Sự kiện hot
12 năm trước

Vụ tranh chấp 1.000 tỷ: Bà P chết bất ngờ và di chúc "biến mất"?

Trong thư, ông P- ông T.V.P (em ruột bà T.K.P), đã đưa ra nhiều tình tiết mới, chỉ ra nhiều mâu thuẫn liên quan đến cái chết bất ngờ của bà P và sự “biến mất” của tờ di chúc…

Trong thư, ông P- ông T.V.P (em ruột bà T.K.P), đã đưa ra nhiều tình tiết mới, chỉ ra nhiều mâu thuẫn liên quan đến cái chết bất ngờ của bà P và sự “biến mất” của tờ di chúc…

Ngày 15.6, một số tờ báo ở TP.HCM đã nhận được thư trình bày của ông T.V.P (em ruột bà T.K.P) - người phụ nữ qua đời đột ngột, để lại khối tài sản được đồn thổi lên đến nghìn tỷ đồng. Trong thư, ông P đã đưa ra nhiều tình tiết mới, chỉ ra nhiều mâu thuẫn liên quan đến cái chết bất ngờ của bà P và sự “biến mất” của tờ di chúc…

Theo ông T.V.P, chị ông là bà P, trú tại căn biệt thự số 110/1 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú được xây dựng trên đất đai thuộc về mẹ ông là cụ Hà Kim Liên. Do bà P sống độc thân nên cụ Liên để cho bà P quản lý giúp anh em, nếu sau này anh em ở nước ngoài về Việt Nam thì có nơi sinh sống.

Ngôi nhà đóng cửa im ỉm, “Cô gái nghìn tỷ” hiện đã ra nước ngoài

Ông P cho biết, ông nhận được điện thoại của một phụ nữ thông báo bà P mất lúc 3h30 ngày 10.3.2011, tuy nhiên ông P và gia đình cho rằng, bà P đã qua đời trước 3h và được ai đó thay quần áo, kiểm tra các số điện thoại trong danh bạ, bởi các cuộc gọi lưu trong điện thoại của bà P nhiều ngày trước đã bị xóa, không còn bất kỳ thông tin nào.

Toàn bộ dữ liệu trong máy tính xách tay của bà P cũng không còn, trong khi theo người phụ nữ giúp việc ở chung với bà P, trước khi mất, vào tối 9.3.2011, vẫn thấy bà P dùng máy tính xách tay chat với con gái nuôi là Nhi (tên thường gọi của T.H.H.L) đang du học tại Đức.

Ông P khẳng định, trong khi làm đám tang bà P, bạn thân của Nhi đã sử dụng máy tính xách tay của bà P rồi xóa hết dữ liệu. Trong đám tang bà P, rất nhiều người lạ đã xuất hiện và ở trong nhà, sau này gia đình biết là cô Nhi đã thuê vệ sỹ bảo vệ, trong khi cô này mới từ nước ngoài về có… 1 ngày.

Theo một nguồn tin khác, khi anh em của bà P đến nhà 110/1 đường Tô Hiệu sáng 10.3, két sắt duy nhất trong buồng ngủ của bà P đã bị mở toang, chỉ có giấy tờ và vài đồng bạc lẻ(?!) nhưng khi kiểm tra dưới gầm giường, gầm tủ, sàn nhà… mọi người mới phát hiện số tài sản lớn gồm các túi kim cương, hột xoàn, vòng vàng, nữ trang, ngoại tệ… được bà P cất giấu rất kỹ…

Như vậy, việc bà P mất đột ngột có thể đã được dự báo trước… Chưa hết, theo phong tục đạo Cao Đài, bà P khi mất phải được chôn cất nhưng Nhi cứ khăng khăng đòi hỏa táng theo ý nguyện của bà P.

Mâu thuẫn đẩy lên cao độ khi ngày 17.3.2011, tức 3 ngày sau đám tang bà P, Nhi đã gọi nhiều người lạ về nhà, trong đó có cả Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, yêu cầu lập vi bằng, mở két sắt của bà P. Bị gia đình phản ứng, 2 bên hẹn đến ngày 21.3 sẽ cùng chứng kiến mở két sắt để kiểm tra.

Ngày 20.3, Nhi đã yêu cầu anh em của bà P (những người từ Đức về làm đám tang) ra khỏi nhà, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Ngày 21.3, Nhi mời mọi người mở két sắt, nhưng két bị khóa, hai bên thống nhất gọi thợ khóa, mở mãi khóa không được, bất ngờ Nhi đọc mã số bí mật cho thợ… Mọi người trong gia đình ông P rất bất ngờ, tại sao Nhi nói không biết mã số khóa, rồi lại đọc chính xác mã số(!?).

Cũng tại buổi kiểm kê tài sản, gia đình ông P cho rằng, mọi việc dường như có sự liệu tính chi tiết, cuốn sổ ghi nợ, cuốn nhật ký ghi chép của bà P biến mất và đặc biệt, tờ di chúc đã không còn… Ngay cả luật sư từng bảo vệ quyền lợi cho bà P cũng khẳng định với gia đình, đã lập tờ di chúc cho bà P, nhưng nay bản di chúc ấy ở đâu, ai giữ, chưa có lời giải đáp.

Ông P cho biết thêm, chị ông vốn là một người tỷ mỷ, cẩn trọng, chu đáo, việc bà sống độc thân mà có nhiều tài sản lớn nên làm sẵn di chúc là có cơ sở, cũng bởi bà P có tới 3 người con nuôi, chỉ có Nhi được pháp luật thừa nhận. Đây là nguyên nhân 1 năm qua, gia đình ông P đã đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc và đề nghị phong tỏa tài sản của bà P để lại, tài sản được gửi trong két sắt của Sacombank nhằm làm sáng tỏ nhiều tình tiết nghi vấn.

Cũng để rõ hơn về vụ việc, phóng viên đã gặp những người sống quanh ngôi nhà 110/1 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú.

Thay mặt gia đình, ông T.V.P cho rằng, khi cô T.H.H.L được ngân hàng đồng ý cho lấy tài sản, chắc chắn tài sản, những ghi chép, chứng từ liên quan sẽ bị thất thoát, vì thế gia đình buộc phải nhờ Cơ quan điều tra CATP.HCM tiến hành các bước tố tụng, khởi tố điều tra đồng thời sẽ khởi kiện ra tòa án nếu gia đình không đạt thỏa hiệp chung với cô T.H.H.L và kiện Sacombank đã làm sai chức trách.

Theo ông P, ông là một trong hai người được gia đình cử ra quản lý toàn bộ di sản khoảng 500 tỷ đồng do bà T.K.P để lại. Hiện gia đình đã gửi toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc anh chị em ở Đức gửi tiền hùn vốn kinh doanh với bà P đi giám định ở Bộ Công an và trong thời gian sớm nhất sẽ nộp đơn khởi kiện đòi lại phần đóng góp đó.

Đại diện cho anh chị em trong gia đình bà T.K.P, ông P khẳng định, anh chị em trong gia đình không là người khởi nguồn sự tranh giành để xảy ra những chuyện không hay như ngày hôm nay. Toàn thể mọi người trong gia tộc bà P xin xác minh, nếu thật sự di sản của bà P được sử dụng vào việc từ thiện, công ích như cô T.H.H.L đã tuyên bố trước đây, gia đình hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay, ngày 12.6, T.H.H.L đã xuất cảnh sau khi lấy hết tài sản ký gửi trong két sắt ngân hàng Sacombank.

Theo An ninh Thủ đô

Từ khóa: