Thống kê cho thấy, có tới 40% người lao động Mỹ cho biết họ chịu áp lực lớn trong công việc. Có những nghề ở nước này có khả năng “tiêu diệt nơron thần kinh” lớn hơn những nghề khác, trong đó có những nghề tưởng chừng đơn giản như lái taxi, hay những nghề phức tạp như giám đốc điều hành.
Thống kê cho thấy, có tới 40% người lao động Mỹ cho biết họ chịu áp lực lớn trong công việc. Có những nghề ở nước này có khả năng “tiêu diệt nơron thần kinh” lớn hơn những nghề khác, trong đó có những nghề tưởng chừng đơn giản như lái taxi, hay những nghề phức tạp như giám đốc điều hành.
Thống kê cho thấy, có tới 40% người lao động Mỹ cho biết họ chịu áp lực lớn trong công việc.
Với dữ liệu từ trang tuyển dụng CareerCast, trang CNBC đã liệt kê 10 nghề có áp lực nặng nhất ở Mỹ trong năm 2012. CareerCast thực hiện xếp hạng này dựa trên các yếu tố gồm mức độ đi lại, triển vọng thu nhập và thăng tiến, áp lực thời gian, đánh giá của công chúng, mức độ cạnh tranh, yêu cầu thể lực, điều kiện môi trường, các mối rủi ro liên quan tới bản thân và người khác…
10. Lái taxi
Thu nhập trung bình mỗi năm: 22.440 USD
Nhiều người có thể cho rằng, lái taxi là một nghề nhàn nhã, thoải mái về giờ giấc và độc lập trong công việc. Tuy nhiên, nghề này luôn nằm trong danh sách những nghề nhiều áp lực nhất ở Mỹ vì 3 lý do: thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, và không ít tài xế đã trở thành nạn nhân của giới tội phạm.
9. Phóng viên ảnh
Thu nhập trung bình mỗi năm: 40.000 USD
Nếu xem qua, phóng viên ảnh cũng là một nghề có vẻ như ít áp lực, vì người làm nghề này được đi nhiều nơi trên thế giới, tới những sự kiện lịch sử, gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng. Tuy nhiên, phóng viên ảnh luôn chịu áp lực lớn về thời gian để ghi lại được những khoảnh khắc quan trọng nhất của các sự kiện. Ngoài ra, họ còn chịu áp lực phải có ảnh trước đồng nghiệp ở các hãng truyền thông khác. Đối với các paparazzi (tay săn ảnh), đối tượng thường không muốn bị chụp hình và sẵn sàng tấn công tay máy.
8. Điều hành doanh nghiệp cấp cao
Thu nhập trung bình mỗi năm: 165.830 USD
Nghề điều hành doanh nghiệp, trong đó có giám đốc điều hành (CEO), khiến nhiều người hình dung tới một công việc hấp dẫn, với lương cao, quyền chỉ đạo… Nhưng đổi lại, những người đảm nhiệm công việc này phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành động của một nhóm lớn những con người khác và phải có câu trả lời cho các cổ đông hoặc chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, họ phải ra những quyết định về tuyển dụng, sa thải, mở thêm hay đóng cửa các phòng ban. Khi công ty ăn nên làm ra, điều hành doanh nghiệp đỡ vất vả hơn, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, đây có thể là một công việc vắt kiệt sức lực.
7. Chuyên viên quan hệ công chúng
Thu nhập trung bình mỗi năm: 91.810 USD
Đóng vai trò là cầu nối giữa khác hàng, chẳng hạn các doanh nghiệp, với giới truyền thông, các chuyên viên quan hệ công chúng luôn cảm thấy áp lực lớn, cho dù họ được trả hậu hĩnh. Khách hàng thì luôn gây sức ép để được xuất hiện hoàn hảo trên mặt báo sao cho xứng với số tiền bỏ ra, còn các nhà báo thì luôn tỏ ra kém mặn mà khi đối diện với chuyên viên quan hệ công chúng.
6. Tổ chức sự kiện
Thu nhập trung bình mỗi năm: 45.260 USD
Có người cho rằng, tổ chức đám cưới hay các buổi tiệc tùng là một công việc lãng mạn, nhưng áp lực lớn đến từ việc, khách hàng luôn muốn sự kiện trọng đại của họ diễn ra hoàn hảo. Bởi thế, người tổ chức sự kiện không được phép phạm sai lầm, dù nhỏ.
5. Sỹ quan cảnh sát
Thu nhập trung bình mỗi năm: 53.540 USD
Không cần xem nhiều phim hình sự thì ai cũng có thể hình dung được mức độ áp lực công việc mà các sỹ quan cảnh sát phải chịu. Họ luôn phải giải quyết những tình huống ngoài tầm kiểm soát, cứu người vô tội, ngăn chặn cái ác, đồng thời bảo vệ tính mạng bản thân. Họ phải ra quyết định liên quan tới sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc.
4. Tư lệnh quân đội
Thu nhập trung bình mỗi năm: 196.300 USD
Tư lệnh quân đội là công việc được trả cao nhất trong số 10 nghề có áp lực nặng nề nhất ở Mỹ năm nay. Thậm chí, khi không ở chiến trường thì các tư lệnh quân đội vẫn chịu áp lực lớn, vì họ phải làm những công việc như quyết định binh lính nào sẽ phải ra trận - trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với quyết định sự sống - chết của binh lính.
3. Phi công
Thu nhập trung bình mỗi năm: 103.210 USD
Nhiều cô bé cậu bé nuôi ước mơ lớn lên sẽ trở thành phi công, nhưng nghề này không chỉ có cảm giác tuyệt vời của việc bay trên chín tầng mây. Phi công phải làm việc trong thời gian kéo dài, phải đối mặt với mọi điều kiện thời tiết, chưa kể đến những rủi ro như hỏng hóc máy bay hay tấn công khủng bố. Họ còn là người quyết định sự an toàn của bản thân, phi hành đoàn và tất cả hành khách trên máy bay.
2. Lính cứu hỏa
Thu nhập trung bình mỗi năm: 45.250 USD
Bất kỳ trận cháy nào cũng đem tới rủi ro cho những người lính cứu hỏa, từ lửa, khói, vật liệu cháy nổ… Đối với những người bị mắc kẹt trong đám cháy, đó có lẽ là ngày hiểm nguy nhất trong đời, nhưng đối với lính cứu hỏa, đó chỉ là một ngày làm việc bình thường.
1. Binh sỹ quân đội
Thu nhập trung bình mỗi năm: 35.580 USD
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các binh sỹ quân đội Mỹ ngoài mặt trận là những người làm công việc có áp lực lớn nhất ở nước này. Họ đối mặt với nguy hiểm rình rập hàng ngày, phải sống xa gia đình, và làm một công việc khó đoán biết thời điểm kết thúc.
Kiều Oanh
Theo VnEconomy