Sự kiện hot
10 năm trước

Vụ 14.000 điện thoại bị nghe lén: Chưa phát hiện thông tin liên quan đến an ninh quốc gia

Chiều ngày 1/7, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC 45), Công an TP Hà Nội cho biết, từ tháng 6/2013, Công ty TNHH Việt Hồng đã thu lợi bất chính khoảng 700 triệu đồng từ việc cung cấp dịch vụ nghe lén điện thoại di động bằng phần mềm Ptracker.


Đại tá Dương Văn Giáp thông tin với báo chí. Ảnh: Thảo Nguyên

Trong số 14.140 tài khoản (không phải là số điện thoại di động) đã bị sử dụng phần mềm nghe lén, hiện còn lưu giữ thông tin của 7.447 tài khoản trên máy chủ, còn 670 tài khoản đang trong thời hạn sử dụng.

Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố 4 bị can, bắt tạm giam (3 tháng) đối với 3 bị can là Nguyễn Việt Hùng (Phó Giám đốc), Lê Thanh Lâm (Trưởng phòng Kỹ thuật), Trần Minh Ngọc (nhân viên hỗ trợ khách hàng), trừ bị can Nguyễn Thị Nga (nhân viên tư vấn, hỗ trợ văn phòng) được tại ngoại do đang mang thai. 

Nếu có tài liệu chứng minh Giám đốc Công ty Việt Hồng có liên quan đến vụ án, Cơ quan Công an sẽ tiếp tục khởi tố.

Trong vụ việc này, Công an TP xác định có 2 nhóm đối tượng gồm Phó Giám đốc và một số nhân viên của Công ty Việt Hồng vi phạm Điều 226 Bộ luật Hình sự “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” và những đối tượng thuê sử dụng phần mềm Ptracker vi phạm Điều 125 Bộ luật Hình sự “tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”.

Công an TP sẽ tiếp tục làm rõ các cá nhân liên quan, giúp sức cho nhóm đối tượng vi phạm Điều 226 và đang phân loại, nghiên cứu, xem xét, bàn với Viện Kiểm sát nhân dân TP tìm đường lối xử lý nhóm đối tượng thuê cài đặt phần mềm này.

Ông Dương Văn Giáp nhấn mạnh, không cơ quan nào được phép nghe lén, thu thập thông tin cá nhân, trừ các trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép của các cơ quan chuyên ngành. Hiện, Cơ quan Công an đang trích dữ liệu từ máy chủ để xác minh và đến nay “phần lớn thông tin liên quan đến đời tư cá nhân, chưa có nội dung nào liên quan đến an ninh quốc gia, tính mạng cá nhân”, ông Giáp nói.

Tuy nhiên, Công an TP; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) vẫn cần thời gian làm rõ các thông tin này. Cơ quan Công an cũng tính toán, xin ý kiến của các cơ quan chức năng để quyết định có thông báo nội dung thông tin cho các thuê bao bị nghe lén hay không vì vấn đề này liên quan đến bí mật đời sống của cá nhân liên quan.

Trả lời báo chí về việc quảng cáo tràn làn các thiết bị theo dõi, ông Giáp thừa nhận “khó kiểm soát” vì chưa có chế tài để xử lý cho nên mới có vụ án tại Công ty Việt Hồng. Bản thân Cơ quan Công an cũng không thể giải quyết được mà cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thị trường, hải quan giám sát, ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu.

Ông Giáp cho biết thêm, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo toàn lực lượng rà soát trên địa bàn các cơ sở kinh doanh điện thoại, Internet, phần mềm có dấu hiệu vi phạm, lập hồ sơ, báo cáo để xác minh và nếu khẳng định có vi phạm sẽ triệt phá ngay trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Công an TP sẽ quyết liệt để truy quét và áp dụng mọi qui định của pháp luật hình sự để xử lý những người buôn bán các thiết bị này.

Có thay sim cũng không xóa được phần mềm nghe lén

Bà Trần Minh Huệ (Phó Chánh Thanh tra Sở TTTT) cho biết, phần mềm này giám sát trên IMEI của điện thoại, không cài đặt theo sim. Chính vì vậy, có thay sim cũng không xóa được phần mềm nghe lén này. Hiện, Thanh tra Sở TTTT đang niêm phong máy chủ (Server) của Công ty Việt Hồng và phần mềm Ptracker không hoạt động được nhưng các thông tin của những điện thoại di động bị cài Ptracker vẫn sẽ được chuyển về máy chủ. Sở TTTT sẽ sớm bàn giao máy chủ cho cơ quan điều tra. “Cũng vì lý do phần mềm không cài đặt theo sim nên trách nhiệm của các nhà mạng không được đề cập đến trong vụ án này”, Chánh Thanh tra Sở TTTT nhấn mạnh.

Thảo Nguyên
theo Thanh tra

Từ khóa: