Sự kiện hot
11 năm trước

Xẻ thịt rừng giàu trồng cao su: Dấu hiệu lợi ích nhóm

Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại các tỉnh Tây Nguyên là chủ trương đúng đắn, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại các tỉnh Tây Nguyên là chủ trương đúng đắn, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân.


Cánh rừng bạt ngàn gỗ bị "xẻ thịt," để doanh nghiệp trồng cây cao su.
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương đã vội vàng chuyển đổi mà “quên” tính kỹ đến tác động về môi trường và an ninh xã hội. Trong khi đó, cho đến nay, người dân vẫn chưa được cải thiện cuộc sống từ những dự án mới. Thậm chí, có địa phương còn phải chứng kiến cảnh hàng chục doanh nghiệp (công ty cao su) “hô biến” rừng giàu thành rừng nghèo để “xẻ thịt” gỗ rừng.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ ngày 10/9, giáo sư-tiến sỹ khoa học (GS-TSKH) Đặng Huy Huỳnh khẳng định, việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng chủ trương chuyển đổi để “xẻ thịt” gỗ rừng ở Tây Nguyên chắc chắn có lợi ích nhóm.

- Với cương vị một nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về các hệ sinh thái rừng ở Tây Nguyên, ông  đánh giá như thế nào về việc không ít cánh rừng đã và đang bị các doanh nghiệp “xẻ thịt” để trồng cao su?

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh: Rừng bị phá để trồng cao su không phải là câu chuyện mới, mà đã diễn ra nhiều năm nay. Theo tôi được biết thì trong việc này, các doanh nghiệp cứ lấy lý do chuyển đổi vì lợi ích kinh tế, nhưng thực chất là “hô biến” rừng giàu thành rừng nghèo để “xẻ thịt” gỗ rừng.

Hơn 10 năm qua, Nhà nước đã giao cho các tỉnh tự quản lý, chủ động chuyển đổi đất rừng sang phát triển cây công nghiệp. Quyết định này đồng nghĩa với việc các địa phương phải tự bảo vệ, kiểm soát doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đưa ra tiêu chí cứ dưới 100m3/ha gỗ được cho là rừng nghèo, thành thử các công ty, doanh nghiệp cứ thế xin phá để trồng các cây công nghiệp như: Cao su, càphê, điều, tiêu.

Về việc này, bản thân tôi và nhiều nhà khoa học cũng đã nhiều lần nêu ý kiến và không tán thành việc này. Nhưng vì “lực bất tong tâm” nên rừng cứ dần bị mất. Trong đó, các tỉnh có diện tích rừng bị mất nhiều nhất là Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Kon Tum và Lâm Đồng.

Cũng vì rừng bị tàn phá nhiều, nên diện tích rừng của nước ta hiện nay chỉ còn hơn 10 triệu ha, chủ yếu là rừng nghèo, thứ sinh. Riêng với rừng giàu thì chỉ còn khoảng 0,7-0,8% chứ không nhiều.

- Theo ông thì vì sao lại có chuyện nhiều doanh nghiệp lợi dụng chủ trương để “hô biến” rừng giàu thành rừng nghèo, nhằm khai thác gỗ nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều vụ bị phát hiện, xử lý.?

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh: Tôi cho rằng phải có người cho phép thì các doanh nghiệp mới dám lợi dụng việc chủ trương chuyển đổi để phá rừng. Nghĩa là, trong việc này có sự đồng thuận, ưu ái của chính quyền các cấp địa phương. Một yếu tố quan trọng khác là do công tác quản lý, kiểm soát việc chuyển đổi rừng còn lỏng lẻo, chưa có quy định rõ ràng. 

Phải khẳng định Tây Nguyên là một trong những điểm nóng về phá rừng, trong khi môi trường rừng cũng như các hệ sinh thái ở khu vực này cực kỳ quan trọng đối với con người. Thế nhưng dựa vào mục đích chuyển đổi, không ít địa phương cứ cho phép các doanh nghiệp “phù phép” để phá rừng.

Rõ ràng trong việc chuyển đổi đầy mâu thuẫn này là có chuyện phục vụ lợi ích nhóm. Còn người nghèo, người phụ thuộc vào rừng thì bị ảnh hưởng trực tiếp mà không ai để ý.

Do vậy, để trả lời câu hỏi này thực tế như thế nào thì phải hỏi ngay từ chính những dự án được cấp phép. Ví dụ như một xã ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng có tới 15 công ty trồng cao su được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Trong khi người dân và chính quyền xã nhất quyết phản đối vì diện tích rừng chuyển đổi có rừng giàu, gỗ quý và thuộc đất di tích cách mạng.

- Trước hiện trạng rừng Tây Nguyên đang dần bị thu hẹp nghiêm trọng, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn lợi dụng chủ trương để phá rừng, ông có cảnh báo gì về mối lo này?

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh: Việc chuyển đổi rừng theo kiểu tàn phá này chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trước hết là làm suy kiệt tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến các nguồn gen trong hệ đa dạng sinh học. Kế tiếp đó là sự cuồng phá bởi thiên tai, lũ lụt, ảnh hưởng về tài sản và tính mạng con người.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của tôi thì phần lớn diện tích rừng chuyển đổi sang trồng cao su ở Tây Nguyên là rừng khộp (rừng lá rụng-một hệ sinh thái rừng rất đặc trưng) được hình thành trong những điều kiện khắc nghiệt. Hơn thế, môi trường sinh trưởng của cây rừng khộp rất chậm, nhưng đồng thời cũng khó thay thế bằng cây trồng khác.

Tôi cho rằng trong việc chuyển đổi rừng sang trồng cây cao su tại vùng này, các địa phương cần phải cân nhắc kỹ. Nếu trồng cao su không thành công thì tác động xấu của việc mất rừng đến môi trường tự nhiên của vùng là rất lớn.

- Theo ông thì với kiểu chuyển đổi rừng ồ ạt như hiện nay, liệu trong những năm tới, Việt Nam có giữ được những cánh rừng nguyên sinh, rừng giàu và gỗ quý?

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh: Đây là câu hỏi chỉ có thể trả lời bằng những lời cảnh báo. Bởi nếu các địa phương cứ để doanh nghiệp phá như thế này thì vài chục năm nữa rừng ở Tây Nguyên sẽ đứng trước cảnh lâm nguy. Do vậy, chúng ta cần phải bằng mọi cách giữ những cánh rừng tự nhiên hiện nay.

- Như ông nói thì tình trạng “xẻ thịt” rừng đến nay vẫn đang là một bài toán khó. Vậy, để từng bước tháo gỡ vấn nạn này, bước tiếp theo các cơ quan chức năng cần phải làm gì?

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh: Trong việc này, Nhà nước cần quy đinh rõ trách nhiệm đối với người phê duyệt dự án đồng thời các địa phương phải làm cương quyết thì doanh nghiệp mới không dám vi phạm. Thêm nữa, các nhà lãnh đạo các cấp phải cân nhắc lợi-hại để hạn chế việc phá rừng, chuyển đổi sai mục đích.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì rừng là một lá phổi của đa loài, song cũng là “tấm rèm” chắn thiên tai hiệu quạ nhất. Vì vậy, nếu chúng ta “quên” đi một phần lợi ích trước mắt thì rừng vẫn còn, thiên nhiên sẽ không “đổ” lên tính mạng người dân; thú rừng vẫn có thể tồn tại và phát triển.

Để làm được việc này, tôi nghĩ rằng cùng với việc phải quy hoạch theo bản đồ, những khu vực cần chuyển đổi rừng trồng cây công nghiệp, các tỉnh cũng phải đưa ra bàn bạc, phân định cụ thể, đảm bảo rừng được chuyển đổi một cách hiệu quả và đảm bảo về lâu dài.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong 8 năm (từ 2005-2012), khu vự Tây Nguyên đã mất hơn 200.000 ha rừng tự nhiên, bình quân mỗi năm mất 25.700 ha rừng. Trong đó, diện tích rừng chuyển đổi sang trồng cây cao su chiếm 46,7%.

Về tiêu chí xác định và phân loại rừng giàu, rừng nghèo đối với gỗ, Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT Quy định: Rừng rất giàu có trữ lượng cây đứng trên 300 m3/ha; rừng giàu trữ lượng cây đứng từ 201-300 m3/ha; rừng trung bình trữ lượng cây đứng từ 101 - 200 m3/ha; rừng nghèo trữ lượng cây đứng từ 10 đến 100 m3/ha…

Hùng Võ
theo Vietnam+

Từ khóa: