Sự kiện hot
10 năm trước

Tân Châu: Đệ nhất xứ chơi gà kiểng

Từ rất lâu loại gà tre do nông dân nuôi tại huyện Tân Châu, tỉnh An Giang đã trở nên nổi tiếng, trở thành thương hiệu gà kiểng không chỉ đẹp nhất trong nước mà còn vang danh cả khu vực Đông Nam Á. Nhiều dân chơi gà kiểng các nước trong khu vực đã đến An Giang săn lùng bằng được gà kiểng Tân Châu.

Phục hồi từ nguy cơ tuyệt chủng

Sau năm 1975, phần vì thú chơi mai một, phần vì giống gà kiểng kén đất sống, chọn người chăm nên có lúc giống gà kiểng Tân Châu nổi tiếng một thời này gần như tuyệt chủng.

Tuy nhiên, do một số hộ dân ở huyện Tân Châu còn giữ được giống gà tre quý hiếm nên gà kiểng Tân Châu dần dần được nhân giống, phát triển. Đến năm 2000, thú chơi gà kiểng được tái lập nên gà kiểng Tân Châu được sưu tầm, nuôi dưỡng từ các tay chơi gà rồi lan sang các vùng lân cận của ĐBSCL. Nhưng rồi dịch cúm gia cầm cũng chẳng “tha” những chú gà Tân Châu quý hiếm vừa được “gây dựng” lại. Đàn gà kiểng chết dần, chết mòn khiến một lần nữa có nguy cơ bị xóa sổ.

Phải đến năm 2005, anh Nguyễn Tuấn Huy và người bạn thân là Đỗ Thanh Cao (quê gốc Tân Châu) vốn sành chơi gà kiểng trong một dịp tình cờ đã phát hiện ra một chú gà tre “chính hãng” Tân Châu được nuôi dưỡng tại nhà một người dân ở TP. Long Xuyên. Mừng như bắt được vàng, hai “tay chơi” hỏi mua chú gà quý hiếm này thì người nuôi lại không bán! Nhưng từ người dân này, Tuấn Huy và Thanh Cao đã lần ra một nhóm thanh niên “cùng máu”. Họ là 5 người bạn trẻ đang nuôi dưỡng khoảng 10 chú gà Tân Châu. Cùng sở thích, cùng thú đam mê, cùng chung mục đích nên nhóm bạn trẻ này đã cùng bàn bạc, vạch ra kế hoạch gầy dựng và phát triển lại giống gà tre quý hiếm Tân Châu. Bắt đầu từ hôm đó, Tuấn Huy và Thanh Cao đã cất công đi lân la nhiều nơi trong vùng để tìm lại những người đã từng nuôi giống gà tre này để học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ, săn tìm gà giống, đồng thời phát triển thành viên của “CLB Bảo tồn gà kiểng Tân Châu”.

Từ những cặp gà tre giống Tân Châu bố mẹ được Tuấn Huy và Thanh Cao bỏ cả công sức lẫn tiền bạc lùng mua khắp nơi về “đổ” ra gà con rồi nuôi dưỡng, chẳng mấy chốc giống gà tre kiểng Tân Châu tưởng là sẽ mai một đã được gây dựng lại bầy đàn và phát triển nhanh chóng. Song song với việc phát triển đàn gà, Tuấn Huy và Thanh Cao cũng đẩy mạnh hoạt động CLB “ Bảo tồn gà kiểng Tân Châu” không chỉ bằng việc phát triển, kết nạp thành viên mà còn mở kênh thông tin trên internet. Diễn đàn Việt Pet ra đời chuyên trao đổi, giới thiệu, học tập kinh nghiệm về giống gà tre kiểng Tân Châu và thành lập trang mạng ABV - diễn đàn chim cá cảnh thành diễn đàn chung để tìm kiếm những người đồng điệu, chung thú đam mê và cùng có tâm huyết. Ngoài ra Tuấn Huy và Thanh Cao cũng thiết lập trang web riêng www.gatrevn.com để mở rộng hoạt động và đã nhanh chóng thu hút hơn 6.000 thành viên thường xuyên có trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm.

Quy chuẩn gà kiểng Tân Châu


Một “dân chơi” gà kiểng thứ thiệt

Đầu xuân Canh Dần 2010, CLB “ Bảo tồn gà tre kiểng Tân Châu” đã tổ chức một cuộc thi vô cùng thú vị, quy tụ giới chơi gà kiểng trên cả nước mang những chú gà kiểng đẹp nhất của mình về dự thi tại TP. Long Xuyên tỉnh An Giang. Từ cuộc thi này đã hình thành “ Bộ quy chuẩn gà đẹp” do Tuấn Huy và Thanh Cao nghiên cứu hơn 3 năm ròng, dựa trên cơ sở quan sát quần thể gà tre kiểng ở các vùng Tân Châu, Long Xuyên, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú…và tiêu chuẩn quốc tế. Theo quy chuẩn của CLB “Bảo tồn gà tre kiểng Tân Châu” thì để đạt được danh hiệu một chú gà tre kiểng đẹp, đúng “quy chuẩn”, chú gà tre kiểng phải hội đủ những yếu tố sau: Trọng lượng dưới 1kg, đầu, mỏ nhọn và ngắn, mắt sáng linh lợi, đuôi dài cong xuống sát đất, thân tương đối ngắn, ngực rộng, cánh có khuynh hướng khuỳnh ra phủ 2/3 chân, bộ lông mịn màng, bóng, che kín toàn thân.

“Đối mặt” với gà kiểng Thái Lan

Giữa lúc phong trào bảo tồn và phát triển giống gà kiểng Tân Châu đang mạnh dần, khiến hai chàng thanh niên tâm huyết với giống gà quý này đang phấn khởi thì…một “cơn bão” gà kiểng Thái Lan tràn sang Việt Nam khiến nhiều người đang nuôi gà kiểng Tân Châu quay sang săn tìm, nuôi dưỡng, phổ biến giống gà mới. Vì thế, CLB “ Bảo tồn gà tre kiểng Tân Châu” “tan đàn, sẻ nghé”. Đến nay chỉ còn có hai thành viên, cũng chính là hai người tâm huyết với giống gà tre kiểng Tân Châu là Tuấn Huy và Thanh Cao.

Theo giới chơi gà kiểng, gà kiểng Thái Lan xâm nhập vào thị trường Việt Nam vào khoảng đầu năm 2008 từ Campuchia, vượt biên giới vào nước ta và nhanh chóng hút hồn người mê gà kiểng rồi tạo thành “cơn bão” gà kiểng Thái Lan.

Lúc bấy giờ một chú gà kiểng Thái Lan giá thấp nhất 4-5 triệu đồng, bình quân khoảng 10 - 15 triệu, tùy theo màu lông, sự thuần chủng, dáng đẹp, có con giá lên đến 30 - 40 triệu đồng, đặc biệt gặp người chơi kết mô-đen có thể bán được 80 - 100 triệu đồng. Do đó cách đây vài năm, việc sở hữu được một chú gà kiểng Thái Lan giá ngất ngưởng cỡ 100 triệu đồng được xem là đẳng cấp của một đại gia chơi gà kiểng. Cơn sốt “Gà kiểng Thái Lan” không chỉ bùng phát, lan rộng ở địa bàn nông thôn mà còn phát triển rầm rộ với dân chơi gà kiểng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thời điểm đó ở các chợ chim, cá cảnh khắp TP. Hồ Chí Minh như đường Lê Hồng Phong (quận 10), đường Trường Chinh (quận Tân Bình) người ta trưng bày gà kiểng Thái Lan trong lồng như chim và chỉ dân “đại gia” mới dám rớ tới. Một chú gà trống kiểng Thái Lan có màu lông trắng như tuyết được cho là quý và đắt nhất để cho người bán tha hồ mà hét giá trên trời. Kế đó là gà kiểng Thái Lan có sắc lông màu vàng cháy đứng hàng thứ hai.

Nhưng thực tế, để tìm được một chú gà trống kiểng Thái Lan thuần chủng rất khó. Gà kiểng Thái Lan được cho là thuẩn chủng cũng chưa chắc đã…thuần chủng vì theo giới chơi gà kiểng sành điệu, người nuôi gà Thái Lan mua gà trống kiểng của Nhật Bản về “đổ” với gà mái kiểng Thái Lan để cho ra đời thế hệ gà kiểng Thái Lan lai gà kiểng Nhật Bản, gọi là thế hệ gà kiểng Thái Lan F1. Họ nhân thế hệ này lên, phát triển đại trà rồi xuất bán ra các nước. Thị trường xuất nhập gà kiểng Thái Lan gần nhất là Campuchia, dân kinh doanh gà kiểng Campuchia thu mua gà từ Thái Lan về lựa ra gà đẹp, xấu bán cho thương lái gà Việt Nam, vì thế gà kiểng được cho là của Thái Lan đến tay người chơi thường là…hàng dạt, không rõ nguồn gốc nhưng chỉ người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm, nên dân chơi gà kiểng Thái Lan cứ móc hầu bao rước “hàng dạt” về mà cứ cho mình là dân chơi gà kiểng “đẳng cấp”.

Nhưng bão gì rồi cũng có lúc phải tan huống chi là “bão” gà kiểng Thái Lan! Phong trào chơi gà kiểng Thái Lan chỉ bùng phát vài năm thì cơn sốt săn lùng, mua bán dần dần xẹp xuống. Đến thời điểm này một cặp gà kiểng Thái Lan đẹp chỉ còn vài trăm ngàn đồng và người ta bán giống như…gà thường .

Gà kiểng đi đá độ?


Đỗ Thanh Cao và Nguyễn Tuấn Huy

Khoảng đầu năm 2011 trở lại đây, phong trào nuôi gà tre kiểng Tân Châu lại dấy lên ở khu vực miền Tây, nhưng người chơi gà không chỉ nuôi làm kiểng mà còn nuôi để kết hợp…đá độ. Khác với gà kiểng Thái Lan hầu như chỉ nuôi làm kiểng chứ không đá được bởi chúng có thân hình lùn, thấp, tướng đi lếch thếch, chậm chạp gà tre kiểng Tân Châu dáng cao ráo hơn, rất nhanh nhẹn, bay nhảy như chim, hung dữ và rất…lỳ đòn. Người chơi gà kiểng bây giờ cũng rất thực tế nên chọn chơi giống gà tre kiểng Tân Châu vừa để chơi, đá độ và kinh doanh. Chính vì thế nên hiện thời điểm này, một chú gà tre trống thuần chủng Tân Châu đạt quy chuẩn, nhất là có mấy sợi râu đặc trưng, đã có giá 4-5 triệu đồng. Nếu gà vừa đẹp theo phong cách nuôi làm kiểng, vừa hùng dũng, đá thắng vài độ để nuôi luôn làm gà đá thì có con giá cao ngất ngưởng đến 10 triệu đồng hoặc hơn thế nữa.

Bên cạnh giống gà tre Tân Châu vừa nuôi làm kiểng, vừa đá độ được thì ở Chợ Lách tỉnh Bến Tre cũng có giống gà tre nổi tiếng đã thành thương hiệu “Gà tre Chợ Lách”. Ai cũng biết Chợ Lách là vùng đất của nhà vườn, cây kiểng, có lẽ nhờ thổ nhưỡng nơi đây hợp với cây trái, quanh năm mưa nắng hài hòa, vườn tược rợp bóng mát nên việc nuôi gà cũng thuận lợi và gà Chợ Lách đã nổi tiếng từ lâu. Gà nòi Chợ Lách lớn con, bộ dáng rất đẹp, hung dữ, lỳ đòn nên được dân chơi gà đá khắp nơi rất thích, họ đổ xô về Chợ Lách để săn lùng, chấp nhận mua cao giá để được một chú gà nòi đá độ ưng ý. Và khi dân chơi đã kết thì một chú gà nòi đá độ Chơ Lách có giá hơn 10 triệu đồng vẫn là chuyện bình thường.

Nhưng gà tre Chợ Lách cũng không kém cạnh đàn anh gà nòi nhờ bản tính hung dữ, lỳ đòn, bay nhảy cao, nhanh nhẹn cực kỳ khi xung trận. Hai địa phương ở huyện Chợ Lách được cho là “cái nôi” nuôi dưỡng gà nòi và gà tre đá độ cực hay là ấp Vĩnh Hưng 1, Vĩnh Hưng 2 xã Vĩnh Thành. Nhà vườn ở đây ngoài việc chăm sóc kinh doanh cây trái, còn nuôi đá gà để kinh doanh, xem như một nghề phụ thu nhập cũng tương đối khá và ổn định. Một chú gà tre từ khi mới nở, nuôi đến trưởng thành trong vòng 6-8 tháng, nặng 300 - 400g bán có giá 4 - 5 triệu đồng, gặp thời điểm sốt gà đá độ như cuối năm, Tết người ta đổ xô về tìm mua thì giá cao hơn, đôi khi không có gà để bán. Một người nuôi gà “chuyên nghiệp” ở Vĩnh Thành trong một tháng có thể “giao dịch” được 20 chú gà đá, thu nhập cả trăm triệu đồng, hỏi có nghề nào thu lợi nhuận cao hơn?

Hiện ở ấp Vĩnh Hưng 1 đang nổi lên một doanh nhân trẻ, thành đạt, chuyên nuôi gà kiểng và gà đá là anh Nguyễn Tuấn Tú. Anh Tú từng theo học đến năm cuối ở một trường cao đẳng TP. Hồ Chí Minh đã bỏ ngang, quyết định về quê nuôi gà kiểng và gà đá để kinh doanh và anh đã thành công. Thời điểm dân chơi gà khắp nơi đổ xô về Chợ Lách lùng mua gà kiểng, gà đá, anh Tú đã “xuất chuồng” hàng chục con gà. Còn ở ấp Vĩnh Hưng 2 cũng có một nông dân nuôi gà kiểng, gà đá thành đạt là ông Tư Mạnh có thâm niên 20 năm trong nghề. Tuy có lúc thăng trầm với nghề, nhưng ông Tư Mạnh vẫn khẳng định nuôi gà kiểng, gà đá ở Chợ Lách là “khỏe” và có lời nhất so với…nghề làm ruộng. Đặc biệt là vào dịp năm hết, Tết đến, người ta đổ xô về Chợ Lách để mua gà kiểng, gà đá để chơi Tết.Ông Tư Mạnh và nhiều người nuôi khác không có đủ gà mà bán.

Hồ An

Từ khóa: