Ngày 27/10, tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Lâm Điện Biên đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ván sàn tre và gỗ ép thanh quy mô sản xuất 100.000 m3 sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư xây dựng là 250 tỷ đồng.
Ngày 27/10, tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Lâm Điện Biên đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ván sàn tre và gỗ ép thanh quy mô sản xuất 100.000 m3 sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư xây dựng là 250 tỷ đồng.
Lễ khởi công Nhà máy sản xuất ván sàn tre và gỗ ép thanh tại Điện Biên.
(Nguồn: dienbientv.vn).
Nhà máy sản xuất ván sàn tre và gỗ ép thanh là cơ sở chế biến lâm sản có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay.
Việc triển khai xây dựng nhà máy trên cơ sở chủ đầu tư đã bố trí đủ vốn, hoàn tất các thủ tục, điều kiện chuẩn bị đã thể hiện tính chủ động, tích cực và quyết tâm cao của chủ đầu tư, sự cố gắng của đơn vị tư vấn, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân trong vùng.
Nhà máy đi vào hoạt động có tác động trực tiếp, thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp, công nghiệp chế biến của tỉnh Điện Biên, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo nên thế mạnh kinh tế và đẩy nhanh bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Theo ông Cấn Thanh Dương, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Lâm Điện Biên cho biết dự kiến sang năm 2013 nhà máy sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.
Sản phẩm chủ lực của nhà máy là các tấm lót đường, tà vẹt đường tàu, trụ ép khối để xây dựng nhà Zamin, các sản phẩm nội thất có giá trị văn hoá cao, thân thiện với môi trường để tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu ra thị trường các nước Mỹ, Canada, Đức, Pháp…
Mục tiêu của dự án xây dựng là giải quyết vấn đề vùng nguyên liệu cho tất cả các xã có điều kiện trồng tre của tỉnh Điện Biên; tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cao cho vùng nguyên liệu các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động với mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/người/tháng.
Đến năm 2014, doanh thu của nhà máy đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm, mỗi năm nộp thuế cho ngân sách địa phương khoảng 20 đến 30 tỷ đồng/năm./.
Theo TTXVN