Sự kiện hot
8 năm trước

5 bảo vệ rừng huỷ hoại tài sản của người tố cáo ‘cát tặc’ tiếp tục hầu toà

Nhóm 5 bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) tiếp tục hầu toà vì tội huỷ hoại tài sản của người tố cáo cát tặc.

5 bảo vệ rừng phòng hộ tiếp tục hầu toà vì tội huỷ hoại tài sản của người tố cáo "cát tặc". Ảnh: Xuyến Chi

Ngày 6/6, Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) xét xử 5 bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) về tội Hủy hoại tài sản. Bị hại của vụ án là chủ đầm tôm Nguyễn Thị Ánh Ngọc, người nhiều lần tố cáo tình trạng khai thác cát trái phép trên các sông, lạch ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Theo cáo trạng, vào lúc 13h30 ngày 26/2/2016, lực lượng bảo vệ rừng ngập mặn Long Thành gồm 10 người đi tuần tra thì phát hiện bà Ngọc (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) tổ chức xây chòi canh trên đất rừng phòng hộ ở đùng tôm tại khu vực Tắc Hông, sông Thị Vải (đoạn thuộc xã Phước An, Nhơn Trạch). Xác định bà Ngọc xây dựng trái phép, tổ bảo vệ rừng mời bà Ngọc và những người liên quan về trụ sở làm việc thì xảy ra xô xát.

Lúc sau, các bảo vệ gồm Phạm Văn Ấn, Phạm Đức Tú, Trương Văn Lớn, Lê Văn Lang, Lê Ngọc Tuân đến khu vực bà Ngọc xây dựng, ném 40 bao xi măng xuống nước làm hư hỏng. Đến ngày 27/2/2016, tổ bảo vệ tiếp tục đến vị khu vực đầm bà Ngọc rồi ném 4 khung sắt xuống nước. Bà Ngọc sau đó gửi đơn tố cáo nhóm bảo vệ rừng hủy hoại tài sản lên cơ quan công an.

Bà Ngọc được mời đến tham dự phiên toà với tư cách người bị hại. Ảnh: Xuyến Chi

Ngày 28/2/2016, Công an huyện Nhơn Trạch, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai những người liên quan để làm rõ vụ việc. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định số tài sản của chủ đầm tôm bị hủy hoại gồm 300 kg sắt, 30 tấm ván, 2 điện thoại di động.

Tại phiên xét xử, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc đề nghị tòa án làm rõ hành vi của từng người và xử nghiêm minh trước pháp luật. Chủ đầm tôm nói rằng nguyên nhân của việc các bảo vệ rừng hủy hoại tài sản của bà là do tư thù cá nhân khi bà đứng lên tố cáo tình trạng khai thác cát trái phép thường xuyên diễn ra trên các sông, lạch ở huyện Nhơn Trạch.

Theo bà Ngọc, các bảo vệ rừng có liên quan đến việc bênh vực cho những người khai thác cát nên có hành động đập phá, hủy hoại công trình của bà.

Cũng tại tòa, ông Vũ Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành nói việc các nhân viên hủy hoại tài sản của bà Ngọc là do những người này nóng nảy trong quá trình làm việc. Ông khẳng định ban quản lý rừng không có quyền kiểm soát, xử lý tình trạng khai thác cát nên không có chuyện cán bộ bênh vực cho người khai thác cát.

Trước đó ngày 27/12/2016, Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) mở phiên sơ thẩm, xét xử 5 nhân viên bảo vệ Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL rừng Long Thành) về tội “hủy hoại tài sản” và yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung với lý do nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ.

Diễn biến vụ chủ đầm tôm bị khởi tố oan:

Tháng 2/2016, bà Ngọc làm đơn tố cáo những bảo vệ của BQL rừng Long Thành có hành vi đập phá tài sản lên cơ quan công an.

Ngày 19/4/2016, Công an xã Phước An (Nhơn Trạch) mời chủ đầm tôm lên trụ sở làm rõ vụ việc bà tố cáo.

Tuy nhiên, khi bà Ngọc đến nơi thì bị Công an huyện Nhơn Trạch bắt giữ để điều tra vì liên quan đến vụ "Chống người thi hành công vụ" từ ngày 5/9/2015. Vụ việc xảy ra từ 8 tháng trước được lật lại để điều tra khiến dư luận hoài nghi về tính chất khách quan trong quá trình tố tụng.

Theo bà Ngọc, ngày 5/9/2015, bà phát hiện ghe hút cát trái phép trên sông (gần đầm tôm bà Ngọc) nên báo chính quyền xã và công an. Lực lượng chức năng sau đó có mặt nhưng đề nghị di chuyển ghe cát khỏi vị trí nên bà Ngọc ôm ống hút cát để giữ ghe, yêu cầu công an lập biên bản tại chỗ.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai rà soát hồ sơ, làm rõ vụ việc.

Ngày 23/4/2016, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Văn Năm đã chủ trì cuộc họp với Thường trực Huyện ủy Nhơn Trạch và đại diện các cơ quan tố tụng của huyện để xem xét vụ việc.

Tại đây, các bên thừa nhận việc bắt bà Ngọc để điều tra trong trường hợp này là chưa cần thiết. Do vậy, cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Ngọc từ giam giữ sang tại ngoại. Trong ngày này, bà Ngọc được tại ngoại.

Ngày 26/4/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nhơn Trạch quyết định đình chỉ vụ án. VKSND huyện Nhơn Trạch sau đó tổ chức xin lỗi công khai. Trong vụ án, một số cán bộ thuộc VKSND huyện Nhơn Trạch bị kỷ luật, phê bình.

Xuyến Chi
Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: