Sự kiện hot
8 năm trước

Vĩnh Phúc: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát sỏi

Được biết, từ nhiều năm trước, hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rất hỗn loạn đặc biệt trên tuyến sông Lô.

Bởi sông Lô chứa đựng nguồn vật liệu xây dựng quan trọng cung cấp cho hầu hết các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng... Do đó, việc khai thác cát sỏi trái phép (cát tặc) diễn ra thường xuyên. Cùng với đó, tình trạng vi phạm pháp luật cũng có nhiều diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng gồm những thành phần phức tạp, tập trung nhiều đối tượng giang hồ cộm cán, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm để đối phó với các cơ quan chức năng. "Cát tặc" đã làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, trật tự an toàn giao thông, đê điều, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

 


Khu vực mỏ cát trên sông Lô thuộc xã Tứ Yên, huyện Sông Lô

 

Để chấn chỉnh tình trạng đó, từ năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khai thác cát sỏi. Theo đó, các sở ban ngành và địa phương liên quan phải tăng cường công tác truyên truyền pháp luật và phối hợp kiểm soát có hiệu quả hoạt động khai thác này. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc (Sở TNMT) chịu trách nhiệm rà soát, khoanh vùng các khu vực có cát sỏi để tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép cho các đơn vị khai thác để họ tự quản lý nguồn tài nguyên và kịp thời thông tin những vi phạm cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cương quyết xử lý nghiêm những đơn vị được cấp phép vi phạm các quy định của nhà nước...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TNMT đã chủ động triển khai lực lượng kết hợp với các lực lượng chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực có tài nguyên. Tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc các giải pháp quản lý và trực tiếp kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát sỏi.

Theo báo cáo của Sở TNMT thì trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tuyến sông chảy qua là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy với tổng chiều dài là 95km. Trên các tuyến sông trên đều chứa đựng trữ lượng lớn cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông dụng. Hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp 23 giấy phép khai thác và 05 giấy phép thăm dò cho các đơn vị. Ngoài ra, còn có 04 đơn vị thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án nạo vét, duy tu luồng. Theo đó, trên tuyến sông Lô có 12 giấy phép được cấp cho 08 đơn vị khai thác với tổng diện tích 225,956ha, trữ lượng 5.917.941m3; 01 giấy phép thăm dò với diện tích 10,12ha; 04 dự án nạo vét, duy tu luồng. Trên tuyến sông Hồng có 11 giấy phép được cấp cho 10 đơn vị khai thác với tổng diện tích 277,672ha, trữ lượng 10.284.495m2; 02 giấy phép thăm dò với tổng diện tích 23,6ha. Trên tuyến sông Phó Đáy chưa có đơn vị được cấp phép khai thác chỉ có 02 đơn vị được cấp phép thăm dò với tổng diện tích lên đến 73,96ha.

Các khu vực cấp phép hoạt động khoán sản trên đều nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát sỏi đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt. Sở TNMT đã hướng dẫn 100% các đơn vị khai thác thuộc đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Hiện đã có 23/23 tổng số giấy phép của các đơn vị đã lập hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đã được phê duyệt, tổng số tiền các đơn vị đã nộp là hơn 27 tỷ đồng, trong đó các đơn vị đã nộp vào ngân sách nhà nước hơn 23 tỷ đồng. Đối với các đơn vị nạo vét, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các đơn vị với số tiền là 1,9 tỷ đồng và đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 1,6 tỷ đồng. Đến nay, đã có 12 đơn vị đã tiến hành ký qũy tại Quỹ bảo vệ môi trường với số tiền hơn 5 tỷ đồng, các đơn vị còn lại đang chờ phê duyệt.

Về công tác thanh, kiểm tra, Sở TNMT đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi, phát hiện các vi phạm và kiến nghị xử lý thu hồi hơn 3 tỷ đồng tiền thuế và xử phạm hành chính gần 500 triệu đồng.Từ năm 2012, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trên tuyến sông Lô có diễn biến phức tạp về an ninh trật tự do một số đối tượng khai thác trái phép hoạt động, do một số hộ dân cản trở các đơn vị khai thác được cấp phép và do các đơn vị nạo vét có sự chồng lấn phạm vi khai thác với các đơn vị được cấp phép. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TNMT đã chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội nghị họp bàn để thống nhất các giải pháp xử lý. Từ 2014  đến nay, lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện, bắt giữ 26 vụ khai thác cát sỏi trái phép, đã xử lý hành chính 19 vụ với 22 đối tượng, tịch thu hơn 10 phương tiện tầu, thuyền, công nông, bàn giao cho Công an Hà Nội, Công an Phú Thọ điều tra giải quyết 05 vụ.

Do sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tục nhận được thông tin của một số người dân phản ánh về tình trạng hỗn loạn trong khai thác cát sỏi. Ngay khi nhận được phản ánh, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc xác minh, làm rõ.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Phúc Dương, Phó Trưởng Phòng TNMT huyện Sông Lô cho biết: Những thông tin một số công dân phản ánh đến lãnh đạo tỉnh là hoàn toàn sai lệch. Do bị ngăn chặn, các đối tượng cát tặc đã xúi giục, kích động một số công dân quá khích chống đối việc khai thác phản ánh đến lãnh đạo tỉnh những thông tin sai lệch, không đúng thực tế về tình hình khai thác cát sỏi gây ảnh hưởng không tốt đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên địa bàn.

 


Ông Trần Minh Dương, Trưởng Phòng khoáng sản Sở TN&MT Vĩnh Phúc

 

Về công tác quản lý, kiểm soát, ông Trần Minh Dương, Trưởng Phòng Khoáng sản - Sở TNMT cho biết: Hiện việc quản lý hoạt động khai thác cát sỏi của Sở TNMT còn gặp nhiều khó khăn như: Lực lượng cán bộ trong biên chế và trang thiết bị phương tiện cần thiết còn thiếu, chưa có sự phối hợp của các đơn vị quản lý các dự án nạo vét luồng đường thuỷ. Mặt khác, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau rất khó trong công tác phối hợp.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần quan tâm kiến nghị Bộ GTVT và các ngành liên quan có cơ chế phối hợp quản lý tốt hoạt động nạo vét luồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan của tỉnh, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải có sự phối chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt việc quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn đảm khai thác tài nguyên đúng pháp luật, hiệu quả, bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và cuộc sống bình yêu cho nhân dân.

theo Công lý

Từ khóa: