Sự kiện hot
6 năm trước

‘Nhật ký’ chăm con bị nhiễm cúm A của mẹ trẻ ở Hà Nội

Ngay cả khi cầm tờ kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A, chị Thu Hà vẫn không khỏi ngỡ ngàng, bất ngờ vì cứ nghĩ, dịch vẫn còn ở… bên trời Tây.

Cả tuần gần như thức trắng vì con sốt, mẹ sốt, đến thời điểm hiện tại, người mẹ trẻ Thu Hà mới cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn một chút khi sức khỏe của con đang dần bình phục.

Chị Thu Hà cho biết, vì tâm lý chủ quan, cứ nghĩ rằng dịch cúm A đang bùng phát tận… trời Tây nhưng chị không ngờ rằng, cả chị và con đều mắc phải căn bệnh dễ lây lan này.

Chị Thu Hà tâm sự: “Cách đây một tuần, mình thấy sốt cao, người nóng ran, rét run, cơ bắp mỏi nhừ, đầu như có người lấy búa đập vào, họng đau rát, mình chỉ nghĩ bị viêm họng nên uống kháng sinh, may mà mình là người lớn có sức đề kháng nên cuối cùng cũng đỡ, bởi thực ra kháng sinh không có tác dụng”.

Chị Thu Hà là mẹ của bé gái vừa được điều trị cúm A tại Bệnh viện Nhiệt đới.

Chị Hà kể lại, chị bị sốt đến ngày thứ 2 thì con chị bị sốt rất cao khoảng 39 – 41 độ. Mặc dù chị đã làm mọi cách như đút viên hạ sốt vào hậu môn, chườm khăn ấm, cởi bớt quần áo, da kề da… nhưng không thể hạ sốt. Chị Hà đưa con đi khám, bác sĩ cho biết con chị bị viêm phế quản và kê đơn có thuốc kháng sinh về uống. Chị cho con uống 1 ngày nhưng con vẫn không hạ sốt, sốt cao, li bì, đôi khi có biểu hiện giật nhẹ..

Những biểu hiện trên khiến chị giật_ mình vì không giống bị viêm phế quản như bác sĩ phán đoán. Vì thế, chị bắt đầu tìm hiểu thêm về cúm A và nghi ngờ con có thể bị. Sáng ngày hôm sau, chị Hà gọi dịch vụ xét nghiệm máu tại nhà. Sau khi có kết quả, chị mới biết rằng, con dương tính với cúm A. Chị phải cho con xét nghiệm thêm PCR để khẳng định là nhiễm H1N1.

Sau khi cân nhắc, chị đưa con vào viện Nhiệt đới gần nhà. Chị Hà chia sẻ: “Khi đưa con vào viện mới bất ngờ khi biết rằng hai mẹ con đang sống trong ổ dịch mà không để ý, khoa Nhi quá tải, giường toàn ghép 2 – 3 bệnh nhi”.

Con vào viện được chụp Xquang thì được biết, virus cúm A đã bội nhiễm vào phổi nhẹ. Vào viện, bác sĩ có phác đồ điều trị với các loại thuốc đặc trị dành cho chủng cúm A. May mắn rằng con đã hạ sốt. Các bác sĩ ở đây cho biết, cúm A thực sự nguy hiểm. Khi bệnh nhi sốt cao, không hạ được sẽ dễ bị biến chứng thẳng vào phổi. Đặc biệt là cúm A là dịch do virus gây ra nên rất dễ lây lan trong cộng đồng.

Phiếu xét nghiệm tại nhà.

Sau 2 ngày nhập viện, bé nhà chị Thu Hà đã tỉnh táo hơn, hạ sốt nhưng vẫn ho rất nhiều (Đây cũng là một đặc điểm của cúm A sau khi hạ sốt). Hiện tại bé vẫn đang điều trị kháng sinh cho phổi.

Chị Thu Hà cũng thở phào nhẹ nhõm khi sau 1 tuần vất vả thức đêm chăm sóc, con cũng đã cắt sốt và đang dần bình phục. Hiện tại bé đã được ra viện vào chiều 7/2.

Chị Hà chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc con khi mắc cúm A: “Mình cho con ăn thực phẩm bổ dưỡng, uống nhiều nước cam, sữa để bù nước, giúp con hồi phục nhanh. Cố gắng để con hạn chế tiếp xúc chỗ đông người vì cơ thể bé đang yếu dễ lây các bệnh khác”.

Bé gái con của chị Thu Hà đã cắt sốt và được ra viện sau 1 tuần điều trị.

Bên cạnh đó, chị Hà gửi bé lớn qua nhà ông bà nội để lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thay chăn ga cũ…, đồng thời tăng sức đề kháng cho cả nhà bằng cách ăn uống và bổ sung vitamin. Rất may mắn là chị đã phát hiện bệnh kịp thời để giúp con được điều trị sớm, tránh bị bội nhiễm và giúp con bình phục nhanh hơn.

Thu Thảo - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: