Sự kiện hot
6 năm trước

20/10: cùng đọc lại những câu chuyện về tình mẫu tử

Ngày Phụ nữ Việt Nam - 20/10 là ngày kỷ niệm dành tặng cho những người phụ nữ thân yêu nhất.

   (Ảnh theo Eva.vn)

Câu chuyện thứ nhất

Câu chuyện cảm động này xảy ra hồi tháng 3/2014 trong 1 vụ động đất ở Nhật Bản, lấy đi sinh mạng của rất nhiều người. Sau động đất, khi lực lượng cứu hộ bắt đầu tìm kiếm người bị nạn, thì họ nhìn thấy thi thể 1 người phụ nữ qua vết nứt của 1 ngôi nhà bị đổ nát. Tư thế của cô khá kỳ lạ: Có vẻ như cô đang quỳ gối cầu nguyện, hai tay đỡ lấy 1 thứ gì đó. Và cả ngôi nhà đang đè hết lên người cô.

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.

Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: “Một đứa bé! Có một đứa bé!”.

Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Và trong tấm chăn đó có 1 chiếc điện thoại di động cùng 1 tin nhắn trên màn hình. Đoạn tin nhắn đó đã làm cho tất cả mọi người trong đội cứu hộ phải bật khóc.

Tin nhắn viết rằng: "Nếu con có thể sống sót, hãy nhớ rằng, mẹ rất yêu con".

Câu chuyện thứ 2

Trong một gia đình nhỏ và nghèo khổ, người cha qua đời khi đứa con vừa bắt đầu đi học. Dùng đất đỏ nhè nhẹ phủ lên để tiễn biệt cha, người mẹ tự hứa với lòng mình sẽ ở vậy nuôi con thơ khôn lớn trưởng thành. Ngày ngày người mẹ làm ruộng để rau cháo, tự tay may vá và đan áo cho con. Đứa bé cũng rất ngoan ngoãn mà ngồi đọc sách, vẽ tranh dưới ánh đèn dầu. Cùng với đó là những tấm bằng khen cũng được treo lên trên vách tường đất loang lổ. Đứa con lớn dần như ngọn trúc xanh của mùa xuân vụt lên phơi phới trong ánh mắt lấp lánh hạnh phúc và cũng ánh lên nếp nhăn của người mẹ,

Nhưng trớ trêu thay người mẹ lại bị bệnh phong thấp nặng khi đứa con vừa thi vào trường trung học. Việc đồng áng làm không nổi, cơm có khi không đủ ăn. Đứa con ở lại trường cần mỗi tháng 30 cân gạo. Cảm giác túng quẫn ngày càng đè nặng, đứa con nói với mẹ: “Mẹ, con sẽ nghỉ học để giúp mẹ làm ruộng”. 

Người mẹ dứt khoát: “Con có lòng thương mẹ như vậy, mẹ rất vui, nhưng không đi học không thể được. Yên tâm, mẹ sinh con ra, mẹ sẽ có cách nuôi con. Con đến trường ghi danh đi, mẹ sẽ mang gạo lên sau.” Đứa con không nghe lời, kiên quyết cãi lại khiến người mẹ bực mình cho con ăn một bạt tai. Đó là lần đầu tiên trong 16 năm cuộc đời bị mẹ đánh, đứa con phải ngoan ngoãn nghe lời. Nhìn con cắp sách đến trường, người mẹ vừa thương vừa lo lắng: “Không biết làm sao để có 30 cân gạo mang đến trường cho con đây? Mình thì bệnh tật như vậy làm sao có sức làm gì?”.

Và người mẹ đã có quyết định của mình. Không lâu sau, người mẹ mang gạo đến bếp nhà trường. Bà tập tễnh bước vào cổng, kéo theo một bao gạo với hơi thở hổn hển. Người phụ trách nhà bếp nhận bao gạo, mở ra xem và nhíu mày phàn nàn: “Sao phụ huynh các người lại làm mấy việc như này? Gạo toàn sạn lại còn lẫn lộn nhiều loại kém chất lượng. Có phải muốn làm lợi cho mình không?”. Người mẹ ngượng ngùng nói lời xin lỗi. Khi người phụ trách cất gạo xong và trở ra, người mẹ lấy trong túi ra mấy đồng tiền được gói cẩn thận qua mấy lớp vải nhàu nhĩ, đưa cho ông ta và nói: “ Nhờ ông chuyển dùm đến con tôi, đây là tiền phí sinh hoạt của nó tháng này”. Nhìn mấy đồng tiền lẻ của bà, ông ta đùa nói: “Bà nhặt được trên đường đó à?”. Người mẹ không biết nói gì, chỉ cảm ơn rồi trở về nhà.

Một tháng nữa lại đến, người mẹ lại mang bao gạo đến trường. Gặp bà vẫn là người phụ trách đó với lời chê bai đó. Ông còn đặc biệt nhấn mạnh thêm: “Tôi sợ bà không nghe rõ ràng, gạo gì chúng tôi cũng nhận nhưng loại gạo tổng hợp như thế này, nấu cơm sẽ bị sượng. Nếu lần sau còn như vậy tôi sẽ không nhận.” Bà hốt hoảng thành khẩn nói: “Phải làm sao đây thưa ông, gạo nhà tôi đều như vậy cả?”. Ông ta đùng đùng nổi giận: “Nói bậy, một sào ruộng nhà bà có thể trồng được cả trăm giống lúa như này hay sao?”. Bà chỉ dám im lặng nhìn ông ta bằng đôi mắt lưng tròng, người phụ trách cảm thấy có chút xót thương nên làm lơ để bà đi về.

Tháng thứ ba lại đến, lần này người mẹ đã chuẩn bị sẵn tâm lý vì biết chắc người phụ trách nhà bếp sẽ rất tức giận. Quả nhiên khi thấy bà vẫn mang loại gạo lẫn lộn như hai lần trước, ông ta giận giữ quát lớn: “Bà cố tình chọc tức tôi à? Loại gạo tạp nham này làm sao nấu được? Mang về đi”. Người mẹ liền quỳ xuống, hai dòng lệ trào ra trên khóe mắt, buồn bã nói: “Thú thật với ông, gạo này… gạo này là tôi đi xin đấy!”. Người phụ trách sững sờ không nói nên lời. Bà ngồi phịch xuống đất, lộ ra đôi chân biến dạng, sưng húp… rơi lệ nói: “Tôi bị bệnh phong thấp đi lại rất khó, không thể làm ruộng được. Con tôi đòi bỏ học giúp tôi, bị tôi đánh nên trở lại trường học. Thương con, mong cho nó được học hành đàng hoàng nên người, tôi chỉ còn biết đi xin gạo nộp. Nếu không con tôi cũng khó mà được ở lại trường.” Rồi bà kể mỗi ngày khi trời chưa sáng, bà lại cầm cái bao chống gậy đi về các thôn xóm khác để van xin lòng thương hại của người khác. Ai cho gạo gì bà lại để chung vào bao. Bà cầu xin người phụ trách đừng để con bà biết, sợ nó bị tổn thương lòng tự trọng. Người phụ trách im lặng gật đầu.

Tháng sau người mẹ đến, người phụ trách ngỏ ý muốn trình với hiệu trưởng để giúp con bà được hỗ trợ miễn học phí. Bà liền hốt hoảng lắc đầu nói: “Xin đừng, nếu con tôi biết tôi đi xin để nuôi nó học, nó sẽ tổn thương lắm. Nó còn trẻ con, tôi sợ ảnh hưởng đến sự học của nó.” Người phụ trách nói: “Bà yên tâm, tôi sẽ có cách”. Và thế là hiệu trưởng cũng biết đến trường hợp của gia đình bà, ông âm thầm hỗ trợ bằng cách không thu học phí và tiền sinh hoạt của người con trong 3 năm trung học.

Ba năm sau, đứa con năm nào đã đỗ đại học. Ngày tốt nghiệp trung học có cả phụ huynh góp mặt, hiệu trưởng kể cho mọi người nghe câu chuyện về người mẹ với ba bao gạo đi xin, ai nấy nghe đều xúc động. Trước khi kết thúc câu chuyện ông nói: “Đây là câu chuyện ba cái bao của người mẹ đi xin, trên đời này đem vàng cũng không mua được những hạt gạo này, người con chắc chắn nên cảm ơn mẹ mình”. Người con ngồi dưới nghe từ đầu đến cuối và hiểu ra người trong câu chuyện chính là mẹ của mình, quay sang ôm chầm lấy bà, bật khóc thổn thức nói: “Mẹ, con cảm ơn, con xin lỗi.” Người mẹ nước mắt cũng rơi nhưng miệng lại mỉm cười hạnh phúc.

Câu chuyện thứ 3

Ở 1 miền quê hẻo lánh, nơi đó có người phụ nữ sống một mình dù bụng mang dạ chửa.

Vào 1 đêm giông bão chị ta đau bụng dữ dội và hiểu mình sắp sanh. Cô ta quyết định đi xuống thành phố ở khá xa. Để đến thành phố cô ta phải đi qua 1 chiếc cầu nhỏ. Khi đi tới giữa cầu cô ấy đau đến mức ko thể đi nữa. Và cô ấy quyết định luồn xuống gầm cầu và cô ta hạ sinh con mình ở đó. Sáng hôm sau 1 người phu nữ khác đang chạy xe qua cầu thì xe bỗng dưng chết máy, khi xuống xe kiểm tra thì cô nghe tiếng khóc nhỏ vang lên đâu đó. Cô ta xuống dưới chân cầu và phát hiện 1 đứa bé được quấn trong những lớp quần áo dày của người mẹ đã chết vì lạnh và ko có 1 mảnh áo che thân.

Người phụ nữ tốt bụng ấy đem đứa bé về nuôi. Sau này vào sinh nhật lần thứ 10 của nó cô đã kể cho đứa bé câu chuyện đó. Những tưởng đứa bé sẽ khóc sướt mướt nhưng ko, đứa bé chỉ yêu cầu cô dẫn nó tới mộ người mẹ quá cố. Dù trời đang vào mùa đông lạnh giá cô vẫn chở đứa bé đi.

Đến nơi đứa bé bảo cô để đứa bé được ở bên mộ mẹ 1 mình. Cô liền đi ra xa nhưng cô vẫn để mắt tới đứa bé. Đứa bé đứng trước mộ mẹ nó, lần lượt cởi từng lớp áo khoác của mình ra. Cô nghĩ: "Chắc nó ko cởi hết đâu trời đang lạnh thế này mà". Thế nhưng cậu bé cởi hết quần áo trên người ra đến khi không còn mặc gì nữa. Cô hốt hoảng chạy đến ôm nó, đứa bé vùng ra bật khóc nức nở và ôm mộ mẹ nó mà hỏi: “Mẹ ơi! Mẹ có lạnh không? Con chịu lạnh bây giờ có lạnh giống mẹ khi xưa không?” …

Thu Hằng (T/H)
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: