Đó là kết quả được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra sau khi kiểm toán tại 27 tập đoàn (TĐ), tổng Cty (TCT), tính đến ngày 31/12/2011.
Đó là kết quả được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra sau khi kiểm toán tại 27 tập đoàn (TĐ), tổng Cty (TCT), tính đến ngày 31/12/2011. Tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT được kiểm toán là 263.288 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu chỉ có 65.241 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn, cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng.
Ảnh minh họa: Trần Quý
Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết, nhiều TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn rất cao như: Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là 97,9%; Tổng Cty Cổ phần (CP) Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) 91%; Cienco4 là 89,3%; Tổng Cty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam 85,6%; Vinaconex 81,7%...
Năm 2011 có 4/27 TĐ, TCT thua lỗ. Các đơn vị còn lại, tuy kinh doanh có lãi nhưng thấp, có đơn vị đạt dưới 5% tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, giảm mạnh so với năm 2010.
Tình trạng tài chính và quản lý vốn, tài sản tại một số đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại. Qua kiểm toán, KTNN đã phải điều chỉnh giảm tổng tài sản, nguồn vốn 1.477 tỷ đồng, tổng doanh thu - thu nhập thuần 1.015 tỷ đồng, tổng chi phí 2.347 tỷ đồng và tăng lợi nhuận trước thuế 1.305 tỷ. Tổng nợ phải thu của 27 TĐ, TCT đến 31/12/2011 lên tới 54.133 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%.
|
Các đơn vị kinh doanh xăng dầu chưa tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu nhằm trục lợi, như: Petrolimex áp dụng tỷ giá của VCB để tính giá cơ sở, không sử dụng “tỷ giá bán bình quân của các ngân hàng thương mại mà thương nhân đầu mối giao dịch” theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu; một số tổng đại lý, đại lý mua xăng dầu tại nhiều đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định 84/2009/NĐ-CP; Saigonpetro xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở, chênh lệch lớn giữa các giai đoạn, khác biệt giữa các khách hàng và chưa đúng với quy định chung của Cty. |
|
Tổng các khoản đầu tư tài chính của các TĐ, TCT được kiểm toán đến 31/12/20112 là 25.750 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả đầu tư thấp, nhiều công ty liên doanh, liên kết thua lỗ, mất vốn, điển hình: Cty Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến 31/12/2011 là 1.090 tỷ đồng (vượt vốn điều lệ 982 tỷ đồng); Cty mẹ Habeco lỗ 195,42 tỷ đồng; PVC - Land lỗ 66,4 tỷ đồng; Cty Sopewaco lỗ 48,5 tỷ đồng; 3 đơn vị của Vinaconex lỗ hơn 140 tỷ đồng…
Đa số đơn vị xác định, kê khai thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước chưa đúng. Trong đó, chủ yếu là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, buộc KTNN kiến nghị tăng thu lên tới hơn 491 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 110,9 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 358 tỷ đồng…).
Kết quả kiểm toán chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại 8 Cty tài chính cho thấy, nhiều khoản cho vay tiềm ẩn rủi ro và gặp khó khăn trong thu hồi vốn; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng qua các năm; hiệu quả các khoản đầu tư thấp; công tác thẩm định, quyết định đầu tư còn nhiều sai sót, việc cân đối giữa nguồn vốn huy động và sử dụng vốn không phù hợp dẫn đến có thời điểm không bảo đảm tỷ lên an toàn theo quy định.
Việc quản lý và sử dụng đất đai chưa hiệu quả, nhiều đơn vị sử dụng đất sai mục đích, hoặc không sử dụng gây lãng phí, để đất bị lấn chiếm, xây dưng không đúng quy hoạch (Vinafor 7.837ha; Vinacafe 439ha; Vinaincon 5.453m2…).
Đối với nội dung cổ phần hoá, đa số đều thực hiện chậm, quá trình triển khai còn sai sót trong xác định giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tình trạng nợ, chậm nộp các loại bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh, TP, dẫn đến số nợ đọng bảo hiểm lớn. Theo kết quả kiểm toán, đến 31/12/2011, tổng nợ đọng các loại bảo hiểm là 6.420,374 tỷ đồng, trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc trên 4.496 tỷ đồng; bảo hiểm y tế trên 1.549 tỷ đồng và bảo hiểm thất nghiệp 374,735 tỷ đồng.
Trần Quý
theo Thanh tra