Sự kiện hot
10 năm trước

Xung quanh việc lập 2 quận mới của Hà Nội: Tên Mỹ Đình không được chọn vì cục bộ?

Cách đây 10 năm, khi TP Hà Nội đề xuất đặt tên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, cũng đã có ý kiến phản đối vì cho rằng không thể lấy tên một xã đặt cho tên công trình mang tầm quốc gia, quốc tế. Kịch bản câu chuyện của 10 năm trước đang được lặp lại khi đề xuất lấy tên một quận mới là Mỹ Đình được cho là không xứng tầm.


Trước đây, tên Mỹ Đình của sân vận động quốc gia cũng đã từng bị phản đối. Ảnh: Chí Cường

Từng đề xuất thành lập quận Thăng Long

Trao đổi với báo chí về chủ trương điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm thành 2 quận và 23 phường ngày 3/12, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long cho biết, việc chuẩn bị thành lập quận mới của huyện Từ Liêm đã có từ nhiều năm trước. Lúc đầu, huyện Từ Liêm đề xuất tách phần địa giới đang đô thị hóa nhanh để thành lập một quận mới lấy tên là quận Thăng Long.

“Rút kinh nghiệm từ những lần thành lập các quận trước đó, chúng ta duy ý trí, dùng mệnh lệnh để thành lập các quận. Trong khi  cơ sở hạ tầng vẫn của nông thôn, tác phong, nếp sống của người dân vẫn là nông dân, chỉ sau một đêm, làng lên phố, nông dân lên thị dân, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và phát triển chung của thành phố, do đó thành phố đã quyết định không đồng tình với đề xuất của huyện Từ Liêm vào thời điểm đó”, ông Long chia sẻ. Theo ông Long, việc thành lập quận phải thuận theo tự nhiên, khi các điều kiện phát triển đáp ứng đủ khi đó mới thành lập chứ không dùng mệnh lệnh hành chính. Hiện nay, Từ Liêm đang đô thị hóa nhanh, có nhiều cơ sở đảm bảo cho một đô thị nên việc thành lập quận mới là hợp lý.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng cho biết, qua nắm bắt thông tin dư luận của người dân, đại đa số mọi người đều ủng hộ chủ trương thành lập quận mới. Người dân chỉ còn băn khoăn và có nhiều ý kiến về việc đặt tên cho 2 quận mới. Nhưng nhìn chung, ý kiến của lãnh đạo huyện, ý chí nguyện vọng của người dân qua lấy ý kiến đều muốn giữ lại tên gọi Từ Liêm cho cả 2 quận mới. Do đó, phương án đặt tên 2 quận mới là Nam Từ Liêm – Bắc Từ Liêm có lẽ khả dĩ nhất hiện nay. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết thêm: “Các quận trước đây khi thành lập có thể thay đổi tên do được ghép từ dân số và địa giới của nhiều quận, huyện khác nhau vào. Lần này hoàn toàn địa giới và dân số là của Từ Liêm”.

Cũng theo ông Phan Đăng Long, cách đây 10 năm, khi tiến hành xây sân vận động quốc gia, một số lãnh đạo của Ủy ban Thể dục thể thao cho rằng đây là công trình của Trung ương nên dự kiến đặt tên là sân vận động Olympic Quốc gia. Khi TP Hà Nội tham mưu đặt tên sân vận động là Mỹ Đình, có một số người phản đối và cho rằng không nên lấy tên một xã làm tên sân vận động mang tầm quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên cuối cùng mọi người cũng đồng ý với phương án thêm từ “Quốc gia” và có sân vận động Quốc gia Mỹ Đình như hiện nay.

Vẫn tiếp tục lấy ý kiến nhân dân

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm, sau khi hoàn thành lập 2 quận thì sẽ xây dựng mới hoàn toàn khu làm việc cho các đơn vị của một quận. Bên cạnh đó, việc thay đổi lại một số giấy tờ cá nhân của nhân dân cũng được tiến hành, ví dụ như làm lại chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… Khi làm lại các giấy tờ này, người dân phải đóng các khoản phí theo quy định của Nhà nước.

Tại buổi họp báo ngày 2/12 của Huyện ủy Từ Liêm về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận mới và 23 phường, ông Nguyễn Văn Việt (Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy) cũng thừa nhận việc đặt tên một quận mới là Mỹ Đình đã không được chọn làm phương án ưu tiên vì “các xã khác không đồng tình”. Theo ông Việt, có ý kiến đặt tên quận phía Nam của huyện là quận Mỹ Đình vì có Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, sân vận động Mỹ Đình. Hơn thế tên địa danh này cũng quen thuộc với người dân Thủ đô và cả nước, bạn bè quốc tế cũng biết đến Mỹ Đình qua các sự kiện quốc tế được tổ chức tại đây. Song qua nắm bắt dư luận, một số xã cho rằng, lấy tên một xã đặt cho quận thì các xã khác không đồng tình. Do đó, phương án tên Mỹ Đình không đưa vào làm phương án chính.

Ông Việt cho hay đã có nhiều phương án đặt tên 2 quận mới được đưa ra: quận Bắc Từ Liêm – quận Nam Từ Liêm, quận Từ Liêm – quận Mỹ Đình, quận Từ Liêm – quận Tây Thăng Long. Tuy nhiên, qua nắm bắt dư luận và tìm hiểu ý nghĩa lịch sử, huyện Từ Liêm đã ưu tiên chọn phương án quận Bắc Từ Liêm – quận Nam Từ Liêm. Cũng theo ông Việt, sáng 2/12, huyện Từ Liêm đã tổ chức lấy ý kiến các lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ. Tại buổi lấy ý kiến, có người đề nghị lấy tên 2 quận mới là Từ Liêm 1 – Từ Liêm 2 vì cho rằng, đặt tên như vậy vẫn giữ được tên truyền thống Từ Liêm và giả sử nếu sau này phát triển hơn nữa mà lại tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính thì sẽ đặt tên quận mới là Từ Liêm 3, Từ Liêm 4.

Theo ông Việt, hiện nay việc lấy ý kiến người dân vào đề án nói chung và đặt tên 2 quận mới nói riêng vẫn đang tiếp tục được tiến hành khẩn trương. “Trong trường hợp người dân không đồng tình với phương án tên 2 quận mới như đề án của huyện (Nam Từ Liêm – Bắc Từ Liêm) thì chúng tôi sẽ chọn phương án tên quận mới được nhiều người dân đồng tình nhất”, ông Việt cho hay.

Theo lộ trình dự kiến, việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận và 23 phường sẽ được thực hiện từ quý III/2014.

Ngày 2/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có ý kiến về triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm. Nhấn mạnh yêu cầu “tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính”, thành phố còn yêu cầu siết chặt quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị... không để xảy ra việc cấp đất trái thẩm quyền, mua bán, chuyến nhượng đất đai trái quy định, xây dựng trái phép, xây dựng không đúng quy hoạch. Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ tài chính, tài sản công và các nguồn lực của địa phương, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Trong quá trình thực hiện các thủ tục về điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố chỉ đạo tam dừng việc giới thiệu địa điểm, lập quy hoạch chi tiết, giao đất triển khai các dự án đầu tư mới và tổ chức đấu thầu dự án, đấu giá đất; Không quyết định đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc; Không tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ...

Lê Minh
theo GĐ&XH

Từ khóa: