Sự kiện hot
11 năm trước

Xăng dầu sung sướng với "cây đũa thần"

Sau 3 đợt tăng giá liên tục, người tiêu dùng dài cổ chờ giảm giá xăng dầu, bất chấp hai tuần lại đây, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.

Sau 3 đợt tăng giá liên tục, người tiêu dùng dài cổ chờ giảm giá xăng dầu, bất chấp hai tuần lại đây, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.

Doanh nghiệp vẫn kêu lỗ. Cơ quan chức năng vẫn bảo điều hành đúng. Nghị định 84 dù nhiều bất cập, vẫn đang trở thành… cây đũa thần!


Giá xăng thế giới giảm nhưng giá trong nước đứng im. Ảnh: Chí Cường.

Tăng lỗ, giảm cũng… lỗ?

Tính đầu giờ chiều hôm 15/8 tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 9 giảm còn 106,21 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng chỉ còn 109,15 USD/thùng. Đó cũng là xu hướng giảm chủ đạo của giá xăng dầu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây.

Thế nhưng, theo bảng giá tính cơ sở mới nhất mà Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam công bố trên trang web của mình (hiephoixangdau.org), mức chênh lệch giữa giá bán lẻ hiện hành các mặt hàng của Petrolimex so với giá cơ sở từ 300 - 1.000 đồng/lít(?!). Trong đó, mặt hàng xăng A92 lỗ 301 đồng/lít; dầu diezel 0,05S lỗ 691 đồng/lít; dầu hỏa lỗ 1.001 đồng/lít. Riêng mặt hàng ma zút (FO) đang lãi 235 đồng/kg.

Trong khi đó, giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 30 ngày của các doanh nghiệp đầu mối qua số liệu của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam liên tục giảm. Từ ngày 16/7 đến 12/8, giá xăng RON 92 đã giảm từ 124,21 USD xuống 112,88 USD, tương đương giảm 11,33 USD/thùng (giảm 9,1%). Ngày 13/8, giá xăng A92 có tăng nhưng chỉ ở mức nhẹ là 117,16 USD/thùng.

Với các mức giá nhập khẩu trên, với cách tính chu kỳ bình quân 30 ngày, sau khi trừ đi các loại thuế phí cũng như trích quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn đang lỗ từ 300 - 1.000 đồng/lít.

Thừa nhận giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng giảm nhưng theo đại diện Petrolimex, giá cơ sở bình quân 30 ngày vẫn cao hơn giá bán lẻ hiện hành nên doanh nghiệp chưa thể giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tình trạng "Giá bình quân 30 ngày" thật sự là quá dài và có lợi cho ngành xăng dầu. Trong khi đó kinh tế thị trường biến chuyển từng ngày, từng giờ.

Dân vẫn khổ… dài dài!

Những bất cập trong quy định về điều hành giá xăng dầu của Nghị định 84 không phải đến bây giờ mới lộ rõ. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng, việc căn cứ giá bình quân 30 ngày là quá dài và không phản ánh đúng diễn biến, xu hướng giá thế giới trong thực tế, dẫn đến tình trạng "tăng nhanh, giảm chậm" trong điều hành giá xăng dầu trong nước.

Trong khoảng thời gian trung tuần tháng 6 đến nay, giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 14/6, tăng 420-430 đồng/lít; Lần thứ 2 vào ngày 28/6, tăng 360-370 đồng/lít; Lần thứ 3 vào ngày 17/7, tăng 460-470 đồng/lít.

Lý giải vấn đề giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong tuần thứ 4 của tháng 7/2013, giá xăng dầu trên thế giới đã giảm so với trước đó. Thế nhưng, quyết định tăng giảm giá xăng dầu lại phụ thuộc vào yếu tố quan trọng là giá xăng dầu bình quân 30 ngày của thế giới và nhiều yếu tố khác như: thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn xăng dầu… “Trong thời gian tới, nếu giá bình quân xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, các yếu tố khác giảm thì các doanh nghiệp phải giảm giá theo quy định của Nghị định 84”, ông Chiến cho biết. Câu trả lời vẫn là “30 ngày”, dẫu từ khi ra đời đến nay Nghị định này đã sửa 4 lần, sửa 23 điều, bổ sung 2 điều nhưng cái điều cần sửa là “30 ngày” thì vẫn… giữ nguyên(?!).

Tại cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 8 này, Bộ Công Thương công nhận Nghị định 84 hiện nay có nhiều bất cập. Ông Chiến cũng cho biết Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu thay vì những lần sửa đổi, bổ sung như trước đó và sẽ trình Chính phủ muộn nhất vào ngày 30/9. Khổ là, “trong thời gian chưa có Nghị định mới thì chúng ta vẫn phải chấp hành tuân thủ quy định của Nghị định 84 về điều chỉnh giá xăng dầu”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Điều đáng nói là  bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy đồ thị diễn biến giá xăng theo ngày, giá bình quân 10 ngày và giá bình quân 30 ngày rõ ràng rất khác biệt. Trong khi giá cập nhật theo ngày và giá bình quân 10 ngày lao dốc thì giá bình quân 30 ngày gần như đi ngang từ đợt tăng giá 17/7 tới nay.

Thế nên, dù bức xúc, người tiêu dùng vẫn phải chờ dài dài bởi đến 30/9 Nghị định thay thế mới được trình Chính phủ xem xét trước khi ban hành. Cho tới khi có văn bản pháp luật mới thay thế, người dân vẫn có thể bất ngờ nhận được thông tin tăng giá xăng dầu. Nghị định 84 vẫn là… “cây đũa thần” trong tay các doanh nghiệp đầu mối!

Hà Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: