Sự kiện hot
13 năm trước

20 thương hiệu có lực hút mạnh nhất năm nay

Mặc dù các công ty chi mỗi năm hàng tỷ USD cho việc quảng bá hình ảnh thương hiệu nhằm thu hút người tiêu dùng, nhưng không phải thương hiệu nào cũng tạo được những khách hàng “ruột”.

Mặc dù các công ty chi mỗi năm hàng tỷ USD cho việc quảng bá hình ảnh thương hiệu nhằm thu hút người tiêu dùng, nhưng không phải thương hiệu nào cũng tạo được những khách hàng “ruột”.


Amazon đã nhảy từ bậc số 7 năm ngoái lên đứng đầu danh sách thương hiệu có lực hút mạnh nhất năm 2011.

Brand Keys, một hãng nghiên cứu của Mỹ chuyên về phân tích hành vi người tiêu dùng, mới đây đã công bố Chỉ số mức độ trung thành của khách hàng năm 2011 đối với các thương hiệu. Nghiên cứu của hãng này phân tích 528 thương hiệu lớn thuộc 79 lĩnh vực, từ điện thoại thông minh tới thuốc chống dị ứng. Năm nay là năm thứ 15 liên tục Brand Keys thực hiện nghiên cứu thường niên này.

Thông qua các phân tích và đánh giá tâm lý người tiêu dùng, Brand Keys xác định các thương hiệu vượt mức kỳ vọng của người tiêu dùng ra sao, và người tiêu dùng sẽ trung thành với thương hiệu như thế nào trong thời gian tới.

Với dữ liệu từ Brand Keys, trang Business Insider đã đưa ra danh sách 20 thương hiệu tạo được mức độ trung thành lớn nhất từ phía người tiêu dùng trong năm 2011:

20. Twitter

Vị trí xếp hạng năm 2010: Chưa được xếp hạng

Năm nay, các mạng xã hội mới được Brand Keys đưa vào nghiên cứu Chỉ số mức độ trung thành của khách hàng. Kết quả, Twitter về nhì trong số các mạng xã hội, chỉ sau Facebook. Twitter được nhận định là có vị trí gần như “độc nhất vô nhị” trong thế giới mạng xã hội và có thể được sử dụng bổ sung cho các mạng khác.

19. LG (điện thoại di động)

Vị trí xếp hạng năm 2010: 38

LG là một trong ba thương hiệu điện thoại di động và điện thoại thông minh có tên trong top 20. Điện thoại di động cũng là thương hiệu duy nhất của LG lọt vào top 100 của xếp hạng.

18. L'Oreal (thuốc nhuộm tóc)

Vị trí xếp hạng năm 2010: 31

Nhóm khách hàng sử dụng thuốc nhuộm tóc của L'Oreal trung thành hơn những người mua các sản phẩm khác của hãng này. Thương hiệu mỹ phẩm của L’Oreal chỉ xếp thứ 7 trong ngành mỹ phẩm, dù có chân trong top 40 của xếp hạng chung.

17. Ketel One

Vị trí xếp hạng năm 2010: 14

Thương hiệu Ketel One về nhì trong số các loại rượu vodka. Sức mạnh thương hiệu và khả năng tạo sự khác biệt là vô cùng quan trọng trong một ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh cao như sản xuất rượu vodka với những thương hiệu khổng lồ như Smirnoff và Absolut.

16. Google

Vị trí xếp hạng năm 2010: 11

Google đương nhiên là công cụ tìm kiếm số 1 trong xếp hạng này, vượt xa các đối thủ Bing (vị trí 30) và Yahoo! (vị trí 71).

15. Grey Goose

Vị trí xếp hạng năm 2010: 4

Thương hiệu vodka cao cấp Grey Goose lại tỏa sáng năm nay, nhưng đã giảm 11 bậc so với vị trí năm ngoái, khi phải đối mặt với một đối thủ quá mạnh là thương hiệu Belvedere.

14. Maybelline

Vị trí xếp hạng năm 2010: 16

Là một thương hiệu mỹ phẩm của L’Oreal, Maybelline về nhì trong số các thương hiệu mỹ phẩm, bỏ xa thương hiệu mỹ phẩm của hãng mẹ. Trong suốt thế kỷ qua, bất chấp nhiều lần thay đổi chủ sở hữu, Maybelline vẫn chứng tỏ mình là một thương hiệu mạnh.

13. Walmart

Vị trí xếp hạng năm 2010: 3

Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart đã tụt 10 bậc so với vị trí năm ngoái, nhưng vẫn thể hiện sức bất khả chiến bại trước các đối thủ như Target hay Kmart trong ngành bán lẻ giá rẻ. Lời hứa “Giá rẻ mỗi ngày” của Walmart là một cách giữ chân khách hàng hiệu quả.

12. Dunkin' Donuts (cà phê)

Vị trí xếp hạng năm 2010: 14

Khách hàng uống cà phê Dunkin’s Donuts trung thành hơn nhiều so với khách hàng của Starbucks - thương hiệu mới chỉ nhảy lên được vị trí thứ 100 trong xếp hạng năm nay từ vị trí 452 trong xếp hạng năm ngoái. Thậm chí, cà phê của McDonald’s cũng thu hút được mức độ trung thành của khách hàng cao hơn cả Starbucks - thương hiệu về ở vị trí 26 trong xép hạng chung.

11. Crest Whitestrips

Vị trí xếp hạng năm 2010: Chưa được xếp hạng

Các thương hiệu tẩy trắng răng là “lính mới” trong xếp hạng thương hiệu năm 2011 của Brand Keys, và vị trí số 1 trong số các thương hiệu này thuộc về Crest Whitestrips.

10. Mary Kay

Vị trí xếp hạng năm 2010: 20

Mary Kay là thương hiệu có vị trí cao nhất trong lĩnh vực mỹ phẩm. Công ty tư nhân này sản xuất các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm kể từ thập niên 1960.

9. Patron

Vị trí xếp hạng năm 2010: Chưa được xếp hạng

Thương hiệu rượu tequila cao cấp Patron là loại rượu được xếp hạng cao nhất trong báo cáo này. Trong top 100 thương hiệu của xếp hạng chung, chỉ có 3 thương hiệu rượu tequila khác là Don Julio (vị trí 29), Sâuz (vị trí 41) và Jose Cuervo (vị trí 81).

8. Kindle

Vị trí xếp hạng năm 2010: Chưa được xếp hạng

Thiết bị đọc sách điện tử lần đầu được Brand Keys xếp hạng về hấp lực đối với khách hàng. Kindle - thiết bị đọc sách điện tử của Amazon - xếp hạng cao nhất, nhưng đối thủ Nook của Barnes & Noble cũng chiếm một vị trí không tồi là số 52 trong xếp hạng chung.

7. Hyundai

Vị trí xếp hạng năm 2010: 6

Hyundai là thương hiệu ôtô duy nhất trong top 20, dù giảm 1 bậc so với xếp hạng năm ngoái. Hyundai đang thực hiện một chiến lược chuyển mình dài hạn đầy ấn tượng, từ một thương hiệu xe bình dân lên cao cấp.

6. Zappos

Vị trí xếp hạng năm 2010: Chưa được xếp hạng

Trang bán lẻ Zappos đã sử dụng một mô hình kinh doanh dựa trên lòng trung thành của khách hàng, tạo ra một thứ văn hóa thương hiệu khuyến khích khách hàng quay lại. Mặc dù Amazon đã mua lại Zappos từ năm 2009, Zappos vẫn được phép hoạt động độc lập và duy trì thương hiệu. Lực lượng khách hàng trung thành của Zappos cũng được bảo toàn.

5. Apple (máy tính)

Vị trí xếp hạng năm 2010: 5

Thương hiệu máy tính Mac của Apple giữ nguyên vị trí thứ 5 của năm ngoái nhờ lực hượng khách hàng trung thành đông đảo. Có rất ít thương hiệu tạo được cảm giác về dấu ấn cá nhân mạnh mẽ như những gì mà người sử dụng Mac cảm nhận được qua năm tháng.

4. Samsung (điện thoại di động)

Vị trí xếp hạng năm 2010: 2

Samsung đứng đầu bảng trong xếp hạng về mức độ trung thành của khách hàng ở lĩnh vực điện thoại di động. Đáng chú ý, Samsung đã duy trì được vị trí này suốt 8 năm qua. Ở lĩnh vực điện thoại thông minh, Samsung về nhì và đứng ở vị trí 57 trong xếp hạng chung.

3. Facebook

Vị trí xếp hạng năm 2010: Chưa được xếp hạng

Mạng xã hội với hơn 750 triệu người sử dụng của Mark Zuckerberg chiếm ngay vị trí số 3 trong xếp hạng chung, dù mới lần đầu được Brand Keys đánh giá. Với sự xuống dốc không phanh của MySpace, Facebook gần như đang toàn quyền kiểm soát thế giới mạng xã hội.

2. Apple (điện thoại thông minh)

Vị trí xếp hạng năm 2010: 1

Dù điện thoại iPhone không giữ được vị trí số 1 trong xếp hạng năm ngoái, nhưng vị trí số 2 này cũng đủ để Apple chiếm 2 vị trí trong top 5 thương hiệu chiếm được sự “chung thủy” cao nhất của khách hàng năm nay.

1. Amazon

Vị trí xếp hạng năm 2010: 7

Là 1 trong số 3 hãng bán lẻ trực tuyến nằm trong top 100 của xếp hạng, “đế chế” Amazon của CEO Jeff Bezos chiếm ngay vị trí số 1, nhảy 6 bậc so với năm ngoái và ngoạn mục “hạ bệ” chiếc điện thoại đình đám iPhone. Amazon vẫn đang đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lực lượng khách hàng trung thành đông đảo. Thương hiệu của Amazon và khả năng hãng đưa ra được mức phí vận chuyển hàng thấp là những lý do quan trọng để khách hàng quay lại. Chương trình khách hàng thân thiết mang tên Amazon Prime đang tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm và đã có 5 triệu khách hàng đăng ký.

Kiều Oanh
Theo VnEconomy

Từ khóa: