Sự kiện hot
13 năm trước

“Việt Nam muôn năm” - Bản hùng ca vang vọng mãi

Bản hợp xướng mở đầu bằng nét nhạc hùng tráng, bùng nổ, như mùa thu Cách mạng năm xưa, cũng là mở đầu cho phần thanh nhạc của Hòa nhạc Điều còn mãi 2011.

Bản hợp xướng mở đầu bằng nét nhạc hùng tráng, bùng nổ, như mùa thu Cách mạng năm xưa, cũng là mở đầu cho phần thanh nhạc của Hòa nhạc Điều còn mãi 2011.

Phần lời của hợp xướng cực kỳ sâu sắc, ý nghĩa, do chính nhạc sĩ Hoàng Vân chắp bút, phỏng thơ của các nhà thơ: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Bùi Minh Quốc.

“Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ, đất anh hùng của thế kỷ 20, 
Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ, có miền Nam anh dũng tuyệt vời…”

Đăng Dương trình diễn "Việt Nam muôn năm" trên sân khấu "Điều còn mãi 2011"


Ngay khi tiếng trống dồn hùng tráng và những giai điệu đầu tiên cất lên, nét nhạc đẹp, mềm mại như biểu trưng cho dải đất hình chữ S đã khiến người nghe nhạc bị quyến rũ, cuốn vào dòng suy tưởng, bồi hồi xúc động, lắng mình, thoát khỏi những ồn ào thường nhật; để đắm say và yêu dấu về hình ảnh Việt Nam.

“…Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!

Mỗi một đôi mắt Việt Nam đều ngời lên trong ánh sao vàng phơi phới.

Mỗi một vầng trán Việt Nam đều ngẩng lên trong ánh sao vàng đi tới.

Bên bờ Thái Bình Dương, người Việt Nam đứng lên, áo còn vá vai, chân còn lấm đất. Nhưng trên vầng trán hiên ngang lấp lánh hai chữ Điện Biên sáng ngời.

Việt Nam! Việt Nam!

Tâm hồn ta vỗ cánh bay cao khi hát về hai tiếng ấy

Việt Nam! Việt Nam!

Cám ơn mẹ hiền đã cho ta một dòng máu thắm

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!

Cám ơn Đảng đã mang lại khí trời và ánh sáng soi rọi cho máu ta muôn lần tươi sáng…

Ôi tổ quốc giang sơn hùng vĩ, đất anh hùng của thế kỷ 20
Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ, có miền Nam anh dũng tuyệt vời …”


Nhạc sĩ Hoàng Vân vốn đã có cả một gia tài ca khúc cách mạng nổi tiếng như:Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Không cho chúng nó thoát, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - chào mùa xuân đại thắng. Hai chị em, Tiếng cồng giải phóng - tiếng cồng chiến thắng (bút danh Y - Na), Trên đường tiếp vận(bút danh Y - Na), Người chiến sỹ ấy.

Sau hòa bình, ở giai đoạn dựng xây đất nước, ông cũng có rất nhiều sáng tác nổi tiếng như: Bài ca xây dựng, Tình yêu của đất và nước, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca tình bạn, Tình ca Tây Nguyên,... Nhạc sĩ Hoàng Vân đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Thể loại hợp xướng - khí nhạc ít có cơ hội đến với công chúng hơn nên khán thính giả chủ yếu chỉ còn gặp gỡ với tác phẩm của Hoàng Vân trên sóng phát thanh.


Nhạc sĩ Hoàng Vân tại Nhà hát lớn Hà Nội chiều 2/9

Tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân được trình diễn nhiều nhất và quen thuộc nhất với khán thính giả là “Hồi tưởng” (viết năm 1965), còn “Việt Nam muôn năm” trước đây được dàn dựng và trình diễn rất nhiều ở các tỉnh thành nhưng hiện tại thì rất khó để tìm lại một cơ hội thưởng thức tác phẩm này.

Hợp xướng “Việt Nam muôn năm” được hoàn thành năm 1967, khi mà ngôi nhà số 14 Hàng Thùng còn là một trong những trụ sở của hoạt động Việt Minh. Nét nhạc hùng tráng, ca từ mạnh mẽ, ngợi ca hình ảnh của Cách mạng Tháng 8 và cuộc đổi đời của dân tộc, đi lên trong ánh sáng mới.

Hỏi chuyện người nhạc sĩ già nay đã ngoài 80, còn điều gì khiến ông thấy chưa hài lòng với “Việt Nam muôn năm” trên sân khấu Nhà hát lớn? Nhạc sĩ Hoàng Vân xúc động kể về giai đoạn khi ông còn là nhạc trưởng ở Đài Tiếng nói Việt Nam, khi ấy “Việt Nam muôn năm” được dàn dựng rất nhiều, sau đó, nhạc sĩ-nhạc trưởng Cao Việt Bách kế nhiệm, cũng nhiều lần dàn dựng tác phẩm để biểu diễn ở nhiều tỉnh thành.

Từ trái qua: Bà Ngọc Anh - vợ nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Hoàng Vân, 
giáo sư Ngô Bảo Châu trên hàng ghế khán giả


Nhạc sĩ Hoàng Vân cho biết, thực ra, tác phẩm được viết theo hình thức đại hợp xướng, cho hai dàn hợp xướng (trong đó có một dàn hợp xướng thiếu nhi) hát cùng dàn nhạc giao hưởng; như trong chương trình “Điều còn mãi” thì vẫn chưa phải là quy mô đó mà mới chỉ là một dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, nhưng trước đây cũng chưa bao giờ dàn dựng được trung thành với tác phẩm. Cùng lắm là khoảng 30 em thiếu nhi với 30 ca sĩ cùng hát thôi, chứ chưa lần nào thực sự dựng được với hai dàn hợp xướng.

Trong buổi chiều lịch sử, được nghe tác phẩm của mình vang lên, ông xúc động lắm, nước mắt chỉ chực tuôn rơi, lắm rồi “Việt Nam muôn năm” mới lại vang lên hào hùng, mãnh liệt như thế.

Từ phải sang: Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa (TBT báo VietNamNet), nhạc sỹ Văn Ký, 
nhạc sỹ Hoàng Vân cùng vợ trong khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội


Người nhạc sĩ già đang gấp rút chạy đua với thời gian. Sau cả kho tàng tác phẩm đồ sộ, ông vẫn đang ngày đêm miệt mài sáng tác. Mới đây nhất, ông vừa hoàn thành “Giao hưởng trữ tình” – bốn chương, với thời lượng ít nhất cũng lên tới 70 phút trình diễn. Đây thực sự là một công trình đáng kể ở vào lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của ông. Nhưng không chỉ như thế, giao hưởng đã được trình diễn thử ở một số dàn nhạc tại Paris, Macedonia… và đều được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Trong “Giao hưởng trữ tình” có sự chiêm nghiệm đặc biệt về cuộc sống mà chỉ những con người đã đi qua gần một thế kỷ, với nhiều giai đoạn sống mới nếm trải và thu nhận được. Hy vọng sẽ sớm được thưởng thức “Giao hưởng trữ tình” vang lên đầy tha thiết và tự hào ở Việt Nam.

Người nghe nhạc trong khán phòng Nhà hát lớn chiều 2/9 bồi hồi xúc động, nán lại mãi ngoài cửa khán phòng để gặp và cám ơn BTC. Bởi vì những thanh âm hùng tráng của “Việt Nam muôn năm” và “Điều còn mãi”, không chỉ ngợi ca thành quả Cách mạng một thời mà gắn liền với những đổi thay, chuyển biến của thời đại và đất nước, thúc giục tinh thần đi tới, cho hôm nay và cho mai sau.

Hòa Bình
Theo Vietnamnet

Từ khóa: