Sự kiện hot
11 năm trước

Vụ bị kỷ luật vẫn được bảo vệ tốt nghiệp cao học ở ĐH Bách Khoa: Nhiều tố cáo không đúng sự thực

Thời gian gần đây, Báo GĐ&XH nhận được phản ánh về việc tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có một học viên cao học đã bị buộc thôi học nhưng vẫn được bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Thời gian gần đây, Báo GĐ&XH nhận được phản ánh về việc tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có một học viên cao học đã bị buộc thôi học nhưng vẫn được bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Qua xác minh, chúng tôi nhận thấy có nhiều thông tin liên quan đến vụ việc này là không đúng sự thực, gây ảnh hưởng lớn đến giảng viên, học viên, sinh viên trường ĐH này.


Trường ĐH Bách Khoa đã liên tiếp gửi 2 công văn về tỉnh Hưng Yên để xác nhận và xử lý sau khi nhận tin phản hồi. Ảnh: TG

Tư liệu khoa học bị…  “hắt hủi”

Theo đó, vào đầu tháng 7/2009, học viên Nguyễn Văn Thuận bị cơ quan chủ quản là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (ĐHSPKTHY) ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Nhưng tới ngày 23/11/2009, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa vẫn ra quyết định thành lập Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ cho học viên Thuận. Cùng đó, TS Trần Hữu Nam, là một cán bộ trực thuộc, bị trường ĐH Bách Khoa cho thôi việc nhưng vẫn được giao hướng dẫn học viên Thuận.

Ông Trần Văn Tớp cho rằng, việc không công nhận học vị thạc sĩ và không cấp bằng đối với học viên Thuận là do tư cách, đạo đức học viên chứ không phải do nội dung của luận văn. Như vậy, dư luận cho rằng, cách giải quyết của lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa là hợp tình, hợp lý.

Trước thông tin nêu trên, ngày 29/5/2013, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ký quyết định số 75/QĐ-TTr xác minh nội dung tố cáo. Ngày 4/6, PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa đã ký văn bản số 344/KL-ĐHBK-HCTH gửi Thanh tra Bộ GD&ĐT báo cáo nội dung liên quan. Theo văn bản này, Trường ĐH Bách Khoa cho rằng, học viên Nguyễn Văn Thuận được trường ĐHSPKTHY cử đi học cao học tại trường ĐH Bách Khoa khóa 2007-2009. Nhà trường đã thực hiện đúng các quy định về tổ chức và quản lý đào tạo sau đại học của Bộ GD&ĐT. Ngày 3/5/2009, học viên Nguyễn Văn Thuận nhận được quyết định giao đề tài luận văn tốt nghiệp cao học với đề tài “Mô hình hóa ứng xử siêu đàn hồi dạng vật liệu composite cột sợi” dưới sự hướng dẫn của TS Trần Hữu Nam. Tháng 10/2009, học viên đã hoàn thành luận văn và được Viện Cơ khí, Viện Sau đại học kiểm tra đủ điều kiện để bảo vệ luận văn. Ngày 23/11/2009, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa đã ký quyết định về việc thành lập Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. Hội đồng chấm luận văn họp ngày 28/11/2009 đề nghị công nhận học vị Thạc sĩ cho học viên Nguyễn Văn Thuận. Theo PGS Trần Văn Tớp, với quy trình nêu trên, nhà trường đã thực hiện đúng các quy định về tổ chức và quản lý đào tạo sau đại học của Bộ GD&ĐT.

Trước thông tin cho rằng TS Trần Hữu Nam bị Trường ĐH Bách Khoa cho thôi việc nhưng vẫn được giao hướng dẫn, GS Nguyễn Trọng Giảng- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cho rằng, rất nhiều học viên còn nhờ các tiến sĩ ở ngoài hướng dẫn. Vì vậy, khi TS Nam không còn là cán bộ của trường thì vẫn có thể hướng dẫn các học viên khi họ có nhu cầu.

Cũng theo lập luận của một số thông tin cho rằng tại sao luận văn của học viên Thuận dù không được công nhận là thạc sỹ nhưng vẫn để lưu tại thư viện Trường ĐH Bách Khoa, GS Nguyễn Trọng Giảng khẳng định: “Đó là một công trình khoa học đã được công nhận về mặt chuyên môn. Việc lưu trữ luận văn này nhằm làm tài liệu cho những học viên khác biết là đã có người nghiên cứu đề tài này. Mặt khác, nó hoàn toàn là tư liệu hữu ích cho những người quan tâm tham khảo”.

Ra quyết định hợp tình, hợp lý

Theo trường ĐH Bách Khoa, sau khi tổ chức cho học viên bảo vệ thì tháng 4/2010, nhà trường đã nhận được thông tin về việc học viên Nguyễn Văn Thuận vi phạm pháp luật, bị kỉ luật. Ngay lập tức, Trường ĐH Bách Khoa đã liên tiếp gửi 2 công văn về tỉnh Hưng Yên để xác minh thông tin trên. Theo đó, ngày 12/4/2010, PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa đã ký công văn số 2243/CV/ĐHBK-SĐH gửi Hiệu trưởng Trường ĐHSPKTHY nhằm xác minh thông tin học viên Nguyễn Văn Thuận có vi phạm và bị xử lý kỷ luật hay không? Tiếp đó vào ngày 14/4/2010, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Lương gửi công văn trực tiếp đến Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) là nơi học viên Thuận cư trú để cùng xác minh thông tin.

Về vấn đề này, ngày 14/6/2013, Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp cho biết: “Thay vì có công văn trả lời thì Trường ĐHSPKTHY lại gửi bản phô tô bản thông báo do ông Trần Trung - Hiệu trưởng trường này ký gửi Trường ĐH Bách Khoa với nội dung thông báo kỷ luật và yêu cầu hủy quyết định cử học viên Thuận đi học cao học”. Sau khi nhận được văn bản nêu trên, cùng với việc xác minh kỹ thông tin, Trường ĐH Bách Khoa đã không công nhận tốt nghiệp, không phát bằng cho học viên Thuận.

Liên quan đến công văn 339/ĐHSPKTHY-TCCB ngày 3/7/2009 do ông Trần Trung- Hiệu trưởng Trường ĐHSPKTHY ký gửi Trường ĐH Bách Khoa với nội dung thông báo kỷ luật và yêu cầu hủy quyết định cử học viên Thuận đi học cao học, GS Nguyễn Trọng Giảng khẳng định đơn vị này đã kiểm tra sổ lưu công văn đến trong giai đoạn này và thấy không hề nhận được. “Mọi công văn đến đều được ghi vào sổ lưu của các đơn vị trực thuộc trường. Có muôn vàn lý do để một công văn không đi đến nơi gửi. Chúng tôi đã cung cấp sổ lưu ghi công văn đến/đi cho Thanh tra Bộ kiểm tra. Thực tế ĐH Bách Khoa không ghi nhận việc công văn nêu trên đã đến tay trường”, GS Giảng khẳng định.

Minh Anh
theo GĐ&XH

Từ khóa: