Sự kiện hot
13 năm trước

Việt Nam nỗ lực xây ASEAN vững mạnh

Bộ trưởng Ngoại giao chắc chắn rằng, với nỗ lực và quyết tâm của tất cả các nước thành viên, mục tiêu xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết chặt chẽ sẽ nằm trong tầm tay, để người dân Việt Nam và các dân tộc ở khu vực luôn được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Bộ trưởng Ngoại giao chắc chắn rằng, với nỗ lực và quyết tâm của tất cả các nước thành viên, mục tiêu xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết chặt chẽ sẽ nằm trong tầm tay, để người dân Việt Nam và các dân tộc ở khu vực luôn được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Nhân kỷ niệm 44 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (8/8/1967 - 8/8/2011), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết nhan đề "Chủ động, tích cực, có trách nhiệm vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thịnh vượng".

Dantin.vn trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:

"Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm tròn 44 năm thành lập vào ngày 8 tháng 8 năm 2011. Quá trình hình thành và lớn mạnh của ASEAN hơn 4 thập kỷ qua là câu chuyện đáng trân trọng về nỗ lực vươn lên của một nhóm các quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á, vượt qua những rào cản cùng không ít thăng trầm của lịch sử, trở thành một trong những tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, với những đóng góp quan trọng được ghi nhận cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Sau 44 năm, ASEAN đang bước vào thời kỳ quan trọng và quyết định để chuyển sang một giai đoạn mới: trở thành một Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh liên kết, gắn bó về các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội vào năm 2015. Đây là bước phát triển cao hơn trên chặng đường hợp tác và liên kết của ASEAN hơn 4 thập kỷ qua, vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, mở rộng hợp tác quốc tế và ngày càng có vai trò và vị thế ở khu vực và trên thế giới.

ASEAN trong giai đoạn nước rút hướng tới Cộng đồng

ASEAN thực sự quyết tâm hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng vào ngày 1/1/2015. Đây chính là giai đoạn bản lề trong khi thời gian còn lại không nhiều, cùng với không ít thách thức đặt ra cho ASEAN. Khối lượng công việc đồ sộ đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, với hơn 800 đầu việc ưu tiên trên cả 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội.

Chính trong giai đoạn quan trọng này, trong hơn hai năm qua, ASEAN hơn bao giờ hết đã dành quyết tâm ở mức cao nhất thực hiện Lộ trình đã được đề ra, với tiêu chí là dành ưu tiên và nguồn lực cao để biến tầm nhìn thành hiện thực, nhấn mạnh yếu tố thực thi và đảm bảo triển khai nghiêm túc các chương trình, kế hoạch công tác, áp dụng các cơ chế theo dõi giám sát và đánh giá định kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN Hiệp hội đồng thời cũng đẩy mạnh hợp tác cả trong nội khối cũng như với các Đối tác nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu đang đặt ra như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, phục hồi sau khủng hoảng...

Những cam kết chính trị của Lãnh đạo cấp cao ASEAN liên tục trong những năm gần đây về ứng phó biến đổi khí hậu là một ví dụ. ASEAN cũng đang khẩn trương triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN nhằm tăng cường kết nối ở khu vực cả về hạ tầng, thể chế và con người để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng và hướng tới kết nối rộng hơn ở khu vực Đông Á.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực

Quan hệ đối ngoại của ASEAN, nhất là với 10 bên Đối tác chính đã không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, được nâng cấp thành đối tác chiến lược hoặc hợp tác toàn diện.

Những hệ thống chuẩn mực ứng xử do ASEAN thiết lập, nhất là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) đến nay đã được 27 nước trong và ngoài khu vực, trong đó có các nước lớn, chấp nhận tham gia, đưa TAC trở thành Bộ quy tắc ứng xử chung ở khu vực. Các công cụ thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực khác như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) đang tiếp tục được đề cao và phát huy tác dụng. Thông qua những nỗ lực kể trên, ASEAN đã khẳng định được vai trò một nhân tố quan trọng gắn kết các lợi ích đan xen, là động lực của các tiến trình đối thoại và hợp tác ở khu vực.

Trước bối cảnh mới ở khu vực, ASEAN đã lựa chọn cách tiếp cận năng động để duy trì vai trò và giá trị riêng của mình. Đáng kể đến là việc đổi mới và làm sinh động hơn các khuôn khổ hợp tác khu vực do chính ASEAN khởi xướng, trong đó có mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM); làm phong phú nội dung thảo luận của các diễn đàn ASEAN+1, ASEAN+3, ARF... qua đó, nâng cao giá trị và sức thu hút của các diễn đàn này.

Theo đó, ASEAN đang phát huy vai trò đóng góp tích cực, chủ động của mình vào việc xây dựng cấu trúc khu vực, dựa trên cơ sở kết hợp và phát huy các diễn đàn hiện có, với ASEAN ở vị trí trung tâm, cùng phấn đấu vì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Một Việt Nam tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong ASEAN

Tham gia ASEAN 16 năm, Việt Nam chủ trương một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết chặt chẽ là lợi ích chiến lược, lâu dài của Việt Nam, đã và sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho tất cả các nước thành viên. Do đó, Việt Nam đã nỗ lực hết mình đóng góp cho sự phát triển và lớn mạnh của Hiệp hội.

Trong quá trình đó, Việt Nam đã luôn đóng góp tích cực vào việc tăng cường đoàn kết, cũng như trong quá trình định hướng, ra quyết sách và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN ngay từ giai đoạn đầu.

Quá trình hình thành và triển khai các văn kiện quan trọng như Chương trình Hành động Viên-chăn (VAP) giai đoạn 2004 - 2009, Hiến chương ASEAN, các Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác Thu hẹp khoảng cách phát triển ASEAN (IAI) trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009 - 2015, cũng như những quyết sách quan trọng khác của ASEAN đều có dấu ấn đóng góp đậm nét của Việt Nam.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 trong bối cảnh Hiệp hội bước vào giai đoạn bản lề 5 năm hướng tới mục tiêu hoàn thành Cộng đồng ASEAN vào 2015, Việt Nam đã chủ động tham vấn và đề xuất trúng các định hướng ưu tiên cho ASEAN là: tập trung đề cao yếu tố thực thi, biến tầm nhìn thành hành động, quyết tâm triển khai hiệu quả và đúng tiến độ các kế hoạch đã đề ra trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các Đối tác, đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nâng cao năng lực chung của Hiệp hội ứng phó với các thách thức đang nổi lên.

Thành công của các Hội nghị quan trọng của ASEAN do Việt Nam chủ trì trong năm 2010 như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 (tháng 4/2010), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan (tháng 7/2010), Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Cấp cao liên quan (tháng 10/2010) đã tạo bước đà quan trọng giúp ASEAN đẩy mạnh hành động trên cả 3 nội dung ưu tiên nêu trên, qua đó, thiết thực cụ thể hóa tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN.

Đáng chú ý là, với vai trò và đóng góp tích cực của nước Chủ tịch Việt Nam, nhiều quyết sách chiến lược quan trọng của ASEAN đã được thông qua trong năm 2010, như Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN; các Tuyên bố về Tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế và về Ứng phó biến đổi khí hậu; quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) và mời Nga và Mỹ tham gia; khởi động cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với 8 Đối tác bên ngoài; nâng cấp quan hệ Đối tác giữa ASEAN và Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược và định hướng quan hệ với Mỹ lên tầm chiến lược, hoàn tất việc Canada và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) cũng như tạo điều kiện để Liên minh châu Âu (EU) sớm tham gia TAC…

Mặt khác, là Chủ tịch, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các nước nhằm củng cố và tăng cường các nguyên tắc, quy chế và phương cách hoạt động của ASEAN; tăng cường đoàn kết, thúc đẩy giải quyết bất đồng giữa các nước thành viên bằng đối thoại hòa bình, trên tinh thần hữu nghị và Hiến chương ASEAN.

Những kết quả quan trọng kể trên một mặt giúp ASEAN củng cố đoàn kết và tăng cường hợp tác, liên kết, góp phần vượt qua thời kỳ khó khăn chung của khu vực sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bảo đảm tiếp tục triển khai xây dựng cộng đồng và các mục tiêu đã đề ra theo đúng lộ trình. Qua đó, ASEAN đã chứng tỏ sự năng động và linh hoạt của mình trong việc thích ứng với những biến động mới của tình hình, giữ vững vai trò trung tâm của Hiệp hội ở khu vực.

Thành tựu của hơn một thập kỷ rưỡi tham gia ASEAN và nhất là thành công của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 xuất phát từ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, trong đó, coi trọng hợp tác ASEAN, với phương châm “chủ động, tích cực, trách nhiệm”.

ASEAN đã và sẽ tiếp tục có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với môi trường an ninh và ổn định của đất nước ta. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã tiếp tục khẳng định rõ: “Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN ở khu vực cũng như trên trường quốc tế”.

Trên tinh thần đó, trong giai đoạn từ nay đến 2015, điểm đến của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ tập trung vào các ưu tiên chính sau:

Thứ nhất, chủ động cùng ASEAN thúc đẩy và đề xuất những phương hướng và quyết sách đúng đắn nhằm củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác và liên kết khu vực; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, qua đó, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình đối thoại và hợp tác hiện có cũng như trong cấu trúc đang định hình ở khu vực.

Thứ hai, tích cực đề cao vai trò quan trọng của ASEAN trong việc đẩy mạnh đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục phát huy vai trò và giá trị của các công cụ, cơ chế đảm bảo hòa bình và an ninh hiện có, đồng thời củng cố và hoàn thiện những chuẩn mực ứng xử chung nhằm tạo dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Thứ ba, dành quan tâm và nguồn lực thích đáng thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các thỏa thuận và cam kết trong Lộ trình hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra hiệu quả và đúng thời hạn; cùng ASEAN nỗ lực giải quyết và ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.

Cuối cùng, để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, trên tinh thần chủ trương chung đã được Lãnh đạo cấp cao xác định, chúng ta cần có sự quán triệt và nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của ASEAN trong các Bộ, ngành, cơ quan và cán bộ liên quan, những người đã và đang trực tiếp tham gia vào các hoạt động hợp tác ASEAN. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền, quảng bá về ASEAN trong các tầng lớp nhân dân, đưa những lợi ích của hợp tác và liên kết ASEAN đến gần hơn với người dân.

Chắc chắn rằng, với nỗ lực và quyết tâm của tất cả các nước thành viên, mục tiêu xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết chặt chẽ sẽ nằm trong tầm tay, để người dân Việt Nam và các dân tộc ở khu vực luôn được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Dân tin
Theo TTXVN

Từ khóa: