Những nỗi ám ảnh về thân hình, về sự hoàn hảo, tính thù ghét phụ nữ hay chuyện hẹn hò... chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề khiến các chàng đồng tính phải đau đầu.
Mỗi người đều có những vấn đề riêng cần phải giải quyết, bên cạnh đó cũng có những vấn đề giống nhau giữa một nhóm, một cộng đồng người. Dưới đây là một vài nỗi lo âu mà bất cứ chàng trai đồng tính nào cũng từng trải qua trong cuộc đời.
1. Ám ảnh về thân hình
Thân hình là một nỗi lo lớn của người đồng tính nam.
Đã bao giờ bạn nghe đến cụm từ “body shaming”? Đó là hành động sử dụng khiếm khuyết về cơ thể của một người nào đó để hạ thấp họ và đem họ ra làm trò cười.
Điều kì lạ là dường như các chàng trai đồng tính lo lắng về thân hình còn hơn cả các chàng trai thẳng. Thậm chí nhiều người dù cùng thuộc cộng đồng LGBT nhưng lại sẵn sàng chê bai thân hình của nhau. Bởi vậy nên việc có một hình thể đẹp nghiễm nhiên trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người đồng tính.
2. Sự cám dỗ của thuốc lá
Khá nhiều người đồng tính nam nghiện thuốc lá.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở Mỹ, cộng đồng người đồng tính hút thuốc nhiều hơn hẳn nam giới bình thường. Số liệu khảo sát được thay đổi qua từng nghiên cứu, tuy nhiên về cơ bản, số lượng người đồng tính hút thuốc nhiều hơn người bình thường từ 50 đến 200%.
Có lẽ điều này xảy ra do người đồng tính phải đối mặt với quá nhiều áp lực, nhất là chuyện bị kì thị, phân biệt đối xử.
3. Chuyện hẹn hò
Với các chàng đồng tính, hẹn hò không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng sự thật là hầu hết các chàng trai đồng tính đều từng có suy nghĩ này: Thật tồi tệ khi hẹn hò trong giới đồng tính nam! Có thể do họ chưa thực sự hiểu rõ bản thân, cũng có thể do định kiến về giới tính truyền thống đã ăn sâu vào trong tâm trí họ và khiến họ phải băn khoăn.
4. Tìm kiếm sự công nhận
Được công nhận là mong muốn của bất cứ người đồng tính nào.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng những chàng trai đồng tính mà còn là vấn đề chung của toàn bộ cộng đồng LGBT. Mang trong mình mặc cảm “khác biệt”, “dị hợm”, họ luôn luôn tìm kiếm sự công nhận từ những người xung quanh, từ các tổ chức, tập thể mà mình tham gia.
Nếu có được sự công nhận chính thức, họ sẽ bớt phải lo nghĩ về vấn đề kì thị giới tính hay phân biệt đối xử.
5. Ám ảnh về sự hoàn hảo
Các chàng đồng tính thường hướng đến hình tượng hoàn hảo,
Cũng do mặc cảm “khác biệt”, “dị hợm” mà các chàng trai đồng tính thường có xu hướng tự so sánh mình với người khác. Thay vì cố gắng để trở nên tốt nhất theo cách riêng của mình, họ cố gắng để trở nên hoàn hảo trong mắt người khác. Điều đó khiến họ cảm thấy bản thân tài giỏi hơn, mạnh mẽ hơn, quyến rũ hơn, sáng tạo hơn – và vì vậy, bớt khác biệt, bớt dị hợm hơn.
Phấn đấu đạt đến sự hoàn hảo có thể là điều tốt, nhưng đôi khi nó sẽ khiến bạn cảm thấy bị gò bó, ngột ngạt, không được là chính mình, thậm chí ngày càng tự ti hơn.
6. Trở nên “quá đồng tính”
Đôi khi người ta dùng từ "gay" với ý nghĩa miệt thị người đồng tính.
Đây là điều mà chắc chắn chàng đồng tính nào cũng lo sợ: bị người khác đánh giá là quá màu mè, quá mềm yếu, quá nhu nhược. Nhiều người vẫn luôn giữ một định kiến cổ hủ rằng người đồng tính nam thì thường ẻo lả, nữ tính, trong khi sự thật không phải vậy. Đôi khi đó chỉ là những gì họ thể hiện ra trên bề mặt, và nếu không tìm hiểu một cách kĩ càng, bạn sẽ không thể hiểu được con người thật của họ.
7. Trở nên “không đủ đồng tính”
Liệu mình có thực sự là người đồng tính?
Nếu như nỗi lo ngại số sáu phần lớn là do tác động từ người ngoài cuộc, thì nỗi lo ngại số bảy xuất phát từ bản thân các chàng trai nhiều hơn. Bất cứ ai thuộc cộng đồng LGBT cũng sẽ có lúc đặt dấu hỏi chấm cho chính con người mình. Mình liệu có thực sự là người đồng tính? Đôi khi mình vẫn rung động với phái nữ, vậy thật ra mình là gì?
Thật ra, chuyện giới tính vẫn là một câu hỏi khó đối với tất cả các nhà khoa học trên thế giới, và không có điều gì là tuyệt đối cả. Vì thế, đừng bao giờ lo lắng rằng mình “không đủ đồng tính” cho một mối quan hệ với người cùng giới nếu như bạn thực sự yêu họ.
8. Các tổ chức, hội nhóm
Người đồng tính nam thonwgf tự cô lập trong tập thể.
Ai cũng biết rằng cộng đồng LGBT không chỉ bao gồm người đồng tính nam mà còn bao gồm đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, vô tính cùng rất nhiều giới tính khác. Sự thật là trong một số tổ chức, hội nhóm LGBT, một nhóm đồng tính nam thường tự tách ra với tập thể. Biểu hiện rõ nhất của việc này là rất nhiều người đồng tính nữ và song tính từng cho biết họ cảm thấy không được chào đón ở các tổ chức LGBT.
Điều đó thật sự không tốt. LGBT là một cộng đồng, và cộng đồng cần có sự kết nối.
9. Tính thù ghét phụ nữ
Việc thù ghét phụ nữ là rất không nên.
Không ít người đồng tính nam tỏ ra rất cực đoan, họ căm ghét phụ nữ một cách công khai, họ dùng lời nói, thậm chí hành động của mình để tấn công phụ nữ. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng, bởi lẽ điều này làm tổn thương phụ nữ rất nhiều.
Trở thành một người đồng tính nam không đồng nghĩa với việc bạn được phép xúc phạm phụ nữ. Có thể bạn chẳng có cảm xúc gì với họ, nhưng điều tối thiểu bạn cần phải dành cho họ chính là sự tôn trọng.
10. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc
Bạn vẫn có thể là người phân biệt chủng tộc dù cho bạn đồng tính.
Nhiều người cho rằng khi đã là một phần của một cộng đồng thường xuyên bị kì thị thì con người sẽ không thể trở thành kẻ phân biệt chủng tộc được, vì họ hiểu nỗi khó khăn của việc bị kì thị. Nhưng sự thật thì ngược lại. Bạn vẫn có thể theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dù bạn là người đồng tính nam.
Vấn đề là nhiều người đồng tính nam không nhận ra bản thân mình đang có những hành vi phân biệt chủng tộc gây tổn thương đến cộng đồng người da đen.
Thảo Nguyên (dịch)
Theo ĐSPL, Vietnammoi