Phụ nữ châu Âu thời Phục Hưng cạo tóc tới hói đầu để khoe trán rộng và nhổ trụi lông mi để chứng tỏ mình là cô gái ngoan.
Trán cao, đầu hói mới đẹp
Phụ nữ thời Phục Hưng tôn sùng vẻ đẹp của vầng trán cao. Họ thường xuyên buộc tóc thật cao để khoe trán. Một số người thậm chí còn cạo bớt tóc để trán thêm cao.
Mốt không lông mi
Phụ nữ châu Âu thời Phục Hưng còn nhổ trụi lông mi trước khi ra đường vì họ cho rằng lông mi là biểu tượng của sự vô đạo đức.
Sơn lên chân để có làn da bánh mật
Trào lưu này rất thịnh hàng thời Thế chiến thứ hai. Thời kỳ này, nguồn nylon bị thiếu hụt dẫn tới việc không sản xuất đủ quần tất cho phụ nữ nên để có đôi chân màu bánh mật quyến rũ, các cô gái đã phết sơn lên chân.
Nắn méo hộp sọ cho ... đẹp
Người Maya cổ đại cho rằng hộp sọ méo mới đẹp nên từ khi còn nhỏ, họ đã dùng nhiều dụng cụ tạo hình để làm biến dạng hộp sọ. Tiêu chuẩn này không liên quan đến địa vị xã hội mà chỉ đơn giản là để cho ... đẹp.
Chân càng nhỏ càng đẹp
Đây là tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ Trung Quốc thế kỷ 13. Khi một bé gái lên 5 hay 7 tuổi, người ta bắt đầu bó chặt bàn chân đang phát triển của đứa trẻ, làm xương chân bị gãy, bị bẻ cong sao cho gót chân chạm tới ngón chân. Người thời ấy quan niệm bàn chân càng nhỏ càng quyến rũ về tình dục và thẩm mỹ. Không ít cô gái đã chịu bao đau đớn, khổ sở để có được đôi bàn chân tí hon này.
Móng tay siêu dài
Thời nhà Thanh, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều để móng tay rất dài, từ 20 - 25 cm. Móng dài chứng tỏ họ đủ giàu có để không phải lao động chân tay, thậm chí có người hầu thay quần áo và phục vụ ăn uống.
Răng màu đen
Phụ nữ Nhật thế kỷ 19 duy trì phong tục nhuộm răng đen sau khi kết hôn như một sự cam kết chung thuỷ trong hôn nhân.
Gắn nốt ruồi lên mặt
Phụ nữ thế kỷ 18 bắt đầu ưa chuộng trang điểm. Không chỉ thoa phấn, họ còn gắn thêm nốt ruồi giả lên mặt. Các nốt ruồi có nhiều hình thù khác nhau mang những ý nghĩa khác nhau. Nốt ruồi gần miệng tượng trưng cho thói trăng hoa, nốt ruồi bên má phải lại có nghĩa là người phụ nữ đó đã kết hôn.
Làn da nhợt nhạt
Phụ nữ Anh thế kỷ 17 thích vẻ đẹp của làn da xanh xao, nhợt nhạt vì nó tượng trưng cho sự giàu có của giới thượng lưu, phân biệt với những người lao động cực khổ. Các quý bà, quý cô thoa rất nhiều phấn lên mặt và vẽ thêm những mạch máu xanh lên ngực để tăng thêm vẻ mong manh của làn da
Xỏ khuyên vào chỗ kín
Phụ nữ giàu có thời Victoria thích xỏ khuyên vào ngực còn đàn ông thì xỏ vào của quý. Hoàng tử Albert là người cực kì ưa thích phong cách này.
Nhổ lông vùng kín
Người Mỹ bản địa coi cơ thể nhiều lông là một điều xấu xí nên họ tẩy lông nhanh gọn bằng cách nhổ.
Mặc áo ngực chia đôi
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, phụ nữ thường mặc những chiếc áo nịt ngực bó sát đến nghẹt thở và tìm đủ mọi cách để đôi gò bồng đảo trông đầy đặn hơn. Tuy nhiên, từ sau thế kỷ 19, họ lại chuộng kiểu áo ngực chia đôi, làm cho hai bên ngực càng xa nhau càng tốt.
Vẽ lông mày nhiều màu
Phụ nữ Trung Quốc thời xưa không chỉ dùng màu đen để vẽ lông mày mà thường xuyên đổi màu, hôm thì xanh lá, hôm thì xanh dương và liên tục đổi kiểu dáng. Có thời điểm, họ chuộng kiểu lông mày ngắn và vẽ cao lên giữa trán, gọi đó là kiểu "lông mày buồn".
Lông mày dính liền nhau
Phụ nữ Hy Lạp thích vẽ lông mày dính liền vào nhau để chứng tỏ sự thông minh và trong sáng.
Răng ngắn
Thời Phục Hưng, hàm răng ngắn mới là đẹp. Cả phụ nữ lẫn đàn ông đều mài răng ngắn hết cỡ.
Mặt tròn, má phúng phính mới đẹp
Tiêu chuẩn phụ nữ đẹp thời nhà Đường ở Trung Quốc là mặt tròn, má phúng phính.
Thân hình đồng hồ cát
Thời Edward, phụ nữ điên cuồng mặc áo nịt để có vòng eo nhỏ xíu, thân hình đồng hồ cát quyến rũ. Tuy nhiên, một số loại áo bó quá chặt, quá sát gây khó thở cho người mặc, thậm chí dồn ép các cơ quan nội tạng gây chảy máu trong. Người mặc đi đứng khó được tự nhiên, thậm chí bị để lại những hậu quả lâu dài.
Đàn ông phải có bắp chân to
Đàn ông thời Trung cổ và suốt thế kỷ 18 thích mang tất chân để khoe bắp chân săn chắc. Họ thậm chí còn độn thêm để có bắp chân to hơn. Vua Henry đệ VIII là người nổi tiếng với đôi chân đáng ngưỡng mộ.
Giang Nguyên
Theo VnExpress