang nhiên sử dụng trái phép vỉa hè.

Lấn chiếm vỉa hè lòng đường đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc ở hầu khắp phố phường Hà Nội. Tình trạng này kéo dài không chỉ khiến bộ mặt phố phường nhếch nhác, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự trị an đô thị.

Vì vậy, các cấp chính quyền Hà Nội cần cấp thiết lập lại trật tự hè phố, nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm và sự chung tay của cả cộng đồng để người dân Thủ đô có vỉa hè, lòng đường theo đúng nghĩa.

Mạnh Khánh
theo TTXVN

Từ khóa: