Sự kiện hot
13 năm trước

"Vua" côn trùng đất Bắc

Khi làng nước trồng trọt, muốn cây cối tốt tươi thì hắn lại mong cho côn trùng béo mũm mĩm, sinh sôi nảy nở...

 Khi làng nước trồng trọt, muốn cây cối tốt tươi thì hắn lại mong cho côn trùng béo mũm mĩm, sinh sôi nảy nở...
Niềm mong mỏi của ông chủ trại là một ngày nào đó, cái món trứng kiến được người ta xem là món ăn thượng hạng; kỳ đà, kỳ nhông, rết hay bò cạp sẽ được bán ồ ạt vào các hiệu thuốc Bắc; ốc sên sẽ vào được các nhà hàng sang trọng. Nhưng "vua" đang phải sống trong một nỗi dày vò là khi làng nước trồng trọt, muốn cây cối tốt tươi thì hắn lại mong cho côn trùng béo mũm mĩn, sinh sôi nảy nở...

Nông trang nằm giữa cánh đồng, giáp thị trấn Tứ Kỳ và xã Đông Kỳ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Chủ nhân nông trang là một chàng thanh niên 30 tuổi, trông rất thư sinh có tên là Nguyễn Văn Tuyên.

Trang trại... kinh dị

Người ta nói, yêu nghề nên phải giữ lấy nghề; mà nghề càng "độc" thì càng phải bí mật, như kiểu chưởng môn giữ bí kíp võ công. Vì thế, để vào được nông trang ấy, chúng tôi phải "điều đình" với Tuyên từ sáng đến tối. Trời đêm, theo chân gia chủ, chúng tôi luồn qua cái ngách nhỏ phía sau nhà, qua một rãnh nước để đến lãnh địa của những "kỳ con, dị vật". Đó là một khu trại rộng chừng 1.500m2, được xây thành hình chữ L, lợp fibrô xi măng. Chỉ có một cánh cổng nhỏ duy nhất dẫn vào.

Cổng vừa mở thì một cảm giác ghê người hiện về. Một vài tiếng lộc cộc phát ra kèm theo vài tiếng kêu the thé ngay trong ô chuồng cạnh cửa. Trại chủ cầm đèn pin chĩa vào những chiếc chuồng vuông vắn ấy. Đó là nơi ở của những con kỳ đà dài vài chục phân đến 1m. Thấy động, chúng nháo nhào tìm chỗ ẩn nấp.

Cạnh đó là một ô chuồng được đổ đầy cát, những con kỳ nhông thân hình xù xì, gai góc đang gặm nhấm thức ăn, thấy động chúng nhảy phóc lên những cành củi khô bên cạnh, thè miệng lưỡi đỏ chót ra doạ người. Hàng trăm con khác chui xuống cát lẩn trốn. Tiếp đến là nơi ở của rết.

Lật những mảnh ngói vỡ, gạch ống lên là chi chít những con rết bằng ngón tay út đến ngón tay cái béo múp, đen bóng với những cái chân tua tủa, vàng choé. Đây là lứa rết đầu tiên thả nuôi, trại chủ cũng không nắm được nó đã phát triển bao nhiêu con, có thể là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con.

Kế đó là chuồng bọ cạp với những cái đuôi phía sau cong vút sẵn sàng phóng nọc độc vào đối thủ. Trại chủ nói, loại này tham thức ăn sống nhưng lại không ăn như các loại khác. Miếng thịt sống vừa thả xuống, chúng bâu vào, ngậm chặt lấy. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ít phút sau, miếng thịt đã khô cong. Phía cuối trại là lãnh địa của dế. Dế được nuôi thả tự do, ăn uống sinh sản trong trại. Ngoài ra còn có một loại "hàng khủng" khác cũng được nuôi ở đây, đó là ốc sên và rất nhiều loại sâu. Trông chúng lổn nhổn bò trên đất, trên lá thì bất cứ ai cũng phải... sởn da gà.

Cạnh tranh là... khác biệt

Anh Tuyên "đạo diễn" món trứng kiến đãi khách

Tuyên có thể nói cả ngày về các đặc tính, quá trình phát triển, thị trường đầu ra và đặc biệt là hàm lượng dinh dưỡng, cách thưởng thức các loại côn trùng. Rết, bọ cạp hay kỳ nhông dùng làm dược liệu quý. Kỳ đà để ngâm rượu hoặc... nhậu ngay cho giòn. Rồi cà cuống từ xưa là một gia vị cao cấp nhưng đã bị quên lãng từ lâu, cần gây dựng lại. Theo vị trại chủ nhiệt huyết này, mai đây trứng kiến sẽ thành một món ăn thượng hạng trong các nhà hàng.

Nói chuyện với Tuyên, tôi bất chợt nhớ đến cha đẻ thuyết cạnh tranh Michael Porter từng 2 lần sang Việt Nam với những tuyên ngôn đại khái "cạnh tranh là khác biệt" hay "khác biệt hay là chết". Và với Tuyên, anh chỉ diễn giải một cách đơn giản là nuôi côn trùng lạ, động vật quý hiếm là để "xí phần", kiếm chỗ ở một mảnh đất mới chưa ai khai phá.

Và vì mảnh đất mới nên Tuyên không muốn cho ai biết, phải giấu kín, càng kín càng tốt. Như đã nói, để vào thăm trại, chúng tôi đã phải điều đình với Tuyên từ sáng đến tối. Tuyên bảo, anh giấu nghề không có nghĩa anh là người ích kỷ. Bài học từ con dế đã khiến Tuyên quyết định giấu nhẹm những việc mình đang làm.

Theo Tuyên, khi anh thành công với nghề nuôi dế cũng là lúc các chủ trại khắp nơi ồ ạt nuôi theo. Bởi thế, giá trị của con dế đã xuống dốc một cách thảm hại. Dế đổ cho lợn cũng chẳng được, phải đốt, phải đào hố chôn sống. Đông người nuôi, là kéo nhau cùng tự sát.

"Mỗi người nên tự chọn cho mình một đường đi. Đi trước đến trước, đi sau đến sau, nhưng trâu chậm thì uống nước đục, vậy nên phải có nhiều hướng đi khác nhau để cùng đến đích. Đó mới là mong muốn của tôi, chính thế tôi phải cố giấu nghề" - Tuyên quả quyết như vậy.

Chuyện đời của "vua"


Chuyện đời của trại chủ cũng phức tạp và kỳ dị như cái trang trại này. Sinh ra trong gia đình đông anh em, bố mẹ cày cuốc chạy bữa lo cho các con ăn học. Tuyên là em út nhưng vẫn phải gánh vác sự vất vả của gia đình. Học hết phổ thông, đi thi mấy lần không đỗ đại học, Tuyên đeo đuổi tham vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê nhà bằng cách vay tiền, lập trại nuôi gà.

Nhưng trời không thương chàng trai có chí, gà nuôi chết như rạ vì dịch bệnh, giá gà lên xuống thất thường. Chán nản, Tuyên đi làm phụ hồ cho các thầu xây dựng trong vùng, vừa làm vừa ôn thi.

Cuối cùng, Tuyên cũng đỗ vào Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, khoa Thể dục thể thao. Gia đình không khá giả nên Tuyên phải lăn lộn, nhiều lần theo các xe hàng đi Lạng Sơn, Móng Cái "đánh hàng" Trung Quốc về bán, kiếm tiền trang trải học hành. Và, cuối cùng Tuyên cũng thoả nguyện với giấc mơ... giáo làng khi kiếm được một chân giáo viên thể dục ở trường tiểu học.

Nhưng cái máu làm ăn của ông giáo trẻ chưa chịu dừng lại. Khi phong trào nuôi dế đang lên, anh lập trại nuôi dế. Rồi dế lại chết hàng loạt vì dịch bệnh. Mãi đến năm 2008, anh mới nuôi dế thành công và hiện sở hữu trại dế lớn nhất nhì tỉnh Hải Dương với thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Khi thấy nuôi dế không còn là mảnh đất màu mỡ nữa, Tuyên lại dấn sâu vào việc nuôi, chăm bẵm những loại côn trùng khác.

Anh lặn lội vào Nam kết giao với những trại nuôi kỳ đà, kỳ nhông để học hỏi, rồi diện kiến "vua bọ cạp" Quang Huy ở Thủ Đức, TP.HCM để đưa giống ra Bắc. Rồi đến rết, ốc sên, sâu và cả cà cuống nữa... Mỗi con giống đưa vào trại là một con đường gian khổ. Tuyên nhiều lần bị bọ cạp, rết chích vào tay khi mới vào nghề (bây giờ thì mọi việc đã dễ như bỡn). Ở đất Bắc này không ai dám ăn ốc sên thì anh đã lặn lội đi bắt ốc sên để ăn thử.

"Ở Pháp là đặc sản, ở miền Nam người ta cũng ăn, không lý gì mình không ăn được. Ốc sên có vỏ ăn tốt, chỉ có ốc sên "ma" vỏ trần, mình đen nhiều nhớt ăn là bị sán não thôi" - Tuyên nói.

Ngoài các loại kỳ con, dị vật trong trại, Tuyên vừa khai phá một lĩnh vực mới, đó là nuôi kiến lấy trứng để ăn thử trong nhà. Không dừng lại ở đó, Tuyên đã và đang xây dựng cho mình một chương trình công phu là sản xuất tinh dầu cà cuống. Với đà này, có thể một ngày không xa nữa, Tuyên sẽ xứng đáng với danh xưng "vua côn trùng" đất Bắc.

Bảo An (theo Giadinh)

Từ khóa: