Sự kiện hot
10 năm trước

Xẩm “Tiễu trừ cướp biển” gây ngạc nhiên cho người xem

Dantin - Sáng 26/7, tại đình Kim Liên, buổi ra mắt MV “Tiễu trừ cướp biển” đã thu hút sự tham gia của rất đông những người yêu xẩm từ trẻ tới già.

  

Mục đích chính của MV “Tiễu trừ cướp biển” chủ yếu nhằm phê phán hành động ngang ngược của Trung Quốc qua việc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam trong thời gian qua. Hành động này được ví là "cướp biển" cần phải dẹp trừ.

 

MV “Tiễu trừ cướp biển” mang một trong những sứ mệnh của hát xẩm là phản ánh những vấn đề được xã hội đương thời quan tâm. Chính vì vậy thời điểm này thể hiện tình yêu biển đảo trên một làn điệu xẩm rất phù hợp là Xẩm Sai.

 

Sai có nguồn gốc từ trong âm nhạc của các thầy cúng. Sai có nghĩa là sai khiến, điều khiển âm binh giúp trừ tà ma hắc ám để mang lại sự bình yên cho đời sống. Hát Sai được khai thác trở thành một làn điệu trong hát xẩm từ trên dưới 1 thế kỷ, nhưng lại rất ít được sử dụng, song mỗi lần sử dụng lại ở những thời điểm quan trọng của đất nước hoặc thời điểm xã hội bức bối hay nói về một vấn đề nào đó được nhiều người quan tâm.

 

Đây có thể coi là phiên bản thứ 3 của điệu sai dựa trên sáng tạo lần đầu của nghệ nhân Vũ Đức Sắc trong bài “Tiễu trừ giặc dốt”. Nhưng mỗi lần xẩm sai thức giấc là một sự sáng tạo mới về âm nhạc để phù hợp với nội dung đề tài hoặc ý tưởng âm nhạc mà người nhạc sĩ, nghệ nhân muốn thể hiện.

 

Âm nhạc được khai thác chủ yếu trong MV “Tiễu trừ cướp biển” là tiết tấu và giọng hát cá tính. 3 cá tính riêng biệt đảm nhận phần hát xướng, như đang trò chuyện với nhau về vấn đề chủ quyền biển đảo, như lên tiếng phản ứng về việc bị nước ngoài xâm phạm trắng trợn chủ quyền. Hát như nói, có lúc hát như quát, mắng, có lúc hát như à ê… Tạo sự đĩnh đạc đàng hoàng, sự hóm hỉnh dí dỏm, sự mỉa mai… cộng thêm một dàn hợp xướng nhân dân phụ họa. Tất cả tạo nên một không gian âm nhạc giống như kiểu buôn chuyện ở làng quê hết sức dân dã nhưng không kém phần lôi cuốn và hấp dẫn, “khoái” nhất với người nghe sẽ là cách nói trực diện của xẩm vào những vấn đề nhức nhối mà toàn dân quan tâm.

 

Đạo diễn âm thanh Phạm Trường Linh, từng là nghệ sĩ bộ gõ nhạc nhẹ, Phó Ban biên tập NXB Âm nhạc, người phụ trách thu âm nhiều bài xẩm cho rằng: “Đây là một sản phẩm bom tấn. Nó là một lời khẳng định xẩm vẫn còn rất hấp dẫn, hoàn toàn có thể chinh phục được người nghe, nhất là giới trẻ.”

 

Trong khi đó, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cũng cho biết ông hết sức bất ngờ trước sự sáng tạo của nhóm Xẩm Hà Thành khi đã biết gắn thứ nghệ thuật dân tộc này với câu chuyện thời sự nóng bỏng của ngày hôm nay. Đây chính là con đường ngắn nhất, gần nhất để xẩm mang hơi thở thời đại và đi vào lòng công chúng đặc biệt là đến với các bạn trẻ.

 

Được biết, việc ra mắt MV xẩm “Tiễu trừ giặc biển” được nhóm xẩm Hà Thành xem là một dấu ấn để bắt đầu một chặng đường đi mới trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật xẩm, một loại hình nghệ thuật truyền thống quá giá của dân tộc.

 

Với chặng đường mới này, nhóm xẩm quyết tâm dù sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát triển, sao cho phù hợp thời đại hiện nay, nhóm xẩm cũng sẽ hết mình để có thể đưa xẩm đến với người trẻ tuổi, đến với công chúng và có thể “sống” được trong lòng công chúng. Khi xẩm “sống” được trong đời sống, tức là xẩm đã được bảo tồn và phát triển.

 

PV

Từ khóa: