Sự kiện hot
10 năm trước

“Vỡ rạp” vì Chuyện tình Khau Vai

Với 4 đêm diễn ở Nhà hát Cải lương, “Chuyện tình Khau Vai” làm không ít người bất ngờ bởi lâu lắm rồi mới có một vở diễn chật cứng khán giả đến thế. Rất nhiều khán giả phải ngồi bệt xuống sàn, thậm thí phải đứng, nhưng tuyệt nhiên không ai bỏ về giữa chừng.


Một cảnh trong vở “Chuyện tình Khau Vai”. Ảnh: T.Hà.

Chuyện tình lay động lòng người

Những ai từng không còn hứng thú với nghệ thuật cải lương, ắt sẽ phải nghĩ lại với “Chuyện tình Khau Vai” khi nó khiến khán giả có cái nhìn khác về cải lương. Không lê thê, sướt mướt mà mang đậm hơi thở thời cuộc.

Vở diễn khắc họa lại truyền thuyết về cô Ba, chàng Út ở Khau Vai- Hà Giang cách đây hàng trăm năm. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một của tộc trưởng người Giáy. Hai người gặp nhau trong một tình huống “anh hùng cứu mỹ nhân” rồi yêu nhau tha thiết. Nhưng do khác biệt dân tộc và địa vị (con tộc trưởng chỉ được lấy người trong nội tộc), họ bị gia đình tộc trưởng ngăn cản quyết liệt. Không chấp nhận sự sắp đặt, họ cùng nhau trốn lên núi Khau Vai sống và có những ngày tháng tươi đẹp ngắn ngủi. Từ đây mối oán hận giữa hai dòng họ được đẩy lên thành cuộc chiến giữa hai bản làng. Không muốn dân bản tàn sát lẫn nhau, chàng Ba và nàng Út đành phải trở về bản làng, hẹn thề sang năm sẽ lại gặp nhau tại Khau Vai. Nhưng trước âm mưu hèn hạ của Cố Sầu - người được tộc trưởng tin tưởng nhưng luôn ấp ủ tham vọng chiếm quyền, người Nùng bị ghép tội sát hại tộc trưởng, nàng Út đành phải làm vợ Cố Sầu để xóa đi mối thâm thù giữa hai làng. Nhớ lời hẹn, một năm sau, nàng Út trốn lên điểm hò hẹn để gặp chàng Ba. Chàng Ba đến muộn khiến nàng Út tưởng chàng quên lời hẹn ước nên đã tự sát. Từ đó cho đến khi chết đi, năm nào chàng Ba cũng một mình lên đỉnh Khau Vai để tìm lại kỷ niệm năm xưa với người yêu. Mối tình sắt son của họ đã đi vào lịch sử, trở thành nơi hò hẹn của các đôi trai gái yêu nhau không đến được với nhau.

Như trong bài thơ “Chuyện tình Khau Vai”- cảm hứng để kịch bản văn học ra đời - của tác giả Nguyễn Thế Kỷ: “Số phận có chiều ai đâu/Đường đời rẽ về lắm ngả/Khau Vai, người nhân hậu quá/Nâng niu góc nhỏ âm thầm”. Không nơi đâu như ở Khau Vai, các đôi trai gái yêu nhau không đến được với nhau hàng năm lại về “chợ tình” để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mình. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình, để rồi sau đó họ lại sống với cuộc sống đời thường như một nét văn hoá đẹp.

Triết lý nhân sinh, thời cuộc

Tác giả phải đứng để nhường chỗ cho khán giả

“Tôi không ngờ, một người bận rộn với vai trò quản lý như anh Nguyễn Thế Kỷ (hiện là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - PV) lại có một tác phẩm giàu chất thơ đến thế. Lời ca lung linh, giàu hình ảnh và âm thanh nên khi vào cải lương rất hợp, hầu như tôi không mất nhiều công sức để chuyển thể… Khi công diễn ở Nhà hát, khán giả chật kín đến nỗi tôi và anh cũng phải đứng để nhường chỗ cho khách”(Đạo diễn Trung Kiên)

Dựng vở “Chuyện tình Khau Vai” là một lợi thế nhưng đồng thời cũng là một thách thức với đạo diễn Triệu Trung Kiên. Lợi thế vì câu chuyện vốn dĩ đã nổi tiếng, dễ gây sức hút cho khán giả. Song điều đó cũng chính là sức ép, bởi nó không tránh được sự so sánh với tích xưa. Nhưng với phiên bản cải lương, ngay cả những người đã từng đến chợ tình Khau Vai hẳn cũng phải ngạc nhiên, bất ngờ với những tình tiết trong vở diễn. Xen kẽ câu chuyện tương truyền về tình yêu của chàng Ba và nàng Út còn có những tình tiết mang màu sắc thần thoại, đó là hình ảnh ông già mù có khả năng nhìn thấu thời cuộc, luôn xuất hiện bên chàng Ba trong những giây phút nguy khốn. Nhờ đó mà nàng Út đã 2 lần được cứu sống, dân làng hai bên cũng được sống lại nhờ vào câu thần chú nhiệm màu ông truyền cho chàng Ba. Nhưng đến lần thứ 3 thì thần chú hết tác dụng với nàng Út. Dường như, tác giả muốn chuyển tải một thông điệp rằng, trong tình yêu, cái chết không có nghĩa là kết thúc. Ngược lại, nó là sự hồi sinh cho những giá trị lớn lao hơn về tình người. Nhờ đó mà sự thù hận dòng họ Nùng-Giáy đã ngưng lại, nhờ đó mà các đôi trai gái biết trân quý và yêu thương nhau hơn.

Vẫn là câu chuyện tình quen thuộc nhưng đạo diễn Triệu Trung Kiên đã nói được vấn đề mang tính muôn thuở không của riêng người Nùng, người Giáy. Chàng Ba và nàng Út gặp bất hạnh này đến bất hạnh khác lại luôn có được niềm tin sống: “... đến tìm em cầu mong em hạnh phúc/Để đưa em về bản xưa rồi đây sẽ khác/Lũ tham quan độc ác rồi sẽ bị diệt trừ/Rừng Đồng Văn rồi sẽ bớt âm u/Dòng Nho Quế lại xanh như áo mẹ...”.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết, anh biết đến kịch bản “Chuyện tình Khau Vai” từ cuối năm 2012 và ngay lập tức bị cuốn hút bởi câu chuyện trong đó. Sau khi tiếp nhận kịch bản, để có thêm tư liệu và cảm xúc, anh đã có chuyến đi lên Hà Giang thăm “miếu Bà” và “miếu Ông” - nơi được nhân dân tương truyền lập đền thờ chàng Ba - nàng Út, anh đã có được cảm xúc trọn vẹn để dựng tác phẩm đúng như mong muốn.

Ngoài phần kịch bản được đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết là “rất mạch lạc, rõ ràng” còn phải kể đến phần âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Đài rất xúc động. Lời hát da diết, nồng nàn của ca sĩ Mai Hoa cũng góp phần nâng đỡ những cảm xúc của khán giả lên cao trào. Duy chỉ một chi tiết nhỏ trong phần cuối của vở diễn có phần bị “lạc tông”. Đó là khi nàng Út vừa tự vẫn, âm nhạc đang rất truyền cảm thì chi tiết một diễn viên nhí trong vai chú khỉ lại làm phá vỡ không khí xúc động bằng hành động gây cười...

Thanh Hà
theo GĐ&XH

Từ khóa: